Trang chủ » Quốc hội thảo luận sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai: Quỹ nhà có thể đáp ứng cho Việt kiều

Quốc hội thảo luận sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai: Quỹ nhà có thể đáp ứng cho Việt kiều

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments





Mở rộng đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam









Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trình bày trước Quốc hội về việc sửa đổi Điều 126 của Luật Nhà ở.


Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, quy định tại Điều 126 của Luật Nhà ở có những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và Luật Quốc tịch Việt Nam. Luật hiện hành mới chỉ cho phép 5 loại đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà, trong khi còn nhiều kiều bào khác vẫn không được sở hữu nhà ở. Sự hạn chế này đã không khuyến khích các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc. Tại các buổi gặp gỡ với kiều bào trong các chuyến thăm chính thức nước ngoài của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều Kiều bào đã bày tỏ nguyện vọng cho rằng Nhà nước ta cần mở rộng hơn nữa về đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt là những người có quốc tịch Việt Nam.






Chỉ được sở hữu duy nhất một nhà hoặc căn hộ



Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, có ý kiến đề nghị tất cả các nhóm đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ tại Việt Nam. Ý kiến này cho rằng, mục đích của việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là để tạo điều kiện về chỗ ở cho họ khi về Việt Nam. Việc quy định chỉ được sở hữu một nhà ở nhằm hạn chế lợi dụng chính sách để kinh doanh, mua đi bán lại. Quy định như vậy sẽ góp phần làm giảm tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản trong nước. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị hạn chế diện tích nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu.



Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, dự án Luật sửa đổi quy định cả hai loại đối tượng nêu trên chỉ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên (tức là phải có giấy tờ do cơ quan công an của Việt Nam cấp, trong đó ghi rõ thời hạn cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên) và chỉ được sử dụng nhà vào mục đích để ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Theo Bộ trưởng, quy định này hoàn toàn phù hợp với mục đích Luật Nhà ở hướng tới, vừa phù hợp với Luật Cư trú, đồng thời cũng khẳng định rõ mục đích của chính sách này là chỉ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu thực sự về chỗ ở được mua nhà để ở tại Việt Nam, không được mua nhà để kinh doanh; những trường hợp muốn hoạt động kinh doanh nhà ở thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và phải nộp các khoản thuế cho Nhà nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho rằng: Hiến pháp không có quy định phân biệt giữa công dân đang sinh sống ở trong nước với công dân đang sinh sống ở nước ngoài. Do đó, về nguyên tắc, những người được công nhận là công dân Việt Nam thì cũng có quyền ngang nhau trong vấn đề sở hữu nhà ở, vì vậy pháp luật về nhà ở cũng không nên có sự phân biệt này để tạo tâm lý yên tâm và khuyến khích bà con kiều bào về nước làm ăn, đóng góp cho quê hương.



Theo báo cáo của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thì, cùng với việc mở rộng, bổ sung thêm đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì cũng nên mở rộng quyền và nghĩa vụ của họ cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Uỷ ban Kinh tế cũng nhất trí với Dự thảo Luật, cho phép chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền cho thuê nhà trong thời gian họ tạm thời không sử dụng, được uỷ quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhưng không được hưởng quyền bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.






Mở rộng đối tượng không ảnh hưởng tới thị trường BĐS



Đánh giá của Chính phủ cho rằng: Việc trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai cũng có thể ít nhiều tác động đến giá nhà ở trong nước. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung về nhà ở cho thị trường bất động sản ở trong nước là tương đối nhiều, qua thống kê về tình hình phát triển nhà ở trong 5 năm qua cho thấy, bình quân mỗi năm cả nước xây dựng được khoảng 37 triệu m2 nhà ở; riêng năm 2008 xây dựng khoảng 50 triệu m2; trong đó tại đô thị là 28 triệu m2 (tương đương khoảng 500.000 căn), riêng tại TP.HCM mỗi năm xây dựng được khoảng 5 – 6 triệu m2, Hà Nội xây dựng khoảng gần 2 triệu m2. Nguồn cung về nhà ở lớn, mặt khác, không phải khi chính sách này được ban hành thì tất cả hơn 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ thực hiện mua nhà ở tại Việt Nam.



Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, để tránh hiện tượng đầu cơ, mua nhiều nhà ở nhằm mục đích kinh doanh, Dự án Luật Sửa đổi đã quy định rõ người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được sở hữu nhà để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam. Dù vậy, để bảo đảm tính chặt chẽ thì dự án Luật sửa đổi lần này cũng đã quy định mọi đối tượng phải được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mới được sở hữu nhà ở. Trên cơ sở pháp lý và thực tiễn, Chính phủ cho rằng quy định như Dự thảo Luật là hợp lý và khả thi cao.



Sau hơn hai năm thực hiện Luật Nhà ở, mới có hơn 140 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu sau khi chính sách này được sửa đổi, số người mua sẽ tăng lên gấp 10 lần so với 3 năm trước cộng lại thì mỗi năm đối tượng này mua khoảng 1.400 căn nhà. So với nguồn cung thì nhu cầu của đối tượng này là không lớn, chỉ chiếm khoảng 2 – 3% lượng nhà ở xây mới hàng năm tại đô thị. Như vậy, việc sửa đổi chính sách này theo hướng mở rộng đối tượng cũng sẽ không có tác động lớn đến thị trường bất động sản ở trong nước.







ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội): Theo tôi, mục đích của Dự thảo luật là tạo điều kiện để kiều bào có thể sở hữu nhà và có những gắn bó với quê hương đất nước. Tuy nhiên, cần làm rõ những người có kỹ năng đặc biệt là như thế nào. Và theo quy định những người mà về Việt Nam trên 3 tháng là được mua nhà, không cần phải có kỹ năng đặc biệt nữa. Vấn đề thứ 2 là khi đã cho quyền mua nhà thì cũng nên cho người ta các quyền bình đẳng như những công dân trong nước.


 


 


ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông): Tôi vừa tiếp một giáo sư ở Pháp về, đang hy vọng được mua nhà ở Việt Nam. Ông muốn vẫn giữ quốc tịch Pháp để còn được nhận lương hưu nhưng sẽ xin nhập quốc tịch Việt Nam để về ở đến cuối đời. Theo tôi, nhu cầu nhà ở dành cho đối tượng này sẽ tăng khoảng chục lần nhưng chúng ta không thiếu quỹ nhà. Trong năm vừa qua, kiều hối lên đến 8 tỷ USD là một điều đáng mừng. Mà có thể sắp tới sẽ nhiều hơn vì khi bố mẹ họ về ở thì sẽ có thêm một khoản không nhỏ gửi về chi phí cho các dịch vụ đi kèm.


 


ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội): Theo tôi cần xác định rõ khái niệm định cư, có thể ngắn hạn, dài hạn, thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại. Họ có thể làm ăn buôn bán nhưng không bỏ quốc tịch mà vẫn là công dân Việt Nam. Hiện nay đất Việt Nam quá đắt, nhưng vì mối quan hệ gia tộc họ muốn quay trở về Việt Nam. Việc lo sợ họ mua đi bán lại tôi cho là không cần thiết. Cứ cho phát triển thị trường BĐS với sự đóng góp của kiều bào với tư cách là công dân Việt Nam cũng tốt.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.