|
KTĐT – Sau 2 ngày quy chế quản lý hoạt động quảng cáo có hiệu lực, hàng loạt quảng cáo sai phạm vẫn tồn tại trên các tuyến phố cấm và hạn chế quảng cáo.
Quảng cáo ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị
Nền kinh tế thị trường đòi hỏi quảng cáo là một phần tất yếu trong chu trình hoạt động của một sản phẩm, từ hoạt động thương mại đến giáo dục hay thậm chí là chính sách.
Các đường phố chính là không gian thích hợp nhất để làm quảng cáo bởi nó có khả năng thu hút được sự nhận biết của đông đảo con người hoạt động trên đường. Rõ ràng quảng cáo không thể là điều cấm kỵ. Vậy quản lý nó thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai? đang đòi hỏi câu trả lời từ các nhà quản lý.
Trên đường phố của Hà Nội đâu cũng thấy các biển quảng cáo. Khó có thể nhận thấy một quy tắc nào được thể hiện trong việc bố trí quảng cáo đô thị hiện nay. Những đường phố chính như: Giải Phóng, Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng… tràn ngập các loại biển.
Chúng che kín bề mặt kiến trúc, nhiều biển có kích thước lớn bằng cả công trình, án ngữ các góc phố chính, nhấp nhô, loè loẹt, lênh khênh trên những khung sắt, những toà nhà với đủ các ngôn từ, hình ảnh, màu sắc đầy tính cuộc đua tranh. Nó đã góp phần làm cho bộ mặt đô thị của Hà Nội ngày càng nhếch nhác.
Vẫn xem nhẹ quy chế
Ngày 24.8, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quy chế về quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn HN, quy định rõ các phương tiện, hình thức quảng cáo, loại hàng hoá cấm quảng cáo, các khu vực cấm quảng cáo và khu vực hạn chế quảng cáo, cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành chức năng, các cấp chính quyền trong việc quản lý hoạt động quảng cáo.
Theo đó, có nhiều khu vực bị cấm hoàn toàn việc quảng cáo, nhiều khu vực phải hạn chế quảng cáo. Tại các khu vực hạn chế quảng cáo này sẽ thực hiện quảng cáo bằng hộp đèn, bảng đèn neon uốn chữ, màn hình điện tử chạy chữ… với diện tích quảng cáo tối đa là 20m2.
Song, đến ngày 7.9 (sau 2 ngày quy chế có hiệu lực), trên hầu hết các tuyến phố cấm như Lương Văn Can, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bông, Hàng Ngang, Hồ Hoàn Kiếm…, hàng loạt biển quảng cáo, panô, băngrôn quảng cáo cỡ lớn sai phạm vẫn tồn tại.
Ngoài các khu vực cấm trên, chiếu theo mục b, c điều 5 quy chế, trên toàn thành phố có vô số biển quảng cáo vi phạm như đường Giải Phóng, Tôn Đức Thắng…, hàng loạt tấm biển quảng cáo lớn có diện tích lớn không dưới 50m2 phủ kín mặt tiền cả toà nhà vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị cơ quan chức năng nào nhắc nhở.
Theo LĐ