Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới

6g30 phút ngày 1-8-2010 (giờ Hà Nội), tại Brasilia, Ủy ban di sản thế giới thông qua Nghị quyết công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội của Việt Nam là Di sản văn hóa Thế giới.

Theo tin từ Brasilia, vào lúc 20g30 phút  ngày 31-7-2010 (theo giờ Brazil) tức 6g30 phút ngày 1-8-2010 (theo giờ Việt Nam), kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban di sản thế giới họp tại Brasilia, Thủ đô của Brasil đã biểu quyết thông qua Nghị quyết công nhận khu trung tâm hoàng thành Thăng Long – Hà Nội của Việt Nam là Di sản văn hóa Thế giới.


Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (1490)

Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam và thủ đô Hà Nội trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tham dự kỳ họp lần thứ 34 Ủy ban di sản thế giới, Đoàn đại biểu Việt Nam có: Bà Ngô Thị Thanh Hằng, phó chủ tịch UBND Tp Hà Nội, phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; ông phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO, Bộ Ngoại giao; ông Văn Nghĩa Dũng – Đại sứ trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO; ông  Dương Nguyên Tường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Brasil; bà Lê Thị Minh Lý, Cục phó Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đồng Nai.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo. Đây là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một ngàn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận bởi 03 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa;  Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và Các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.


Dấu tích kiến trúc thời Lý – trần ở hố D4 – D6 (khu D)
Chụp lại từ cuốn Hoàng Thành Thăng Long,
quà tặng cho các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị ApEC 2006.


Dấu vết nền cung điện thời Lý ở Hố A20


Một dải đồ gốm sứ thời Lê dùng trong
hoàng triều tìm thấy bên dòng sông cổ ở hố A11

Từ năm 2006, được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của trung ương, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ban, ngành trung ương (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam…), sự quyết tâm cao và cố gắng nỗ lực, hiệu quả của Tp Hà Nội, đặc biệt là sự tham gia rất nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế (các chuyên gia pháp, Úc, Nhật…), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được bảo vệ, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới. Hồ sơ được đăng ký từ tháng 9-2008 và chính thức đệ trình UNESCO từ tháng 1-2009, được UNESCO tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ thông qua cơ quan tư vấn IOCMOS, và đến nay đã được Ủy ban di sản thế giới (gồm 21 nước thành viên) công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Việc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân nước Việt, là sự tri ân công đức với các vị tổ tiên đã có công khai sáng, xây dựng và bồi đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến; là tài sản vô giá để lại cho muôn đời sau; cũng chính là tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội Thủ đô và đất nước. Đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ và trách nhiệm to lớn của Thành phố Hà Nội trong việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của di sản,, trước mắt cần tập trung tổ chức tốt việc đón nhân dân và du khách trong nước, quốc tế đến tham quan di sản nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Việc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa Thế giới khẳng định những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia của UNESCO, chuyên gia: pháp, Nhật Bản, Úc, Anh…và đồng thời thể hiện sự quyết tâm lớn, nỗ lực cao và các hoạt động hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội bao gồm Khu Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội, tạo thành một di sản thống nhất của vùng trung tâm, được bảo tồn tốt nhất và quan trọng bậc nhất của Cấm thành Thăng Long, và trục trung tâm của thành Hà Nội

Khu Di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu là minh chứng không thể phủ nhận về một quần thể nền móng của các công trình kiến trúc phong phú, đa dạng thuộc nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau bắt đầu từ thế kỷ VII cho đến thế kỷ XIX, hiện diện bởi các di tích nền móng kiến trúc, giếng nước, cống nước và dấu vết của các ao hồ, sông đào…


Cấm Thành Thăng Long nằm trong giới hạn viền đỏ.
 Khu vực nằm trong hình vuông xanh là số 18 Hoàng Diệu.
 Ảnh lấy từ cuốn Hoàng Thành Thăng Long.

Thành cổ Hà Nội còn bảo tồn trên mặt đất một số di tích của Cấm thành Thăng Long thế kỷ XV như nền chính điện Kính Thiên với bậc thềm bằng đácó lan can chạm đôi rồng 5 móng tạc năm 1467, cửa Đoan Môn và di tích của thành Hà Nội thế kỷ XIX như Cửa Bắc, Kỳ Đài, cửa Hành cung
.


