Trang chủ » Kỳ tích Bình Phước

Kỳ tích Bình Phước

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

Giữa vùng đất chiến khu heo hút năm xưa giờ đã sừng sững một nhà máy xi măng công nghệ hiện đại nhất đã đi vào vận hành. Ước mơ cháy bỏng của người làm Xi măng Hà Tiên1 bao lâu nay phải sản xuất ra clinker đã thành hiện thực. Tôi không có may mắn chứng kiến mẻ clinker đầu tiên của Bình phước ra lò vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm Kỷ Sửu sang năm Canh Dần. Nhưng chỉ một thoáng gặp Giám đốc Ngô Minh Lãng, trong mắt người đứng đầu một DN lớn vẫn ánh lên niềm tự hào đã nắm trong tay một nhà máy làm xi măng hiện đại.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh triết trong một lần về thăm CBCNV  nhà máy.

Nhà máy nghiền ở phú Hữu thuộc Q.9, Tp.HCM từ đây sẽ có clinker từ Bình phước chuyển về. Nhà máy ở Thủ Đức sẽ không còn canh cánh nỗi lo chờ clinker, đợi những đoàn tàu chở clinker từ các nhà máy phía Bắc chuyển vào  phải chịu phí vận chuyển quá cao.

Sức mạnh của thương hiệu Xi măng Hà Tiên 1 như được nhân lên. Diện mạo của ViCem Hà Tiên 1 giờ khác hẳn. 1,8 triệu tấn ở Thủ Đức cùng với công suất của trạm nghiền phú Hữu và xi măng ở Bình phước tham gia thị trường sẽ nâng tổng công suất của Hà Tiên 1 lên trên 5 triệu tấn xi măng/năm – trở thành một DN sản xuất và tiêu thụ xi măng lớn nhất.

20 năm trước ai nghĩ có một Xi măng Bình phước hôm nay? Quyết định xây dựng lắp đặt đầu tư vào Xi măng Bình phước là ấp ủ của Nguyễn Ngọc Anh. Nhưng khi vừa đi vào thực hiện thì ông lại được điều ra Hà Nội giữ trọng trách Tổng giám đốc ViCem. Người thực hiện là lớp đàn em: Ngô Minh Lãng, phạm Đình Nhật Cường, Mai Văn Yên, Hoàng Kim Cường… là lớp kỹ sư trẻ Hoàng, Thắng, Toán, Bá… mà ông dày công thổi vào họ cái hồn của nghiệp đất đá, đốt cháy trong trái tim họ quyết tâm xây dựng bằng được xi măng trên đất chiến khu này.

Hôm nay một Xi măng Bình phước đã ra hình ra vóc đang hoàn thiện những việc cuối cùng để máy nghiền hoạt động, để xưởng đóng bao tự động vận hành. Giám đốc Ngô Minh Lãng – người đứng mũi chịu sào vừa lo SXKD nhịp nhàng ở nhà máy nghiền Thủ Đức, vừa lo đưa trạm nghiền phú Hữu nhanh chóng đi vào sản xuất, nhưng nhà máy mới trên Bình phước thì ông vẫn phải đặt lên trên hết những lo toan. phân công phó giám đốc Hoàng Kim Cường đặc trách nhưng anh vẫn tuân thủ lịch thứ 5 tuần nào cũng có mặt ở Bình phước để chỉ đạo, để nắm tình hình, khó khăn gì là ông giám đốc quyết ngay. Ngày nào, tuần nào ông cũng bận ríu lên với bao việc. Họp hành chi ở Hà Nội, Đà Nẵng không thể không có mặt chứ cứ ngơi việc ở trụ sở là ông lại vút lên Bình phước xem “giấc mơ Hà Tiên 1 phải làm ra clinker” thực hiện đến đâu rồi. Bám sát điều hành xây dựng nhà máy là ban dự án với những kỹ sư đầy nhiệt huyết xoay tròn như chong chóng với các nhà thầu, bám sát các chuyên gia giám sát thi công, các nhà cung cấp thiết bị để mọi việc nhịp nhàng, đúng tiến độ.

