Nhìn thảm cảnh vá víu ở cây cầu Thăng Long mà thấy xót xa. Chỉ mới vừa đây thôi, việc sửa chữa mặt cây cầu nổi tiếng này đã làm đảo lộn cả một hệ thống giao thông đường bộ huyết mạch của Thủ đô, đến nỗi Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm, bộ đội công binh đã phải ngày đêm làm chiếc cầu phao để giải phóng cảnh ùn tắc. Thế mà giờ đây, vết nứt đang có nguy cơ loang lổ khắp mặt cầu vừa mới nghiệm thu như một gương mặt bị căn bệnh ghẻ lở hoành hành. Nguyên nhân tại đâu? Có nhiều ý kiến khác nhau, chưa tìm được nguyên nhân nhưng người ta đã nhìn thấy những đường đi tất yếu của “quả bóng trách nhiệm”. Ý kiến của chủ đầu tư thì cho rằng lỗi này do bên thi công gây nên, hoặc là do đẩy nhanh tiến độ thi công, hoặc là do việc kiểm soát quy trình thi công không chặt chẽ đã khiến chất lượng công trình không được đảm bảo. Ý kiến của nhà thầu lại khẳng định rằng đây là “lỗi hệ thống” chứ không phải do quá trình thi công. Bởi vì đây là một công nghệ tiên tiến, thiết bị trộn là tự động.Quá trình thi công được các chuyên gia trong nước và nước ngoài giám sát chặt chẽ từ trạm trộn, đưa ra hiện trường đến từng cân nhựa. Tất cả đều thể hiện trên màn hình. Khi nghe thấy cụm từ “lỗi hệ thống” thì nhiều người thoáng giật mình như nghe ở đâu thấy quen quen. Ngẫm ra mới nhớ trong cuộc sống hiện nay có một cụm từ dành riêng cho hoàn cảnh bất lực không tìm ra nguyên nhân của bất cứ sự vô trách nhiệm nào làm thất thoát tài sản công, đều đổ cho tại “lỗi hệ thống”, tức là một loại lỗi mà “không ai cả” gây ra. Khi quyết định thay toàn bộ bề mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ SMA, chủ đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về vấn đề này. Như vậy có nghĩa là nếu chọn công nghệ sai thì sẽ không phải lỗi tại ai. Đến khâu thiết kế, bên nhà thầu là ông Bùi Xuân trung – Tổng giám đốc Cty Cp Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân, khẳng định với các nhà báo rằng có rất nhiều lỗi: “Thiết kế gồm 2 lớp bê tông, lớp trên là bê tông xốp (7cm), tiếp đó là lớp bê tông cứng, nhưng nước không thoát được giữa hai lớp này. Do cầu 22m, nhưng Cục Đường bộ chỉ cho thi công 17m. Điều này khiến khi có vết nứt, đây trở thành những túi nước. Đó cũng chính là lý do mà mới đây, chúng tôi đã phải đục những rãnh thoát nước hai bên lan can cầu”. Như vậy là tại anh tại ả tại cả nhiều bên chứ chẳng phải tại ai. Sự việc còn đang để ngỏ đợi kết luận của các nhà chuyên môn. Thiệt hại kinh tế thì rõ ràng rồi. Có người lạy trời lạy phật rằng đây chỉ là một lỗi nhỏ trong thi công, các vết nứt chỉ bó gọn trong lỗi của một mẻ bê tông nào đấy. Chứ còn nếu là “lỗi hệ thống” thì hàng chục hàng trăm tỷ đồng lại vứt xuống sông xuống biển như chơi mà hệ thống lỗi thì vẫn còn. |
Lỗi hệ thống?
4