Chiều 27/4, Bộ Xây dựng công bố Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại khu công nghiệp, người có thu nhập thấp tại đô thị.
Theo đó, nhà cho người thu nhập thấp sẽ do các doanh nghiệp tự đầu tư, có sự hỗ trợ về cơ chế của Nhà nước như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, được vay vốn tín dụng ưu đãi, được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào…
Các chủ đầu tư sẽ xây dựng giá bán theo nguyên tắc tính đủ chi phí và lợi nhuận tối đa là 10%, thời hạn thu hồi vốn là 20 năm. Chủ đầu tư được trực tiếp ký hợp đồng mua bán, cho thuê căn hộ với người sử dụng, lên danh sách người mua gửi về Sở Xây dựng để thực hiện kiểm tra (hậu kiểm).
Điểm quan trọng là mặc dù chủ đầu tư xây dựng giá bán nhà, song phải trình UBND các tỉnh thẩm định giá bán. Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn trần Nam ước tính, mức giá tối đa cho mỗi m2 sàn là 6 triệu đồng thì căn hộ 50m2 chỉ có giá 300 triệu đồng, mức giá rất hợp lý cho người nghèo.
Căn hộ cho người thu nhập thấp có diện tích tối đa 70 m2, tương đương mức giá 400 triệu đồng. Ảnh: Đoàn Loan. |
Điểm khác với tờ trình của Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng trước đây là không căn cứ người có mức thu nhập dưới 1,5 triệu đồng mới được thuê, mua nhà. Theo Nghị quyết, những người được mua, thuê và thuê mua nhà là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 5m2/người mà chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở.
Ngoài ra, khác với Luật nhà ở, nhà cho người thu nhập thấp không hạn chế số tầng, có diện tích căn hộ không quá 70m2, được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với quy chuẩn quy hoạch hiện hành.
Nguyên tắc quản lý quỹ nhà ở thu nhập thấp được đưa ra khá chặt chẽ. Theo đó, chủ đầu tư dự án phải bán, cho thuê, cho thuê mua, đúng theo đối tượng. Người mua hoặc thuê mua được phép bán hoặc cho thuê sau khi trả hết tiền cho chủ đầu tư, nhưng phải đảm bảo thời gian tối thiểu là 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua với chủ đầu tư. Nếu chưa đủ 10 năm thì bên mua có nhu cầu chuyển nhượng thì sẽ phải bán lại cho Nhà nước hoặc chủ đầu tư.
Thứ trưởng Nam cho rằng, số lượng nhà đưa ra thị trường hạn chế trong khi nhu cầu của người dân khá cao có thể dẫn đến tình trạng “thỏa thuận ngầm” trong mua bán. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư bán nhà không đúng đối tượng hay thu tiền sai quy định sẽ bị xử lý theo pháp luật. Còn người được mua phải tuân thủ đúng trình tự xét duyệt, có xác nhận của đơn vị công tác và nơi cư trú đủ điều kiện được mua.
“Nếu không tin vào các đơn vị xác nhận thì không biết tin ai. Tôi không dám nói loại được 100% tiêu cực nhưng sẽ hạn chế được nhiều”, ông Nam nói.
Ngoài ra, ông Nam cho rằng, phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà giá rẻ thì mới hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực, người mua được tự do lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu của gia đình. Khi lượng nhà ở giá thấp dồi dào thì thị trường bất động sản sẽ lành mạnh hơn, giá nhà ở đô thị sẽ giảm xuống.
Đối với nhà ở sinh viên, nguồn vốn đầu tư xây dựng sẽ từ ngân sách nhà nước. trước mắt, Chính phủ sẽ trích 8.000 tỷ đồng từ trái phiếu để xây dựng nhà ở cho sinh viên ngay trong năm nay. Các thành phần kinh tế khác tham gia phát triển nhà ở sinh viên sẽ được hưởng các ưu đãi theo Nghị định 69 về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế.
Nhà ở công nhân khu công nghiệp sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Ban quản lý khu công nghiệp của địa phương được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở công nhân (chủ đầu tư cấp I). Chủ đầu tư cấp I có thể tự đầu tư nhà ở hoặc chuyển giao đất đã có hạ tầng để các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc các đơn vị xây dựng (chủ đầu tư cấp II) xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Quỹ đất để xây dựng nhà xã hội sẽ lấy từ quỹ đất 20% trong các dự án thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn.
Đoàn Loan