Trang chủ » “Ốc đảo” bên lề thành phố

“Ốc đảo” bên lề thành phố

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Cách trung tâm thành phố gần 6 km, 500 dân thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải (Quy Nhơn – Bình Định) từ hàng chục năm nay  phải sống cảnh không giống ai chỉ vì nằm trong dự án quy hoạch treo.


Học sinh thôn Hải Giang ngày ngày vượt ngọn núi cao 700 mét để đến trường

Sống nhồi nhét

Người ra kẻ vào tấp nập trong ngôi nhà nhỏ chừng 70m2 mà thoạt nhìn cứ tưởng nhà đang có việc hiếu, hỷ nên bà con anh em tập trung về. Té ra không phải.

Ông Nguyễn trà, 75 tuổi, chủ nhà nói: “Do sống vùng biển nên con cái rất đông, tính hết con, cháu, chắt có đến gần 20 người đang trú ngụ trong ngôi nhà này.

Con lấy vợ, đến đứa cháu út cũng đã lập gia đình sinh con, nên gia đình chúng tôi ngày ngày chỉ mơ ước dựng cho mấy đứa nhỏ cái lều ra ở riêng, sống thế này đến nghẹt thở mất”.

Anh Nguyễn Thành Hanh (45 tuổi), con trai trưởng ông trà, đang chuẩn bị cho con trai đầu cưới vợ ra ở riêng, nhưng chưa biết xoay sở thế nào.

“Không biết bao nhiêu lần cha con tui dựng tạm căn nhà trên phần đất của ông già tui (đất vườn ông trà – pV) đều bị chính quyền đến tháo dỡ, họ nói như thế là dựng nhà trái phép trên đất lấn chiếm, nếu dựng sẽ bị đi tù.

Sống thế này ngột ngạt quá, tối xuống tìm không ra chỗ ngả lưng, đụng đâu cũng con, cháu nằm la liệt”.

Cái nắng chang chang ập vào lòng thôn nghèo, sống trên đất thành phố mà từ người lớn đến trẻ em ai cũng ngơ ngác, xác xơ và đen nhẻm. Người lớn thì chui vào những bụi cây để tránh nóng và khuân hết lưới chài ra để làm, thấy có người lạ họ lại tìm cách nấp vào sâu hơn.

Thanh niên và trẻ em có vẻ dễ gần hơn nhưng khi hỏi tên, tuổi thì đều lắc đầu và chỉ biết tên mụ (tên gọi ở nhà).

Cuộc sống ngày càng khốn khó vì biển khan hiếm cá tôm, nhà nhà sống leo lắt với đồng tiền làm mướn.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, phó thôn Huỳnh Kim phụng cho biết: “Từ khi tỉnh đưa vùng đất Hải Giang này vào quy hoạch làm khu du lịch gì đó thì đời sống nhân dân ở đây càng thêm khó khăn, chật vật.

Nhiều gia đình quá đông con cháu, muốn tách hộ khẩu ra riêng, muốn có đất dựng nhà sinh sống đều không được phép chỉ vì… đất đã thuộc diện quy hoạch?”.

Gọi 1080 nhờ hướng dẫn cách… đỡ đẻ!

trạm y tế thôn nằm xa tít ở cuối nơi heo hút, quạnh vắng không có người ra vào. Theo lời của ông

Dự án Khu du lịch Hải Giang đã được BQL Khu kinh tế Bình Định quy hoạch từ năm 2002, nhưng mãi đến cuối năm 2009 mới được phê duyệt và ít nhất sau nhiều năm nữa mới hoàn thành

Nguyễn Khương, trưởng thôn Hải Giang: “Nói trạm y tế cho oai thế chứ nó là cái trụ sở thôn, quanh năm suốt tháng cũng chỉ có mỗi một y tá trực mà cũng bữa đực, bữa cái, khi người dân bị đau ốm không biết chạy đâu.

Nói thế kể ra cũng tội, họ làm mà ở thôn không có bất cứ hỗ trợ nào thì ai chả nản!”.

Anh Huỳnh Thanh Lương (43 tuổi, trú thôn Hải Giang) kể lại: “Cũng vì ở nơi hẻo lánh, đường sá không có nên tui toàn tự… đỡ đẻ cho vợ. Hồi sinh mấy đứa con gái, gặp lúc bà mụ chuyên đỡ đẻ trong thôn đang khỏe thì nhờ đỡ chính, tui đỡ phụ. Còn mới đây vợ sinh được đứa con trai lại đúng lúc mưa gió bão bùng.

