Ngày 11/5, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng (QHC XD) Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Có thể nói, trong suốt thời gian qua, Đồ án đã tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, sử học… và mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm được chất lượng, tiến độ nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững. Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã trình bày tóm tắt Báo cáo Đồ án. Theo Bộ trưởng, đồ án QHC XD Thủ đô đã được thực hiện theo đúng nhiệm vụ thiết kế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-TTg, xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội trở thành thành phố Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.
Đến năm 2020 dân số Thủ đô khoảng 7,1-7,4 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 64%, năm 2030, dân số khoảng 9-9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70% và năm 2050 dân số khoảng 10,8 triệu người, đô thị hóa đạt 80%. Dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050 khoảng 90 tỷ USD, trong đó khung hạ tầng chiếm từ 40-50% tổng vốn.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nội dung của Đồ án, các ý tưởng, định hướng chiến lược quy hoạch khá rõ ràng. Cơ quan chủ trì xây dựng Đồ án đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng trong quá trình hoàn thiện Đồ án.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế khuyến nghị, cần tiếp tục đánh giá sâu hơn nữa thực trạng công tác quy hoạch và tình hình thực hiện các quy hoạch đã có, thực trạng kinh tế – xã hội ở các vùng nông thôn Hà Nội, môi trường và các nội dung khác có liên quan.
Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần làm rõ tính khả thi khi thiết lập tổng vốn xây dựng hạ tầng khung của Hà Nội vì thực tế chi phí thực thường tăng so với dự toán ban đầu và chi phí dành cho bồi thường và giải phóng mặt bằng chiếm đến 80%.
Theo phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cơ quan chủ trì soạn thảo cùng nhà tư vấn quốc tế cần lưu ý đến các đánh giá về thuận lợi, khó khăn khi quy hoạch mới được triển khai và các tác động đến người dân.
“Hà Nội đang có sự đan xen giữa khu đô thị cũ và mới, làng xã nông thôn đã tồn tại hàng ngàn năm nay sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Tính đồng bộ, cân đối với quy hoạch vùng nông thôn hiện hữu và trong tương lai cần được đầu tư, quan tâm đúng mức, tạo sự phát triển bền vững, hài hòa… Bởi đây chính là vành đai xanh của Hà Nội”, phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách phùng Quốc Hiển cho rằng: Đồ án xác định nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong khi đó thu ngân sách của Hà Nội chỉ khoảng 72.000 tỷ đồng/năm. Cũng theo ông Hiển, cần xem xét kỹ quan điểm của Đồ án là hạn chế nguồn dân số nhập cư cơ học vào thành phố.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận, một trong những yêu cầu lớn đặt ra cho quy hoạch lớn này là bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và không phá vỡ quy hoạch bởi các yếu tố bên ngoài.
Thay mặt cơ quan chủ trì đồ án, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp xác đáng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh Đồ án bảo đảm được chất lượng, tiến độ nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, là biểu tượng cho cả nước về văn hóa-khoa học-giáo dục-kinh tế… |
Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững
49