Khỏi cần phải nói đến mức độ báo động của tình trạng vệ sinh ở các thành phố đang trên đà đô thị hóa một cách chóng mặt. Từ nay đến năm 2010, Việt Nam đang cần 8,8 tỷ USD để cấp thoát nước và vệ sinh đô thị, nhưng lấy vốn ở đâu đang là dấu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Bức tranh báo động Mới đây, Nhân Dân điện tử đã đưa tin về con số thiệt hại kinh tế lên đến 1,3% thu nhập quốc dân vì quản lý nước thải và chất thải kém ở các đô thị Việt Nam, được đưa ra bàn luận tại Diễn đàn Phát triển đô thị bền vững. Cụ thể hơn, theo Ngân hàng Thế giới, mức tổn thất tài chính này lên đến 750 triệu USD mỗi năm. Đa số các tổn thất kinh tế phát sinh trong ngành y tế (34%), tài nguyên nước (37%), môi trường (15%), du lịch (9%) và các ngành phúc lợi khác (6%). Mức tổn thất trên đầu người là 9,38 USD, tương đương hơn 150 nghìn đồng. Tại các khu đô thị, chất thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và hộ gia đình, nước nhiễm bẩn và ô nhiễm không khí đã góp phần gây ô nhiễm môi trường, gây cản trở cho phát triển kinh tế tại các đô thị.
Hệ thống thoát nước hiện tại thì không đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu thoát nước thải và nước mưa. Các thủy vực như ao hồ, sông suối và kênh rạch ngày càng ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp. Ước tính hiện nay mới chỉ có khoảng 6% lượng nước thải đô thị được xử lý. Còn nước thải trong ngành công nghiệp thì sao? Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, Việt Nam hiện có 110 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó chưa đến một phần ba có hệ thống phù hợp để xử lý nước thải và các chất thải độc hại khác. Nhiều trạm xử lý nước thải khác không đáp ứng được yêu cầu xử lý, tỷ lệ sử dụng thấp, do vậy doanh thu thấp, và điều này khiến cho các chủ sở hữu khu công nghiệp không có đủ nguồn tài chính để đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng. Về quản lý chất thải rắn, Bộ Xây dựng cho biết, tổng khối lượng chất thải, ở cả đô thị và nông thôn ước tính khoảng 12,8 triệu tấn mỗi năm, trong đó các đô thị từ loại 4 trở lên tạo ra 7,2 triệu tấn mỗi năm, chiếm 54%. Dự báo khối lượng này sẽ tăng lên 22 triệu tấn vào năm 2020. Hiện tại, hằng ngày, tổng cộng có 82% trong tổng số gần 20 nghìn tấn rác thải đô thị được tu gom, trong đó chỉ khoảng 10% được tái chế và 12% được xử lý. Hầu hết chất thải rắn đô thị ở Việt Nam được đem đi chôn lấp, nhưng chỉ có 15% số bãi chôn lấp đạt yêu cầu vệ sinh, còn lại đều là những bãi rác lộ thiên. Do thiếu xử lý nên chất thải rắn từ các bãi rác đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất đai và nước ngầm ở khu vực chung quanh. Tóm lại, cơ sở hạ tầng cơ bản của Việt Nam còn kém xa nhiều nước khác ở châu Á. Hiện vẫn còn 28 triệu người Việt Nam sống trong đói nghèo, 30 triệu người không được dùng nước sạch, 10 triệu người chưa có nhà vệ sinh phù hợp. Vốn Nhà nước mới đáp ứng 4% nhu cầu Để cải thiện tình trạng trên, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2010, tất cả các thành phố lớn trong nước đều có hệ thống quản lý nước thải và tất cả các khu công nhiệp đều có công trình xử lý thải riêng. Ước tính, đến lúc đó, chi phí đầu tư để cung cấp dịch vụ cấp nước và vệ sinh sẽ vào khoảng 8,8 tỷ USD. Trong số này, dịch vụ vệ sinh cần 4,2 tỷ, gồm 3,8 tỷ cho khu đô thị, số còn lại cho vùng nông thôn. Ông Dietmar Wenz, điều phối viên lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) cho rằng, Việt Nam cần đầu tư 600 đến 800 triệu USD/năm cho nước và vệ sinh, gấp ba đền bốn lần so với mức đầu tư hiện tại. Đánh giá ngành nước của Hội đồng Tài nguyên nước quốc gia Việt Nam cũng cho thấy, chi phí thu gom và xử lý nước thải đô thị dự kiến sẽ vào khoảng 2,8 tỷ USD vào năm 2010 và tăng lên hơn 4 tỷ USD vào năm 2020. Nhưng theo tính toán của các chuyên gia, nếu ngân sách cho cấp nước và vệ sinh đô thị tiếp tục được phân bổ ở mức như 10 năm vừa qua thì nguồn tài chính này chỉ có thể đáp ứng được 4% nhu cầu của các đô thị. Nếu cộng cả vốn ODA thì nguồn tài chính đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu. Theo ông Dietmar Wenz, vốn ODA có thể sẽ tiếp tục tăng, nhưng khi từ một quốc gia có thu nhập thấp, Việt Nam đang vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, cũng có nghĩa là các điều khoản vay sẽ ít ưu đãi hơn. Vì thế, Việt Nam cần đa dạng hóa các nguồn tài chính. Tư nhân không mặn mà Ngoài vốn đầu tư của Nhà nước, vốn ODA cho lĩnh vực vệ sinh đô thị, người ta đang tính đến các kênh đầu tư khác thông qua thị trường vốn, đặc biệt là hướng đến việc thu hút sự đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn dường như thành công hơn so với lĩnh vực quản lý nước thải. Đã có nhiều mô hình khác nhau cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp cổ phần cung cấp các dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn ở các khu đô thị, nông thôn và khu công nghiệp. Sở dĩ tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực này là vì ngoài phí chất thải rắn, doanh nghiệp còn có thể có thêm thu nhập nhờ tái chế các vật liệu đáng giá như nhựa, giấy, kim loại…, và các sản phẩm tái chế như phân bón tổng hợp hay đồ dùng bằng nhựa. Nhưng đó mới chỉ là thành công bước đầu, còn chính cơ chế chính sách trong lĩnh vực này ở Việt Nam đã vô tình tạo nên “nút thắt cổ chai” khiến các nhà quản lý phải suy nghĩ. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng Việt Nam chưa làm mạnh được vấn đề này, mặc dù Chính phủ đang hết sức khuyến khích sự tham gia đầu tư của tư nhân vào hai lĩnh vực nước thải và rác thải đang thiếu vốn trầm trọng.
Vướng mắc lớn nhất chính là quy định của Nghị định 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định một mức phí bảo vệ môi trường thống nhất cho các hoạt động xả nước thải ra môi trường, cụ thể mức phí này không được vượt quá 10% giá nước sạch và do công ty cấp nước thu. Hiện tại, mức phí cấp nước khoản 3.000 đồng/m3, đã là rất thấp, nhưng tính ra, mức phí xả nước thải chỉ khoảng 300 đồng/m3, quá thấp so với chi phí phải bỏ ra để xử lý nước thải, nên làm sao có thể khuyến khích được tư nhân tham gia đầu tư? “Vấn đề của Việt Nam bây giờ không còn là “có sẵn sàng nộp phí hay không” mà là “có sẵn sàng thu phí hay không”, ông Dietmar Wenz bình luận. Còn bà Karin Kortmann, Quốc Vụ khanh, Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức thì lý giải, người dân Việt Nam thường không nhận thức đầy đủ về sự liên quan giữa sức khỏe với nước sạch và vệ sinh. Đây cũng chính là lý do tại sao thuyết phục người dân nộp phí nước thải và chất thải ở mức hợp lý thường khó khăn hơn so với việc thuyết phục họ trả tiền cấp nước sinh hoạt. Với kinh nghiệm của Đức, bà đưa ra lời khuyên, nước là tài nguyên của quốc gia, vì thế, việc cung cấp nước sạch và xử lý nước thải là hoạt động vì cộng đồng, nên vấn đề đặt ra là những doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực này không thể đặt mục đích lợi nhuận của mình lên cao nhất khi bán nước sạch cũng như xử lý nước thải. Việt Nam nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực này bằng cách, một mặt tạo cho họ sân chơi để họ phát huy khả năng, nhưng mặt khác tạo các khung pháp lý để họ hoạt động trong khuôn khổ đó mà thôi. Đồng ý với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói thêm, xử lý nước thải là phục vụ cho cộng đồng, mà phục vụ cộng đồng là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng đứng từ góc độ của nhà đầu tư, mà nhất là nhà đầu tư tư nhân thì họ phải nhìn thấy lợi nhuận. Vì thế, làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích cho cộng đồng. Ông kêu gọi các nhà đầu tư cùng Chính phủ đề xuất cơ chế trong xử lý nước thải, vì “cả hai phía cùng hướng tới thì mới tìm được tiếng nói chung”. Chúng ta đã biết chắc chắn rằng số tiền cần cho cấp nước và vệ sinh từ nay đến 2010 là 8,8 tỷ sẽ không thể huy động đủ từ ngân sách Nhà nước và vốn ODA. Hy vọng Chính phủ sẽ xem xét một mức phí dịch vụ phù hợp hơn, có thể bù đắp được chi phí vận hành và bảo dưỡng, từ đó có nguồn lợi để tư nhân tham gia, góp phần tháo gỡ nút thắt trong quản lý nước thải và chất thải, giúp môi trường đô thị bớt đi phần nào ô nhiễm. |