Nhưng câu chuyện để có một Xi măng Bình phước lại là ở mỏ đá, mỏ sét Tà Thiết, ở việc lắp đặt hệ thống băng chuyền dài hơn 11km từ mỏ về nhà máy. Khi cầm trong tay quyết định đầu tư của Chính phủ, cả Ban Giám đốc Hà Tiên 1 đã phải tính đến việc mở mỏ nguyên liệu rồi. Đá, sét chìm sâu trong lòng đất chứ đâu có được trùng điệp núi đá lộ thiên như các nhà máy xi măng ở phía Bắc. trong đầu của Nguyễn Ngọc Anh và các phó giám đốc cộng sự như sôi lên khi ngồi bên nhau để giải bài toán về đầu vào, đầu ra của Xi măng Bình phước. Khai thác dưới lòng đất sâu mới có đá, sét để làm xi măng. Mà vận chuyển bằng băng chuyền tới cả chục kilômét thì làm xi măng ở Bình phước quả lắm khó khăn. Nguyễn Ngọc Anh chẳng bao giờ quên được cái ngày đầu bàn chân ông và các cộng sự đã luồn rừng, lội suối trên rừng Tà Thiết lòng nung nấu một quyết tâm tìm bằng được nguyên liệu làm xi măng trên đất này. Bấy giờ có người đã lảng ra, có người nhỏ to tiếng bấc tiếng chì: Một ý tưởng phiêu lưu, một kẻ khùng mới đổ tiền bạc, công sức vào làm xi măng ở Bình phước! Rừng thì hoang vu không tiếng trả lời. Chỉ có một mớ tài liệu của các nhà địa chất pháp từ thế kỷ trước bảo dưới đất sâu có đá, có sét để làm xi măng như lên tiếng gọi. Nhìn ra các tỉnh phía Bắc đá vôi lộ thiên bạt ngàn kia, xây dựng một nhà máy xi măng còn bao công sức tiền bạc. Nhưng lắp đặt xong nhà máy nổ mìn phá đá là làm ra xi măng rồi. Đằng này nguyên liệu lại ở tận đất sâu. Một mét khối đá moi từ lòng đất để nung thành clinker thì giá thành sẽ thế nào, con mắt kinh tế nhìn đâu?

Tất cả những điều ấy đều lọt vào tai Nguyễn Ngọc Anh. Nhưng ông là người bản lĩnh, chịu nghe và biết nghe. Một con người hết mình với cái nghiệp xi măng, ăn cũng nghĩ đến xi măng, ngủ cũng  nghĩ đến xi măng. Thậm chí cả lúc tự dành chút thư thái bên tách cà phê mà nghiệp xi măng cũng đâu có gạt sang bên được. Tìm đọc sách nước ngoài, nghe ngóng các nhà khoa học, các nhà địa chất, rồi nghĩ cách phải xây dựng bằng được một dây chuyền làm XM thật hiện đại. Thứ 7 nào ông cũng trốn vợ vào nhà máy, tìm đọc tài liệu của các nhà địa chất pháp để lại… Ông vững tin trong lòng đất Tà Thiết là cả một kho nguyên liệu làm xi măng, đủ cả đá vôi, sét… Nhiều khi ông cũng giật mình liệu quyết định làm xi măng ở Bình phước có liều không, bởi trước đó cũng có liên doanh với nước ngoài định làm xi măng ở Bình phước rồi họ lại thôi. Nhưng người nước ngoài sao hiểu đất đá này, con người Việt Nam này. Ông lại dành thời gian lội ngược lên Bình phước để thêm quyết tâm. Đất miền Đông gian lao mà anh dũng là đây! Chiến khu cách mạng một thời là đây! Bao xương máu đồng bào đồng chí còn nằm đây. Ngôi mộ chôn chung cả 3.000 người ở Bình Long làm ông lặng đi. Nhà máy đặt ở đây không chỉ làm ra xi măng để giải quyết sự cân bằng cho thị trường phía Nam đang rất thiếu, đang còn rất chông chênh, mà người làm xi măng còn gửi vào đất này, vào đồng bào mình nơi đây sự tri ân, sự biết ơn sâu nặng. Nhưng lần nào gặp ông cũng chỉ nhẹ nhàng: Xi măng Bình phước đi vào vận hành sẽ giúp cho Tổng ViCem bớt nỗi lo trong điều tiết xi măng vào phía Nam. Nếu có nói gì thì Ngọc Anh chỉ biết cảm ơn lịch sử đã cho ông ký thác cuộc đời mình với nghiệp xi măng. Nhưng làm nên Xi măng Bình phước, làm nên sức mạnh của ViCem là công sức của bao con người đó!