Chở vợ ra thuyền về Quy Nhơn cũng không được vì sóng quá lớn, để lại cũng không xong, bà mụ thì ốm nặng không đến được, bế tắc quá tui đành gọi cho tổng đài 1080 nhờ hướng dẫn. May mà mẹ tròn, con vuông, thật hú vía…”.

Ở thôn Hải Giang người dân thiệt đủ bề, đường đi thì không có, trường học tiểu học cũng xộc xệch, trạm y tế thì như vậy, loa phát thanh chỉ gác trên ngọn cây làm cảnh…

Đi học buổi chiều từ… 10 giờ sáng

Ngày ngày, nhìn cảnh hàng chục em học sinh trong thôn phải leo qua dãy núi cao khoảng 700m so với mặt biển, cheo leo trên con đường người dân tự tạo để đến trường học ai cũng phải nao lòng.


Nhà của mẹ con chị Đinh Thị Hồng bị bão sập hoàn toàn, nay phải sống tạm bợ trong ngôi nhà như thế này

“Cha mẹ làm biển không biết chữ đã đành, chấp nhận cảnh khổ cực để mong các con có lấy cái chữ, thế nhưng con em học sinh vùng này leo lên đến cấp 2 – 3 ngày càng ít, lại cứ bỏ dần, vì leo đèo không nổi” – Anh trương trung Nghĩa, trú thôn Hải Giang, bộc bạch.

Chỉ với quãng đường chưa đầy 6 cây số mà các em nhỏ phải lật đật ăn trưa, chuẩn bị cặp sách cho buổi học chiều từ lúc 9 giờ sáng và xuất phát vào lúc 10 giờ.

Em phạm Thị Thái, học sinh lớp 9 trường THCS Nhơn Hải nói: “Về mùa nắng chuẩn bị đi học buổi chiều vào giờ này là muộn rồi đó cô ạ, về mùa mưa chúng em phải đi sớm hơn nữa, đèo trơn và nguy hiểm lắm, đến lớp muộn giờ học là thường xuyên”.

Còn với những em học buổi sáng thì phải từ thức dậy lúc 4 giờ sáng tự nấu ăn để có sức vượt đèo, vì giờ đó cha mẹ đã ra khơi đi kiếm miếng ăn cho cả nhà.

Mỗi buổi sáng, chiều có đến gần 100 em học sinh khối cấp 2 phải gồng mình để leo đèo đến trường đi học. Các em đi thành đoàn cùng leo núi, bên hông mang nặng cặp sách và vật dụng đi đường là nước và đèn pin.

Tôi bắt gặp tốp học sinh vừa xuống đèo về thôn lúc 1 giờ 30 phút chiều, trên khuôn mặt các em hiện rõ sự mệt nhọc, da mặt xanh lè nói không thành câu…

Em trương Thị Duyên, học lớp 7, nói: “Chúng cháu đi học về đến nhà giở sách ra học mà đầu cứ trống rỗng, quên mất hết bài thầy cô giảng trên lớp, học được bao nhiêu thì leo đèo chữ cũng rơi mất rồi !”.

Nhà sập vì bão, không được hỗ trợ

Mới đây, cùng một ngày, chúng tôi nhận được 4 lá đơn kêu cứu của người dân trong thôn về việc nhà bị sập do bão nhưng không được hỗ trợ.

Nhà chị Đinh Thị Hồng (35 tuổi) được dựng lên trên phần đất vườn của bố mẹ chị từ năm 2003 tại thôn Hải Giang. Chị kể: “Bão số 9 đánh sập nhà, ba mẹ con chạy sang ông bà ngoại để tá túc, được hơn 1 tuần thì đứa em trai không cho ở nữa.

Bà con thương cảnh mẹ góa con côi không có chỗ che nắng, che mưa nên cùng nhau chặt mấy cây bạch đàn rồi tui vay lãi nóng 3 triệu đồng mua mấy miếng tôn ở chỗ đồng nát mang về dựng lại túp lều cho hai đứa con có chỗ trú thân”.

Tương tự, căn nhà cấp 4 của gia đình chị trần Thị Thanh Tuyền bị bão số 11 làm sập hoàn toàn. Vợ chồng, con cái dắt nhau đi ở đỡ mỗi nhà một hôm. Hiện gia đình phải dựng lều ở tạm.

Những ngôi nhà trong thôn bị hư hỏng từ 50% trở lên đều đã được chính quyền xã xác nhận nhưng không có hỗ trợ nào ngoài mấy gói mì tôm, vài ký gạo.

Người dân lý giải, sở dĩ không nhận được hỗ trợ của nhà nước vì thành phố đã ra văn bản : Những nhà nào xây dựng sau năm 2002 trên đất đã được quy hoạch đều không được hỗ trợ vì đất thuộc diện lấn chiếm!

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.