Trang chủ » Sông Đà – Hoàng Liên: Lập nghiệp trên đất Lào Cai

Sông Đà – Hoàng Liên: Lập nghiệp trên đất Lào Cai

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Khởi công đầu năm 2007, đến nay, Nhà máy Thủy điện Sử pán 2, xây dựng trên dòng Ngòi Bo – nhánh cấp 1 của sông Hồng, đang bước vào giai đoạn thi công cuối cùng, chuẩn bị cho việc phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm nay. Đáng chú ý là đơn vị chủ đầu tư: Cty Sông Đà – Hoàng Liên (thuộc Tập đoàn Sông Đà) phải vừa làm vừa trông chờ việc đấu nối đường điện.


Công nhân Sông Đà – Hoàng Liên đang thi công trạm phân phối điện ngoài trời Nhà máy thuỷ điện Sử pán
2.

“Đến hết tháng 6 sẽ đổ bê tông đập Thủy điện Sử pán 2 đến cao độ 680m (cao độ tràn) chỉ còn 5.000 m3 bê tông nữa, chúng tôi sẽ hoàn thành” – phó Tổng giám đốc phụ trách thi công Ngô Văn Cố khẳng định với chúng tôi như vậy.

Từ nay đến khi phát điện tổ máy 1, công việc còn nhiều, đặc biệt là mùa mưa bão đang đến gần. Sông Đà – Hoàng Liên ngoài việc gấp rút hoàn thành đập thủy điện, sẽ tiến hành nút cống dẫn dòng ngay khi điều kiện cho phép, đồng thời tiến hành thi công 60m hầm hở dẫn nước vào đường hầm.

– Nút cống dẫn dòng. Vậy khi lũ về sẽ như thế nào? Tôi hỏi.

– Nút cống dẫn dòng đồng nghĩa với việc bắt đầu tích nước hồ chứa. Lũ về lớn, sẽ cho tràn qua mặt đập.

Một điều không vui lắm là cách Sử pán 2 vài trăm mét phía thượng lưu, một đơn vị khác đang thi công Nhà máy Thủy điện Séo Chung Hô. Giai đoạn đầu, đất đá từ công trường này đổ xuống thu hẹp lòng Ngòi Bo, tràn xuống khu vực lòng hồ Sử pán 2. Sông Đà – Hoàng Liên phải huy động lực lượng bốc xúc hơn 60 nghìn m3 đất đá ngoài dự kiến, lại phải đi tìm bãi đổ thải cho đơn vị bạn. Lại thêm công thêm việc, thêm tiền mà vốn thì đang khó.


Đào hố móng vai trái đập thuỷ điện Nậm Củn

Đường ống áp lực chỉ còn 100m nữa. Thiết bị 3 tổ máy đã về đến công trường. Nhà máy đang đổ bê tông sàn, bê tông tường bao. trạm phân phối điện ngoài trời đang được đổ bê tông móng, chuẩn bị lắp đặt máy biến áp, máy cắt… Như vậy, mọi điều kiện để hoàn thành tổ máy số 1 đã có. Nỗi lo lớn nhất trên công trường hiện nay là đường điện. Theo thỏa thuận với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đường dây 110KV đưa điện Sử pán 2 hòa vào lưới điện quốc gia do EVN thi công. Nhưng nay Sông Đà – Hoàng Liên phải tự làm. Thêm 85 tỷ đồng phát sinh nữa. “Theo Quyết định 643 của Bộ Công Thương, tiền làm đường dây sẽ đưa vào giá điện. Nhưng đến nay vẫn chưa thỏa thuận được với EVN” – phó TGĐ trịnh Khắc Nguyên cho biết như vậy.

– Nhưng dù sao thì Sông Đà – Hoàng Liên vẫn làm chứ?

– Vâng, toàn bộ cột đã dựng xong và sẽ tiến hành kéo dây trong thời gian tới.

Thủy điện Sử pán 2 có tổng công suất 3 tổ máy là 34,5MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là 16,2 triệu KW/h. Đây là công trình thủy điện được xây dựng với tốc độ nhanh ở Lào Cai. Vì vậy, Lào Cai đã lấy công trình này là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ sắp tới của tỉnh. Từ Bí thư Tỉnh ủy đến các ban, ngành trong tỉnh đều dành cho công trình sự quan tâm đặc biệt. Nhất là cùng với việc xây dựng Sử pán 2, Sông Đà – Hoàng Liên còn xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Củn (40 MW), bậc thang dưới của Sử pán 2. Đến nay, 3,5km trong tổng số 5km đường vào Nậm Củn đã xong. Sông Đà – Hoàng Liên đang vừa làm đường vừa thi công hố móng đập thủy điện Nậm Củn và làm đường xuống hố móng cống dẫn dòng. Cầu Thanh phú bắc qua Ngòi Bo đã lao xong dầm, chắc sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới, sẽ vừa phục vụ cho việc thi công, vừa mở đường vào mấy xã vùng sâu của huyện Sa pa. Tỉnh Lào Cai còn có kế hoạch kết hợp với Sông Đà – Hoàng Liên mở thông con đường xuống Bảo Thắng, từ đường phục vụ thi công thành đường du lịch để du khách có thể đi thẳng từ Bảo Thắng đến Sa pa, không phải qua Tp Lào Cai, rút ngắn được mấy chục cây số.

Công trường thi công Nhà máy Sử pán 2 nằm sát Bản Hồ, một vùng du lịch. Ngay từ khi khởi công, Sông Đà – Hoàng Liên đã cố gắng bảo vệ cảnh quan, tránh tác động xấu đến môi trường. Nhưng khu vực Bản Hồ không thể không bị ảnh hưởng khi sau Sử pán 2, phía trên là Thủy điện Séo Chung Hô, phía dưới là Thủy điện Nậm Toóng đồng loạt thi công.

trong điều kiện của mình, Sông Đà – Hoàng Liên đã đưa máy xúc xuống đào thanh thải lòng suối từ đập đến Bản Hồ, hỗ trợ xã Bản Hồ di dời 3 hộ dân sát bờ suối. Đồng thời, còn bạt mái ta luy, đánh bậc lên xuống làm đường cho khách du lịch.

“Đã lấy tên là Sông Đà – Hoàng Liên, Cty quyết chọn Sa pa là nơi lập nghiệp, nên không thể không chung tay xây dựng Sa pa ngày càng giàu đẹp” – Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Kim khẳng định như vậy.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.