Lần nào vào Bình phước chúng tôi cũng đến với những thợ mỏ đang ngày đêm làm việc quên mình. Chẳng thể quên những mũi khoan cả mấy chục mét thuốn sâu vào lòng đất mới chạm tới vỉa đá vôi. trữ lượng đá vôi, sét quả khổng lồ, nhưng moi được lên thì công sức trí tuệ đâu có ít. Đạo quân mở mỏ đã từng vấp phải nỗi khó là khoan sâu xuống đất thì gặp túi nước. phải hút nước mới có thể lấy được đá lên chứ đâu phải cứ nổ mìn là có đá như ngoài phía Bắc. Ngày đầu đường điện chưa kéo về nên mấy cái máy bơm nước phải chạy bằng dầu rất tốn kém. Người chỉ huy mở mỏ Tà Thiết là anh bạn kỹ sư trẻ quê ngoài Nghệ An đã từng tung hoành ở nhiều công trình khai thác mỏ bảo với tôi:

– Bọn em khai nhiều mỏ nhưng mấy ông ViCem Hà Tiên 1 làm được cái mỏ này là kỳ tích đó!

– Thì cũng là kỳ tích của dân khai mỏ các anh nữa chứ.

– Ông anh nói quá đúng. Bọn em đang làm nên kỳ tích để đất hoang vu này có xi măng mà không hay.

Đã từng chứng kiến bao nhà máy xi măng được xây dựng lắp đặt ở các tỉnh phía Bắc với đủ lo toan, đủ bộn bề, tôi đã thầm cảm phục những Giám đốc Đào Ngọc Bình, Lê Văn Thành, Nguyễn Như Khuê của Hoàng Thạch, Hải phòng, Bỉm Sơn, vào Bình phước lại càng thêm thán phục những người đứng đầu của Hà Tiên 1, những kỹ sư, công nhân kỹ thuật tài hoa say nghiệp, say nghề, xa vợ con ở Sài Gòn mà lên với núi rừng Bình phước để làm ra xi măng cho đất nước.

Đúng là kỳ tích Xi măng Bình phước! Kỳ tích ấy được làm nên từ nghĩ suy giản dị: Không để vùng đất phía Nam này thiếu xi măng. Kỳ tích ấy được làm nên từ cái đầu dám làm, dám nghĩ, từ khát vọng cháy lòng với nghiệp biến đất đá moi từ lòng đất sâu để làm ra chất kết dính bền vững cho bao công trình xây dựng. Chả hiểu duyên trời hay là một ý tưởng đầy chất tâm linh, bay bổng lãng mạn chi mà mẻ clinker đầu tiên của Xi măng Bình phước lại ra lò đúng ngày Tết Canh Dần? Giám đốc Ngô Minh Lãng mỉm cười:

– Người mẹ mang thai đứa con mà mình mong muốn đâu có hẹn được ngày đứa trẻ ra đời. Thì Xi măng Bình phước cũng thế. Đến lúc thiết bị lắp đặt xong ra được clinker là ra. Cũng như cái sự sáp nhập trở lại của Hà Tiên 1 với Hà Tiên 2 là một cuộc duyên tình không thể khác. trời định, hay người định thì cũng vì đất nước này, cũng vì vùng đất phía Nam còn cần lắm xi măng cho xây dựng mà anh!

Làm nên kỳ tích Xi măng Bình phước, những người đứng đầu DN chỉ nói lời giản dị thế. Một Bình phước sẽ còn bề thế, hoành tráng hơn khi dự án một dây chuyền làm xi măng tới 12 nghìn tấn clinker/ngày ở đây đã lại đang ấp ủ.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.