Nhà công vụ: Chuệch choạc trong khâu quản lý












Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, để kiểm soát lại toàn bộ quỹ nhà công vụ trên cả nước, kèm theo một hình thức quản lý hiệu quả cần phải có một đề án tổng thể phát triển nhà công vụ.


Thiếu nhà, thiếu cả hồ sơ



Tổng quỹ nhà ở công vụ hiện chỉ đáp ứng được 20,2% so với nhu cầu của cả nước. Thiếu trầm trọng là nhà ở cho giáo viên vùng sâu, vùng xa và cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang. Trong khi đó, do không có đủ cơ cấu về loại nhà và diện tích, nhiều nơi đã phải bố trí nhà khách, khách sạn thay cho nhà ở công vụ hoặc bố trí diện tích sử dụng lớn hơn so với tiêu chuẩn gây lãng phí và không đảm bảo điều kiện về công năng, an ninh.



Theo thống kê của Bộ Xây dựng, quỹ nhà ở công vụ hiện nay có tổng diện tích là 315.280 m2 sàn. Trong đó, số lượng biệt thự được bố trí làm nhà ở công vụ là 49 nhà, chiếm 0,8% số lượng nhà ở công vụ. Các biệt thự đều do các cơ quanTrung ương quản lý. Số lượng căn hộ nhà chung cư được bố trí làm nhà công vụ là 1.092 căn, chiếm 17% số lượng nhà ở công vụ. Hầu hết những loại nhà này đều có chất lượng đảm bảo. Riêng đối với nhà ở cho giáo viên, hầu hết đều là nhà một tầng (cấp 4) được bố trí rải rác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có chất lượng kém.



Bộ Xây dựng tính toán, cần phải xây dựng thêm khoảng 3.382.000 m2 sàn để đáp ứng cho khoảng 124.100 người thuộc diện thường xuyên được bố trí nhà ở công vụ. Cũng theo Bộ này, việc quản lý nhà công vụ còn nhiều cái khó. Hầu hết những nhà ở công vụ được xây dựng trong thời gian gần đây đều có hồ sơ nhưng lại chưa cập nhật đầy đủ những thay đổi cần thiết khi sửa chữa, cải tạo.



Đặc biệt, trong thời gian qua, việc xử lý những trường hợp cơi nới, lấn chiếm phần sở hữu chung trong khu nhà ở công vụ chưa được cơ quan quản lý thực hiện triệt để, ảnh hưởng xấu đến những hộ dân khác, đến kiến trúc nhà ở công vụ và cảnh quan đô thị… Trong khi đó, những loại nhà tiếp quản từ chế độ cũ hoặc được tiếp nhận khi thực hiện chính sách về quản lý nhà đất và nhà ở xây dựng trước năm 1992, do khi giao nhận không có hồ sơ và khi quản lý cũng không thực hiện việc đo vẽ lập lại hồ sơ nên hầu hết là chưa có đầy đủ hồ sơ để quản lý.



Chấn chỉnh công tác quản lý



Bộ Xây dựng đề xuất, trong giai đoạn 2009 – 2012, việc cần làm là chấn chỉnh công tác quản lý nhà ở công vụ đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nhà ở như: Tổ chức lưu trữ hồ sơ nhà ở công vụ; rà soát lại quỹ nhà ở công vụ hiện có; ký hợp đồng và thu tiền thuê nhà đối với các đối tượng thuộc diện được thuê nhà ở công vụ; bố trí sắp xếp để đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ và thu hồi nhà ở công vụ khi đối tượng hết tiêu chuẩn; triển khai mô hình quản lý nhà ở công vụ. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nhà công vụ cho cán bộ y tế được cử luân phiên và một số đối tượng ở các cơ quan Trung ương và địa phương thuộc diện ở nhà công vụ mà đang phải đi thuê nhà nghỉ, khách sạn với tổng số là 76.110 người, tương ứng với 1.798.900 m2.



Về mô hình quản lý quỹ nhà ở công vụ có các điểm chính sau:



Đối với các cơ quan Trung ương, trước mắt, giao Văn phòng Trung ương Đảng quản lý nhà ở công vụ các Ban của Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội; Văn phòng Quốc hội quản lý nhà ở công vụ của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ quản lý nhà ở công vụ của các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.



Đối với địa phương, UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, quyết định lựa chọn cơ quan trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng nhà ở công vụ của cán bộ, công chức của tỉnh và đơn vị trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng nhà ở công vụ của cán bộ, công chức, giáo viên vùng khó khăn và cán bộ y tế trên địa bàn huyện.

Đối với nhà ở công vụ của các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng.


 



Hạnh Nguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *