QH thảo luận về dự án Luật Thuế nhà đất: Không đồng tình việc đánh thuế nhà ở

Ngày 12/11, thảo luận về dự án Luật Thuế nhà đất, nhiều ĐBQH cho rằng, dự thảo luật chưa đáp ứng được những mục tiêu đúng đắn đặt ra khi xây dựng luật. Các đại biểu chứng minh nhận định này qua việc “mổ xẻ” các quy định về đối tượng chịu thuế, mức thuế suất, người nộp thuế…


Nhiều đại biểu quốc hội chưa đồng tình với việc đánh thuế nhà ở     
 Ảnh: Đoàn Thanh

Đánh thuế nhà ở: chưa phải lúc

Về đối tượng chịu thuế, ĐB phạm phương Thảo (TpHCM) phân tích: “Ở thời điểm hiện nay, đánh thuế nhà ở là chưa phù hợp. Và với giá nhà ở khá cao như ở TpHCM, hàng triệu hộ dân Tp, trong đó có những người không phải là khá giả, cũng sẽ phải chịu thuế”.

Bà Thảo yêu cầu QH xem xét vấn đề này một cách hết sức cẩn trọng, “lượng định cho hết những phức tạp nảy sinh khi xác định giá nhà, tính toán diện tích nhà”. Đây cũng là quan điểm của các ĐB Huỳnh Thành Lập, Đặng Ngọc Tùng, trương Thị Ánh… ở đoàn TpHCM. ĐB Thào Xuân Sùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La đồng tình với quan điểm này. Ông Sùng lo ngại việc đánh thuế nhà ở nếu không cẩn thận có thể tạo ra sự bất ổn trong lòng dân. Hơn nữa, dựa trên cơ sở nào lấy mức 500 triệu đồng để tính thuế mà không phải 400 triệu hay 1 tỷ?

Một số ĐB khác thì cho rằng, nếu đánh thuế nhà ở thì chỉ nên đánh thuế đối với nhà thứ 2, thứ 3… mà chủ sở hữu không sử dụng để ở. trong khi đó, theo tính toán của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH, chi phí hành thu loại thuế này rất có thể còn lớn hơn khoản tiền thuế thu được.


Thuế đất chưa đủ ngăn chặn đầu cơ

ĐB trần Du Lịch (TpHCM) cho rằng: “Với mức thuế suất chỉ vài phần nghìn giá trị đất như thế này thì không thể ngăn chặn được tình trạng đầu cơ và các chương trình xây dựng nhà ở xã hội sẽ không bao giờ đạt được mục đích. Sửa các luật khác (về đầu tư xây dựng cơ bản và thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp – pV) cũng không có mấy ý nghĩa”.

Bên cạnh đó, ĐB trần Du Lịch không tán thành việc áp khung thuế suất căn cứ vào diện tích đất sử dụng, bởi theo ông, ở những thành phố lớn – nơi giá trị đất rất cao – thì giá trị đất phụ thuộc phần lớn vào vị trí. “100m2 đất ở quận Hoàn Kiếm có thể giá cao bằng mấy lần 300m2 đất ở huyện ngoại thành Hà Nội. Tương tự với trường hợp ở quận 1 và quận 5 ở TpHCM”, ĐB nêu ví dụ.

Liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa chỉ ra sự không nhất quán trong cách tính thuế giữa đất và nhà trong dự thảo luật: “Vì sao tính thuế đất thì theo diện tích mà tính thuế nhà ở lại theo giá trị? Ngoài ra, thuế đất được tính ổn định trong 5 năm, trong khi đó giá đất ở các địa phương lại được UBND tỉnh thành phố công bố mỗi năm một lần là chưa hợp lý”.

ĐB phương Thị Thanh (Bắc Kạn) thì đặt câu hỏi về sự chính xác của việc đăng ký kê khai và nộp thuế (dự thảo quy định người dân tự kê khai) trong trường hợp một chủ sử dụng nhiều mảnh, nhiều thửa đất ở nhiều địa phương: “Cơ quan nào sẽ kiểm tra việc này? Nên thực hiện ở nơi nào có đất thì nộp thuế ở nơi đó. Với những vùng mà chúng ta cần phải động viên dân ra giữ đất như hải đảo, biên giới thì không nên tính thuế nhà, đất”.

Ai chịu trách nhiệm đóng thuế?

Những quy định về người chịu trách nhiệm nộp thuế cũng là vấn đề khiến ĐBQH quan tâm.

ĐB trịnh Huy Quách, phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH nêu vấn đề: “Có một thực tế là đất nhà nước cho thuê nhưng sau đó người ta cho thuê lại, thì ai sẽ là người nộp thuế. Ví dụ như trường hợp khu đô thị phú Mỹ Hưng vừa rồi, chủ đầu tư thì bảo là dân phải nộp, dân thì không chịu vì đã bỏ tiền giá cao ra để mua. Vậy giải quyết vấn đề này thế nào?”. Vì thế, cần phải có quy định rõ như chủ đầu tư phải đóng thuế, hoặc người được nhà nước giao đất thì phải đóng thuế. Đối với đất của cá nhân cho thuê lại đất cũng vậy, cũng cần phải quy định người được nhà nước giao đất thì phải đóng thuế.

ĐB phương Thị Thanh tán thành quan điểm này, bởi lẽ đây là văn bản pháp quy có tác động tới toàn thể nhân dân, vì vậy luật càng rõ ràng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên, “dự luật lại thiếu phần giải thích từ ngữ cụ thể, nhiều nội dung khác cũng chưa rõ” – bà Thanh nhận xét

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *