Trang chủ » “Nhà máy in tiền” ở Thanh Chương

“Nhà máy in tiền” ở Thanh Chương










Đầu tư xây dựng một nhà máy hơn 60 tỷ đồng ở một vùng đất nghèo như Thanh Chương (Nghệ An) mà chỉ sau 4 năm đã trả gần hết vốn vay thì quả là một sự kiện cần phải bàn. Đó là nhà máy chế biến tinh bột sắn của Cty XNK Intimex (Bộ Công Thương). Cũng trong 4 năm ấy, nhà máy đã nâng công suất lên 3 lần, từ 60 tấn tinh bột mỗi ngày lên 120 tấn và hiện nay lên 180 – 200 tấn. Sản phẩm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Vào những ngày đầu tháng 3 này, nhà máy chạy mỗi ngày 3 ca liên tục, tạo ra một doanh thu ngót 800 triệu đồng, cứ như một “nhà máy in tiền”.



Thanh Chương vốn là một huyện nghèo của tỉnh Nghệ An. Vùng đất bán sơn địa này chỉ có những cây sắn, chè, mía… là chịu được sự khô cằn của nó. Cây sắn luôn luôn là cây chống đói ngày giáp hạt của những người dân ở đây. Còn bây giờ, cây sắn lại là loại cây kinh tế chủ lực trong nhiều hộ dân. Từ khi nhà máy mang loại giống cây mới nhập từ Thái Lan về  giao cho bà con nông dân ở đây trồng, năng suất tăng từ 10-15 tấn/ha lên trên dưới 40 tấn/ha, tạo ra doanh thu trên 20 triệu đồng/ha, hơn khối cánh đồng phì nhiêu ở các huyện đồng bằng.






Sự tinh đời của các nhà đầu tư và sự ủng hộ quyết liệt của chính quyền địa phương đã khiến hàng chục nghìn hộ nông dân ở Thanh Chương đổi đời. Không chỉ tạo việc làm cho 200 công nhân với mức lương mơ ước của thanh niên trong vùng 2,2 triệu đồng một tháng mà còn tạo ra một dòng tiền ổn định 60-70 tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm gián tiếp cho hàng chục ngàn lao động cho vùng đất nghèo khó này.



Nhân một cuộc gặp gỡ các nhà báo mới đây, ông Hồ Đức Phớc – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Từ thành công của nhà máy tinh bột sắn, chúng tôi cũng mong muốn sắp tới, Intimex và cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An sẽ thực hiện tốt các dự án đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, làm ăn có hiệu quả để Nghệ An nhanh chóng phát triển thành một tỉnh giàu mạnh”.



Hiện nay, để tạo ra một môi trường bền vững, nhà máy đang thực hiện dự án Biogas hoá các phụ phẩm của nhà máy để có một lượng khí gas có giá trị thương phẩm mỗi năm 8 tỷ đồng cho hệ thống sấy, có 5.000 tấn phân vi sinh trị giá 5 tỷ đồng cung cấp cho bà con cải tạo đất và tái sử dụng nước sạch vào chu trình sản xuất với tổng số tiền đầu tư lên đến 50 tỷ đồng.



Thế mới biết tiền ở chỗ nào cũng có, chỉ có ai tinh mắt mới “nhặt” được mà thôi.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.