|
Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có hơn 140.000 đường dây điện, dây cáp các loại. 90% trong số này là các đường dây nổi, chồng chéo nhau trên các cột điện tạo thành những “mạng nhện”, những “thòng lọng” khắp Thủ đô. Các loại thòng lọng này không chỉ tạo ra một loại “rác” đặc biệt ở trên cao, mà còn là những cái bẫy gây tai nạn cho người đi đường, trong đó có không ít trường hợp đã tử vong.
Việc hạ ngầm tất cả các tuyến cáp, đường dây điện ở Hà Nội trước năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trong Nghị định chi tiết một số điều về pháp lệnh Thủ đô. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình lên Chính phủ đề án xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố không có dây” giống như các thành phố lớn của các nước trong khu vực…
Ngầm hóa “mạng nhện”: Vướng đủ đường
Từ nhiều năm nay, việc giải quyết vấn nạn “mạng nhện” giăng vô tội vạ trên đường phố, gây mất mỹ quan đô thị và ẩn chứa hiểm họa chết người đã được UBND TP Hà Nội rất quan tâm.
Năm 2008, thành phố đã duyệt chi 200 tỷ đồng giao cho Sở Giao thông Công chính tiến hành ngầm hóa hệ thống “thòng lọng” tại các tuyến phố, trong đó Nhà nước cấp 130 tỷ, còn lại là do doanh nghiệp lắp đặt đường dây đóng góp. 5 tuyến phố lớn tại hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình được thí điểm ngầm hóa là Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hai Bà Trưng, Tràng Tiền – Hàng Khay, Nguyễn Thái Học – Kim Mã, Văn Cao – Liễu Giai – Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng…
Qua thi công thử nghiệm cho thấy, riêng 5 dự án ngầm thí điểm trên, đã ngốn hết của thành phố gần 214 tỷ đồng; trung bình mỗi kilômét hạ ngầm tốn khoảng 12,5 tỷ đồng. Như vậy, để hạ ngầm hơn 100km đường dây, Hà Nội sẽ cần tới 1.250 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai thí điểm các tuyến hạ ngầm, cơ quan chức năng đã rất khó xác định các đơn vị có hệ thống dây trên cao, từ điện lực, thông tin cho đến chiếu sáng. Đơn cử, có những hệ thống dây đi nổi không rõ cơ quan quản lý, khiến đơn vị tiến hành khảo sát mất rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể, khi xác định được danh tính, thì đơn vị quản lý lại không có tài chính để thực hiện hạ ngầm dây.
Tại nhiều tuyến đường, ngõ phố cũng gặp nhiều bất cập, như hè phố quá nhỏ, đường mới cải tạo, nâng cấp nên không được phép thi công các công trình ngầm hoá thông tin, viễn thông. Tại một số khu vực ngoại thành, các tuyến đường chủ yếu do nhân dân địa phương đóng góp kinh phí xây dựng, nên việc xin phép thi công cổng, bể rất khó khăn…
Điều đáng nói là tại các tuyến phố, các khu đô thị mới, việc hạ ngầm cũng không được các đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh. Theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư các khu đô thị mới, các tuyến đường mới phải xây dựng hệ thống đường ống, hào kỹ thuật để ngầm hóa các tuyến đường dây. Nếu đã có hào kỹ thuật, hệ thống đường ống, các đơn vị có đường dây đi nổi phải hạ ngầm dây vào hệ thống. Tuy nhiên, nhiều khu chung cư mới xây dựng lại chưa trang bị hệ thống này.
Riêng trong năm 2008, Sở Giao thông Vận tải tiến hành kiểm tra 34 khu đô thị thì đã có tới 20 khu không có hệ thống đường ống, hào kỹ thuật như Trung Yên, Sài Đồng, Đại Kim – Định Công, Pháp Vân, Việt Hưng…
Quyết tâm “quét” sạch “thòng lọng” trên đường phố
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa trình Chính phủ đề án xây dựng “thành phố không có dây” với mong muốn ngành thông tin truyền thông sẽ tham gia xây dựng văn minh đô thị, góp phần đưa Hà Nội trở thành một thành phố không còn “rác trên cao”.
Theo ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên tắc xây dựng thành phố không dây là những quy hoạch mới, những tuyến đường mới thì xây dựng cơ sở hạ tầng trước rồi xây dựng các công trình xây dựng, nhà ở sau. Còn những đường phố, khu vực cũ xây dựng từ trước thì sẽ cải thiện theo từng tuyến đường theo nguyên tắc hình thành những đường phố không dây, tiến tới xây dựng thành phố không dây.
Theo đó, doanh nghiệp nào muốn đưa dây xuống hệ thống ngầm đều phải trả phí. Nhà nước sẽ làm sẵn đường ống ngầm, các lĩnh vực khác sẽ chỉ gửi đường ống ngầm của mình giống như hình thức thuê đường ống. Chi phí cho việc này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc các ngành mạnh ai nấy đào đường, kéo dây, dựng cột như hiện nay. Cũng theo ông Lê Doãn Hợp, Bộ sẽ có buổi làm việc cụ thể với lãnh đạo thành phố Hà Nội và TP HCM về vấn đề này.
Đề án xây dựng “thành phố không có dây” có thể xem là một sự hỗ trợ lớn cho Hà Nội trong việc hạ ngầm cáp thông tin, viễn thông và chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho Thủ đô bước vào kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tuy nhiên, các nước phát triển thường xây hạ tầng ngầm trong lòng đất trước, rồi mới xây dựng nhà ở, khu dân cư và các công trình kiến trúc trên mặt đất. Còn Hà Nội thì làm ngược lại. Hệ thống dây cáp điện, cáp viễn thông trong các quận nội thành cũ nếu ngầm hóa sẽ vô cùng khó khăn khi hệ thống cấp thoát nước không được quy hoạch bài bản, không đủ chuẩn. Đó là chưa muốn nói, việc hạ ngầm “mạng nhện” đã được UBND TP Hà Nội tiến hành vài năm nay, nhưng trên thực tế chưa đưa lại kết quả như mong muốn.
Nhiều chuyên gia tính toán, nếu cứ tiếp tục tiến hành với tiến độ như hiện nay thì có thể đến năm 2020 may ra mới hoàn thành…
Theo CAND