|
Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội, 2 dịch vụ được xác định phát sinh dầu bôi trơn đã qua sử dụng (dầu thải) lớn nhất hiện nay là: dịch vụ vận tải bằng ôtô và tàu hỏa. Theo quy định, với các doanh nghiệp có phát sinh loại chất thải này phải đăng ký chủ nguồn thải với cơ quan chuyên môn, và vận chuyển, xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại Hà Nội, đa số lượng dầu thải thải ra không hề được quản lý. Cá biệt, có một số doanh nghiệp còn bán loại chất thải nguy hại cho các cá nhân, tổ chức không có chức năng thu gom, xử lý.
Chỉ huy Đội 3.1 Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội cho biết, tại Hà Nội hiện có 2 đơn vị có chức năng xử lý dầu thải là: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội và Công ty TNHH Văn Đạo. Tuy công suất xử lý dầu thải của 2 công ty này không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, song, các nhà máy xử lý dầu thải tại đây vẫn phải hoạt động cầm chừng do không có khách.
Điều đó phản ánh đúng thực trạng hiện nay, khi các đơn vị phát sinh dầu thải không chủ động đem xử lý theo quy định, mà tìm cách “lách” để thu lợi: vừa không mất tiền xử lý dầu thải, vừa bán “chui” dầu kiếm tiền. Trong khi đó, công tác quản lý nguồn dầu thải lại đang gặp nhiều khó khăn vì không có đơn vị chuyên trách nào đứng ra giám sát chặt chẽ vấn đề này. Mặt khác, không loại trừ việc các doanh nghiệp phát sinh lượng dầu thải lớn chấp nhận bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng lỗi không lập hồ sơ đăng ký phát sinh chất thải nguy hại, để thu về nguồn lợi lớn hơn từ việc bán dầu thải.
Theo thông tin chúng tôi có được, dầu thải khi phát tán ra môi trường tiềm ẩn khá nhiều nguy hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Nếu xâm nhập vào cơ thể con người, một số loại dầu thải có khả năng làm biến đổi gen và gây ung thư cao.
Thực tế trên cho thấy, đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh bảo về công tác quản lý dầu thải hiện nay tại Hà Nội, và quan trọng hơn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những tác động nguy hại của dầu thải đối với môi trường tự nhiên và sức khoẻ cộng đồng.
Theo CAND