Cửa Bắc nhìn từ bên ngoài


Cửa Bắc bên trong


Cửa Bắc bên ngoài vào năm 2009.

Những thám sát khảo cổ học cho thấy tiềm năng di sản trong lòng đất rất lớn. trong thành cổ Hà Nội còn một số kiến trúc mang chức năng quân sự  của quân pháp cuối thế kỷ XIX và Đại bản doanh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất quốc gia những năm 1954-1975.

Các Tiêu chí

Tiêu chí (ii): Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), đến từ trung Hoa, Champa,  pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, qui hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Tiêu chí (iii): Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngay nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Tiêu chí (vi): Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ. Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Tính toàn vẹn và tính xác thực:


Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội thỏa mãn các đòi hỏi về tính toàn vẹn và tính xác thực theo Hướng dẫn thi hành của Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, cụ thể như sau:

Về tính toàn vẹn:

Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và trục trung tâm Thành cổ Hà Nội là hai bộ phận cấu thành Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội thể hiện rõ nét tính toàn vẹn của trung tâm quyền lực tối cao của Nhà nước, là bằng chứng giao thoa văn hóa và tiếp thu, dung hợp những giá trị nhân văn và văn hóa của các nước trong khu vực và thế giới.

Về tính xác thực:


Những di tích trên mặt đất và nhất là di tích, di vật khảo cổ học phát lộ từ lòng đất là bằng chứng xác thực về các kiến trúc cung điện trong Cấm thành cùng những nét đặc trưng về qui hoạch đô thành, tạo dựng cảnh quan và nghệ thuật kiến  trúc, nghệ thuật trang trí. Bố cục và kiểu dáng kiến trúc, vật liệu và chức năng sử dụng của di sản chứng minh một cách xác thực đây là trung tâm quyền lực, là bộ phận không gian tượng trưng cho thể chế quốc gia.

Công tác quản lý:

Di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội nằm giữa lòng một Tp đang phát triển với nhiều biến động và áp lực phát triển, nhưng Chính phủ Việt Nam và chính quyền Tp Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để bảo tồn di sản trong điều kiện một đô thị đang phát triển. Đó là thiết lập một hệ thống quản lý và pháp luật chặt chẽ để bảo vệ di sản, xếp hạng di sản là di tích cấp quốc gia đặc biệt, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để nghiên cứu bảo tồn di sản, nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ nhân viên của cơ quan quản lý di sản. Hiện nay di sản được bảo vệ bởi hệ thống các văn bản pháp lý chặt chẽ như Luật Di sản văn hóa, Quy hoạch khu trung tâm chính trị Ba Đình, Kế hoạch quản lý khu di sản.

Khuyến nghị:

a. Tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học, nhất là tại khu thành cổ Hà Nội, tăng cường nghiên cứu làm sáng rõ giá trị các di tích kiến trúc trước thời Nguyễn trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long.

b. Thường xuyên quản lý vùng đệm và vùng chuyển tiếp, bảo đảm sự an toàn và cảnh quan hài hòa với di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng chuyển tiếp ở phía Bắc, Đông và Nam khu di sản.

c. Hoàn chỉnh và phê duyệt kế hoạch quản lý cùng các chương trình cụ thể liên quan đến quản lý và thực hiện kế hoạch quản lý song song với tất cả các chương trình nhỏ nằm trong kế hoạch đó.

d. Bổ sung chương trình giám sát  chi tiết vào kế hoạch quản lý, phù hợp với định hướng chung đề ra trong hồ sơ đề cử.

e. Có kế hoạch đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn của những người tham gian công tác bảo tồn di sản.

f. Có kế hoạch giám sát số lượng khách du lịch có khả năng tăng rất nhanh trong thời gian tới. /.

Tiêu chí (ii): Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), đến từ trung Hoa, Champa,  pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, qui hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Tiêu chí (iii): Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngay nay. Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm. trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Tiêu chí (vi): Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản đề cử là bằng chứng thuyết phục về sức sống và khả năng phục hưng của một quốc gia sau hơn mười thế kỷ bị nước ngoài đô hộ. Di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *