Trang chủ » Nghĩa trang cũng quy hoạch… treo

Nghĩa trang cũng quy hoạch… treo

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

Ông bạn tôi ở làng Tây (Thái Thuỵ, Thái Bình) có cụ thân sinh về cõi phật. Tôi về khi đám tang đã hoàn tất. Nhờ bạn đưa ra phần mộ của cụ ở nghĩa trang làng để thắp hương, tôi bỗng nhận ra một sự lạ: Hàng chục ô đất ở các vị trí rải rác trong nghĩa trang, mỗi ô chừng bẩy, tám thước vuông, cá biệt có ô tới hơn chục thước, đã được người ta dùng gạch xây bao lại, bên trong không thấy dấu vết mồ mả. Hỏi, ông bạn bảo:


Một góc nghĩa trang làng, trong đó rất nhiều “ngôi mộ” được đắp sẵn để chiếm đất

– Đó là người ta xí phần sẵn để sau này cha già mẹ héo, hay chính mình chết thì có chỗ chôn…

Thì ra vậy. Mươi năm trở lại đây, nghĩa trang làng nào cũng mọc lên trùng trùng điệp điệp những lăng mộ với đủ kiểu dáng, đủ màu sắc: nào lăng mộ tổ của các dòng họ, các chi họ, lăng mộ của những thành viên trong các dòng họ đã chết. Thậm chí cả những bà cô, ông mãnh (những người chết khi mới trên dưới mười tuổi) mà theo thuyết luân hồi của nhà phật thì giờ không biết họ đã đầu thai ở những nơi bóng nước phương trời nào, có khi đã con cháu đầy đàn, cũng có lăng…lòng hiếu thảo của người đời được đo bằng giá trị của những lăng mộ. Người trước xây lăng hết năm triệu, người sau xây hết bẩy triệu, sau nữa là chín mười triệu, mười hai triệu… ai cũng cố xây cho to, cho đẹp, cho lạ, cho cầu kỳ hơn người khác. Anh em đóng góp xây lăng cho bố mẹ, dòng họ “đếm đầu bổ sỏ” bắt trai đinh đóng tiền xây lăng cho tổ tiên. Nhiều nhà độc đinh, con cái đi học không có tiền nhưng cũng quyết dành tiền xây lăng cho song thân chứ nhất định không chịu kém ai. Thậm chí có người như anh Thận, thế chấp nhà vay ngân hàng hẳn mười lăm triệu xây lăng cho bố, nay vừa gốc vừa lãi đã là hai chục triệu, nhà không biết bị kê biên phát mại lúc nào…

Nghĩa trang mỗi làng có diện tích trên dưới độ hai mẫu đất, cả hung táng cát táng đều dồn vào đó. trước đây, mỗi ngôi mộ khi cát táng chỉ  chiếm diện tích độ một mét vuông. Người ta đắp mộ cho người thân bằng đất, theo đúng triết lý “cát bụi, lại trở về cát bụi”. Mộ có hai phần, phần âm hình vuông vùi sâu trong đất còn phần dương (phần nhô lên mặt đất) khum khum, tượng trưng cho bầu trời  (trời xanh như tán lọng tròn – đất kia chằn chặn như bàn cờ vuông). Kiến trúc như thế là thể hiện cái quan niệm “sống gửi, thác về”. Con người sau khi  đi hết cuộc đời ngắn ngủi như “bóng câu qua cửa sổ”, được trời che đất chở, nay trở về với trời đất và trong cõi vĩnh hằng vẫn được trời che, đất chở. phần mộ bao giờ cũng được phủ một lớp cỏ xanh tượng trưng cho thiên nhiên. Thế nên mùa xuân ở tha ma mới có cảnh “cỏ non xanh rợn chân trời” như trong thơ của cụ Tố Như (không ít vỹ nhân trước khi chết  đã dặn con cháu  an táng mình trên một ngọn đồi, mộ không có dương phần, không cải táng, là có ý muốn được gửi mình hẳn vào  thiên nhiên ).Với những diện tích khiêm tốn như vậy, nghĩa trang bao giờ cũng rộng rãi. Bây giờ, mỗi lăng mộ là một khối kiến trúc vững chắc nếu không phải là bê tông cốt thép thì cũng là gạch xây ốp gạch men hay đá, không một ngọn cỏ nào có thể mọc được. Những triết lý, những quan niệm sâu xa về sự sống cái chết của cổ nhân bị phá vỡ hoàn toàn trước cái thị hiếu thô kệch của người đời trong thời “thị trường”vốn lấy sự trọng vật chất làm tiêu chuẩn. Mỗi lăng mộ bây giờ chiếm một diện tích tối thiểu năm mét vuông, có lăng chiếm hàng chục, hàng vài chục mét. Một người chết sau khi cát táng chiếm mất năm bẩy phần của người khác, trong khi đất nghĩa trang không thêm ra, thế tất nghĩa trang trở nên chật chội. Việc biến những nghĩa trang thành “những thành phố cho người âm phủ” ấy đã tạo nên những “cơn sốt đất dành cho kiếp sau”. Và thế là người ta đua nhau “quy hoạch” sẵn lăng mộ cho song thân mình hay cho chính mình. Và quy hoạch xong rồi thì “treo” đấy, bởi song thân hay bản thân mình ít ra cũng còn được mươi  hay mười lăm năm tại thế…

Tối hôm ấy, trong bữa cơm ở nhà ông bạn tôi, có cả mấy thân nhân, hàng xóm cùng dự, tôi được biết thêm về việc “nhận phần cho kiếp sau của một số người làng. Ông Vệ, anh họ người bạn tôi, mới năm mươi bẩy tuổi, bảo :

– Các cụ dạy “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” ngẫm ra thật đúng lắm. Song thân tôi sinh được sáu anh em giai. Tôi là lớn. Bốn chú nó ở thành phố rồi. Ở  làng chỉ còn tôi với chú út. Chúng tôi cũng mới xây lăng cho song thân được hai năm nay. Lúc xây, anh em bàn nhau cũng định kiếm miếng đất kha khá. Ngoài chỗ cho hai cụ, còn thì dành sẵn, sau này vợ chồng tôi và các chú thím nó thích “về quê” thì để cả ở đấy. Nhưng không sao tìm được. Thuốn thăm dò bốn năm chỗ, cứ được bốn năm mét vuông lại đụng vào chỗ của “người ta”. Nghĩa trang, vậy mà cũng phức tạp lắm. Làng này trước đây có đến sáu bẩy tha ma rải rác khắp các cánh đồng. Thời HTX tiến lên “cấp cao”, quy hoạch đồng ruộng, các tha ma bị phá hết, mộ phần được dồn cả về nghĩa trang bây giờ, mộ vô chủ không biết là mấy trăm cái, HTX khoán cứ mười điểm một ngôi. Người ta chạy về chôn lung tung, đắp điếm qua loa. Mấy chục năm mưa nắng, thành bình địa hết, nên bây giờ không biết đâu mà lần. Cuối cùng, cái ý định kiếm nơi rộng rãi để sau này “bố con, anh em sum họp một chỗ” không thành, chỉ tìm được một chỗ tám mét vuông cho song thân chúng tôi. trong lúc lo việc cho hai cụ, tôi cũng tranh thủ thuốn thăm dò, tìm được năm mét vuông “đất sạch” . Kể thì hơi nhỏ, làm tường bao đã hết một mét vuông rồi. Xây lăng độ hai mét, còn chỉ được hai mét cho hai ngôi, nhưng được cái gần chỗ hai cụ. Thế là tôi mang gạch ra xây, xí sẵn chỗ cho hai vợ chồng. “trần sao âm vậy” mà lại. Sau này có vợ chồng tôi gần gụi, các cụ cũng đỡ quạnh hiu…

Tôi hỏi ông trưởng thôn :

– Nếu cứ để cho bà con xây những lăng mộ đồ sộ và cứ quy hoạch “treo” như thế này, thì chỉ vài năm nữa, người chết sẽ không còn chỗ “nhập khẩu” ư ?

– Tôi biết từ lâu rồi, là thế tất sẽ như vậy. Nhưng mà xã hội ta bây giờ sống theo luật, điều hành bằng luật. Không có một văn bản nào cấm việc xây lăng mộ cho thân nhân, cũng không có văn bản nào hạn chế hay quy định mỗi lăng mộ chỉ được xây trên diện tích bao nhiêu mét vuông. Bà con không phạm luật thì chúng tôi nói làm sao được ? Lúc đầu, tôi cũng định làm một kiến nghị với UBND xã, là ra một quy định mỗi lăng mộ chỉ được một diện tích tối đa bao nhiêu. Ai muốn làm to, vượt mức quy định thì phần vượt đó phải trả tiền. Nhưng rồi nghĩ lại, thấy cũng không ổn. Dân mình vốn hay phô trương. Người ta đã bỏ ra hàng chục triệu để xây một cái lăng mộ, thì bỏ ra vài ba trăm ngàn hay một triệu cho phần đất vượt mức đó, họ có nề hà gì. Vấn đề không phải là tiền mà là đảm bảo được sự công bằng cho cả người đã chết. Chỉ khi nào Quốc hội có một đạo luật về mai táng, tôi nghĩ lúc đó mới ổn…

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.