|
KTĐT – Vụ một học sinh bị ngã vào trụ đèn chiếu sáng dẫn đến tử vong tại TP.Hồ Chí Minh mới đây không phải là vụ tai nạn hiếm hoi do điện gây ra. Tại Hà Nội, tình trạng hệ thống mạng điện chằng chịt, dễ xảy ra chập cháy tồn tại bấy lâu nay đã được cảnh báo nhiều lần, tuy nhiên tình trạng trên xem ra không được cải thiện.
Ngoài sự “bất lực” của các cơ quan chức năng, thì sự chủ quan, thiếu ý thức của cả người dân, khiến cho tai nạn về điện luôn rình rập…
Nếu ai đã từng đến khu tập thể (KTT) Cty CP len (Vạn Phúc – quận Hà Đông, HN) không khỏi kinh hoàng khi gặp cảnh nhiều ngôi nhà thuộc dãy C2, D2 áp sát cột điện, thậm chí đường điện còn đi xuyên qua bancông, trần nhà hết sức nguy hiểm.
Tại đây có hơn 400 hộ dân sinh sống, do thiếu sự quy hoạch, nên các dãy nhà rất lộn xộn. Năm 1980, hệ thống đường điện sinh hoạt trong KTT được Cty thay thế dây trần bằng dây bọc, còn kết cấu chung của hệ thống đường dây không thay đổi. Đến năm 1994 – 1995, lưới điện này được bàn giao cho Chi nhánh điện Hà Đông vận hành quản lý và bán điện cho người dân.
Cũng theo thời gian, nhiều hộ dân đã tự ý xây lấn ra đường ngõ, nên áp sát cả ra đường điện. Chi nhánh điện Hà Đông đã lập biên bản đối với một số công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Tuy nhiên, do thẩm quyền có hạn, nên ngành điện chủ yếu dùng biện pháp vận động các hộ xây lấn chiếm đưa đường dây ra bên ngoài nhà để đảm bảo an toàn khi lưới điện vận hành. Còn các công trình đã xây cố định, người dân vẫn mặc nhiên sống chung với tử thần hằng ngày trong ngôi nhà của mình.
Đi dọc chợ đêm Hàng Đào – Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), nhiều người phải sởn gai ốc khi thấy những hòm điện đặt dọc trên vỉa hè lại trở thành nơi bày hàng. Còn người bán hàng vô tư dựa lưng, thậm chí ngồi lên hòm điện, phớt lờ dòng chữ cảnh báo: “Cấm sờ, có điện nguy hiểm chết người”.
Đi trên các tuyến phố HN, cũng thấy có không ít trạm biến áp bị chiếm dụng thành góc mưu sinh của người dân, mặc cho sự nguy hiểm đã được cảnh báo. Nhiều người ngồi bán hàng dưới trạm biến áp, hoặc hộp điện khi được hỏi đều trả lời vô tư, theo vẻ “hiểu biết”: “Điện lực họ cảnh báo thế là đề phòng xa, chứ nguồn điện ở cả bên trong hộp có hệ thống an toàn không phải lo”.
Bên cạnh sự lơ là, thiếu ý thức của người dân, công tác quản lý mạng lưới điện, cũng như hệ thống cột đèn chiếu sáng của các cơ quan chức năng còn không ít bất cập. Qua khảo sát, hiện nhiều nơi có quá nhiều trụ đèn chiếu sáng bị mất nắp đậy, khiến dây dợ lằng nhằng lòi ra ngoài cột. Điều đặc biệt nguy hiểm là những cái “bẫy” chết người kia chỉ cao chừng 1m, trẻ em chơi nghịch có thể đụng vào.
Anh Trần Văn Khải (ngõ 2- Tây Trà, khu tái định cư phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) cho biết: “Trước đây trên thân các trụ đèn đều có nắp đậy kín, nhưng chỉ sau một thời gian lại bị kẻ gian cạy mất. Người dân thấy nguy hiểm nên tự lấy gạch nhét vào chỗ mất nắp, nhưng cũng chỉ được vài cột, mang tính tạm bợ”.
Theo thống kê của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), từ năm 2000 đến nay, hằng năm trên toàn quốc xảy ra từ 450 – 500 vụ tai nạn do điện, làm chết 350 – 400 người, hàng trăm người bị thương. Trong đó, tai nạn điện do điện dân dụng chiếm khoảng 70%.
Có thể thấy nguyên nhân dẫn đến các vụ chập điện, rò rỉ điện, tai nạn điện thời gian qua chủ yếu là từ chính thực trạng của mạng lưới điện. Tình trạng lưới điện chằng chịt như mạng nhện hoặc trụ sứ đỡ dây điện bị rò rỉ, dây dẫn bị tróc vỏ… khiến khi xảy ra sự cố đã gây khó khăn trong khâu phát hiện, xử lý, sửa chữa, nâng cấp.
Theo LĐ