trong buổi làm việc ngày 27/1, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã cho ý kiến về hai dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhà máy Nhiệt điện Long phú 1. Tổng mức đầu tư cho hai dự án trên khoảng 45 nghìn tỷ đồng và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tới.
Lo ngại về môi trường Đây là vấn đề mà Hội đồng thẩm định đưa ra để chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cần tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tháng 5 tới. Dự án này do TCty Điện lực Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức trên 29.700 tỷ đồng, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 600MW. Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới thì tổ máy số 1 sẽ phát điện vào quý II/2014; tổ máy số 2 sẽ phát điện vào quý IV/2014. Những tính toán của Cty Cp Tư vấn xây dựng điện 1 – đơn vị lập Báo cáo đầu tư – cho thấy, khi đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 4,151 triệu tấn than cám 6B, 10.800 tấn nhiên liệu phụ dầu FO và khoảng 216.240 tấn đá vôi phụ gia đốt kèm. Nguồn nguyên liệu than, đá vôi, dầu FO cho nhà máy sẽ được vận chuyển chủ yếu bằng đường biển và đường sông. Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trên diện tích 43,564ha. Nhà máy sẽ cung cấp một nguồn điện năng lớn cho khu vực các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ và các khu vực lân cận, giảm tổn thất truyền tải. Sau khi nghe ý kiến của các thành viên trong hội đồng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng phúc – Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước – cho rằng: Vấn đề kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng nhà máy là không đáng lo vì chúng ta đã xây dựng thành công Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1. Khó khăn nhất trong triển khai xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là vấn đề giải quyết các tác động đến môi trường và vấn đề thu hồi đất nông nghiệp. Dù công nghệ có tiên tiến đến đâu thì việc vận chuyển than, xả tro xỉ trong quá trình vận hành sẽ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên vấn đề này đã được ông phạm Văn Ca – phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Khi tiến hành thu hồi đất để xây dựng nhà máy, tỉnh đã đầu tư trên 100 tỷ để xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã Mỹ Lộc, tỉnh đã hỗ trợ người dân mất đất chuyển sang các ngành nghề kinh doanh dịch vụ. Lượng tro xỉ nhà máy xả ra theo dự kiến sẽ được dùng làm nguyên liệu cho một cụm công nghiệp sản xuất gạch không nung ngay trên địa bàn tỉnh.
Nhà máy đầu tiên sử dụng than nhập khẩu Nhà máy nhiệt điện Long phú công suất 1.200 MW được xây dựng tại xã Long Đức, huyện Long phú, tỉnh Sóc trăng, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng số vốn lên đến 26.044,817 tỷ đồng. Nếu được triển khai xây dựng sớm thì nhà máy sẽ hòa lưới điện quốc gia vào năm 2013. Nhiệt điện Long phú 1 sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu từ Australia hoặc Indonesia. Theo đó than sẽ được nhập về qua cảng trung chuyển sau đó tiếp tục vận chuyển về nhà máy thông qua các tàu có trọng tải nhỏ dưới 10 nghìn tấn. Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định nhà nước đối với Dự án nhiệt điện Long phú 1 thì, với sự lựa chọn công nghệ hiện đại của Nhật Bản sẽ không nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo về môi trường cũng như vấn đề về đất nông nghiệp. Nhưng việc vận hành dự án lại nảy sinh các vấn đề trong trung chuyển nhiên liệu. Tuy nhiên những phân tích của các thành viên cũng cho rằng các tuyến luồng lạch của sông Hậu hiện nay không thể đáp ứng được các yêu cầu cho tàu có quy mô lớn vận chuyển than đến nhà máy. Vì vậy chủ đầu tư cần phải đề xuất những phương án nạo vét dòng phù hợp để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho nhà máy hoạt động. Theo các chuyên gia kinh tế thì việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long phú 1 sẽ góp phần cung cấp điện ổn định, tạo tiền đề thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy việc phát triển kinh tế – xã hội của cả khu vực ĐBSCL. |
Kiến nghị xây dựng thêm 2 nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và Long phú 1
0