Khung nào cho lợp mái?


Với cách lợp mái theo kiểu có hệ vì kèo, xà gồ, rui mè… thì đa số nhà ở hiện nay chọn vật liệu sắt hộp gia công tại công trường. Nhưng cách làm này mang nhiều tính thủ công và chỉ phù hợp với công trình nhà ở nhỏ lẻ. Thị trường vật liệu hiện nay đang có nhiều giải pháp khung cho mái ngói đạt chuẩn xây dựng quốc tế, tuỳ theo không gian đặc thù mà người tiêu dùng có thể chọn khung thép mạ hay khung gỗ


Khung thép mạ


Khởi đầu là các công trình công cộng, công nghiệp có diện tích lớn, hiện nay trong xây dựng nhà ở tư nhân, vật liệu thép mạ đã dần trở thành quen thuộc. Giàn thép mạ được cấu tạo từ những thanh thép hình cường độ cao, mạ hợp kim nhôm kẽm Zincalume có bề dày  từ 0,75 đến 1mm. Được phát minh và đưa vào thị trường quốc tế 30 năm qua, đến nay Zincalume đã trở thành một chuẩn mực về độ bền và khả năng chống ăn mòn cho kết cấu thép rất cao. Trọng lượng siêu nhẹ (10kg/m2 mái), cắt theo chiều dài thiết kế, không cần hàn, liên kết bằng vít… là những ưu điểm nổi trội của sản phẩm này. Điểm đặc biệt nữa là quy trình Cad-cam và công nghệ PLC (Programmable Logic Controller) sẽ chuyển trực tiếp các thông số thiết kế từ máy tính sang dây chuyền máy cán, dập và đột lỗ trong nhà máy của Bluescope Lysaght. Quy trình này giúp sản xuất ra các thanh giàn thép mạ Smartruss được đột lỗ trước, cắt theo chiều dài thiết kế với độ chính xác đến từng milimet, tránh sai sót khi gia công tại công trường, không phát sinh vật liệu thừa, tiết kiệm thời gian thi công và đảm bảo được tính thống nhất giữa công trình thực tế và bản vẽ thiết kế.








Giàn gỗ: thẩm mỹ và hiệu quả


Cùng với kết cấu thép khá hoành tráng và hiện đại, nhiều không gian vẫn cần có sự hiện diện của giàn mái lợp ngói khung gỗ như khách sạn, nhà hàng, resort, biệt thự… mà giàn thép có tính  “thẩm mỹ công nghiệp” không thể thay thế được vẻ ấm áp và nét truyền thống của giàn gỗ. Vấn đề là hiện đại hoá vật liệu và kỹ thuật xây dựng truyền thống như thế nào mà thôi… Tấm liên kết nhiều chân đã được nghiên cứu cùng với gỗ công nghiệp giúp rút ngắn đáng kể về thời gian thi công, tiết kiệm gỗ và mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhờ thi công theo dạng công nghiệp. 


Sự ưu việt ở giàn mái của một số hãng chuyên sản xuất giàn mái có thể kể đến là:








Dán mái gỗ


* Thiết kế đa dạng: Có thể tạo ra mái với hình dạng bất kỳ nhờ sử dụng giàn mái. Mọi thiết kế từ những kiểu cách truyền thống như vòm trần nhà thờ đến gian triển lãm hiện đại đều có thể dễ dàng taọ hình qua các phần mềm xử lý kỹ thuật tiên tiến nhất của nhà sản xuất.


* Chắc chắn với trọng lượng nhẹ: Giàn mái có thể được chỉ định để xây dựng những công trình có tải trọng đặc biệt lớn và trong điều kiện gió lốc khi cần. Nhờ tính toán chuẩn xác và tiết kiệm vật liệu nên trọng lượng một số loại giàn mái nhẹ hơn hẳn kết cấu cùng loại gia công theo kiểu thủ công, vì vậy việc vận chuyển và lắp đặt rất dễ dàng.


* Tiết kiệm thời gian và tiền bạc: Với các chi tiết dựng sẵn, được bố trí theo nhu cầu và tiến độ lắp đặt giúp giảm thời gian ở công trường cho người xây dựng. Chi phí xây dựng cũng được kiểm soát chặt chẽ bởi sẽ chỉ đưa đến công trường những vật liệu, thiết bị cần thiết, giảm thiểu sự lãng phí gỗ.


Đồng thời với những phần mềm đi kèm – không chỉ là giải pháp cho các kỹ sư với công việc riêng biệt mà còn cung cấp các tư liệu chi tiết chính xác và những đột phá về nguyên vật liệu. Phần mềm này với giao diện 3D cho phép “tham quan xuyên mái”, dạo quanh toàn bộ kết cấu và xem xét từng khía cạnh của công việc.


Bài: KS Lê Quang Trân
Ảnh: Trường Ân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *