Trang chủ » TP.HCM: Nhan nhản nhà… kỳ dị

TP.HCM: Nhan nhản nhà… kỳ dị

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

UBND Tp.HCM đang giao Sở QH-KT nghiên cứu lập thiết kế đô thị cho một số trục giao thông mới được mở rộng, trong tương lai là những tuyến đường huyết mạch như Tuyến vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi, đại lộ Đông Tây… Tuy nhiên, hiện nay trên các con đường này đã xuất hiện những ngôi nhà hình thù kì dị, gây nham nhở bộ mặt đô thị.


Ngôi nhà siêu dẹt – góc đường Lê Quang Định giáp Nguyên Hồng (p.1, Q.Gò Vấp).

Còn đất… có nhà

Tại p.1, Q.Gò Vấp (đoạn đường Nguyên Hồng giao với đường Lê Quang Định) người đi đường vừa ngạc nhiên vừa buồn cười khi nhìn thấy một ngôi nhà 3 tầng nhưng chiều rộng thì chỉ khoảng… 1m, nhìn từ xa cứ tưởng căn nhà là tấm biển quảng cáo trên không vì quá mỏng. Theo công nhân xây dựng, ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thành, để mở rộng không gian, chủ nhà đã cơi thêm phần hành lang ở hai tầng trên cùng ra ngoài đường thêm khoảng 1m.

Cách đó một khoảng không xa, có hai căn nhà 2 tầng khác đã hoàn thành. Nhìn từ trên cao xuống, căn nhà như một hình tam giác có 3 cạnh. Cạnh nhỏ nhất chỉ đủ đặt vừa viên gạch, còn cạnh lớn hơn khoảng 2m. Ở tầng trên, chủ nhà tận dụng tối đa khoảng không gian bằng cách cơi thêm ban công ra phía mặt đường.

Tương tự, đi dọc đại lộ Đông Tây đoạn từ Q.1 về huyện Bình Chánh, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy khu vực gần các cầu Chà Và và Nguyễn tri phương xuất hiện khá nhiều căn nhà cao tầng được xây dựng theo hình hộp diêm, tam giác với bề ngang chỉ 1 – 2m. trên các đường Hoàng Hoa Thám, Vạn Kiếp, phan Văn trị của Q.Bình Thạnh cũng có vài ngôi nhà siêu nhỏ với những hình thù rất kỳ dị: dài và dẹt.


Ngôi nhà có hình dạng khó tả (tuyến đại lộ Đông Tây – gần cầu Chà Và, Q.8)

Chủ nhân một căn nhà siêu mỏng tại đường Lê Quang Định chia sẻ: “trước kia nhà tôi có 3 tầng được xây trên lô đất rộng 90m2. Nhưng từ khi nhường đất cho dự án thì chỉ còn lại 15m2. Nhiều căn nhà tại đây sau khi giải tỏa cũng rơi vào cảnh tương tự nên mọi người cứ thế cất lên để ở hoặc cho thuê vì có bán cũng không ai mua, còn Nhà nước lại chỉ tính theo giá đền bù quá thấp nên không ai chịu bán”.

Chủ nhân một ngôi nhà hình tam giác ở góc đường Huỳnh Văn Bánh giải thích: “Miếng đất còn lại dù nhỏ bé song là đất mặt tiền. trong thời buổi đất mặt tiền có giá, có điều kiện làm ra tiền thì mảnh đất dù nhỏ cũng chẳng mấy ai muốn bỏ đi”. Thực tế, với chiều ngang khoảng 5m và nơi rộng nhất hơn 1,5m của miếng đất đã không gây khó khăn gì cho công việc kinh doanh tiệm giặt ủi của chủ nhà.

Theo nhiều gia chủ sống trong những căn nhà kỳ dị này, một trong những lý do khiến người dân chấp nhận sống chật hẹp và thiếu không gian để trụ lại đây là vì họ kỳ vọng tuyến đường mới giải phóng này sẽ mang lại cơ hội kinh doanh béo bở.

Lúng túng quản lý!

Theo một cán bộ ban thanh tra p.1, Q.Gò Vấp, nhà siêu mỏng thường được xây dựng trên diện tích nhỏ bé còn lại của một căn nhà đã bị giải tỏa một phần trước đó. phần ranh giới được xác định tới đâu thì cơ quan GpMB giải tỏa đến đó cho dù ranh giới ấy chỉ chạm đến lưng chừng của một ngôi nhà nào đó. Diện tích đất còn lại, tuy rất nhỏ nhưng vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân. Vậy nên, giải pháp để không tồn tại những ngôi nhà theo kiểu “vừa bước vào thì mặt đụng tường” hay “mở cửa ra thì bao nhiêu thứ đều nằm ở mặt tiền” chỉ có cách đền bù luôn phần đất dư thừa đó.

Bà Đào Thị Hồng Hạnh – Chủ tịch UBND p.1, Q.Gò Vấp, chia sẻ: “Chúng tôi cũng rất băn khoăn trước việc xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, một mặt nó làm ảnh hưởng bộ mặt đô thị, mặt khác ảnh hưởng đến đời sống của người dân khi họ phải sinh hoạt trong một ngôi nhà quá chật hẹp. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì những ngôi nhà đó vẫn được phép tồn tại”.

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Tp.HCM, việc xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng ở một số tuyến đường là do chưa có quy hoạch trước; Tp chưa có thiết kế đô thị để định hướng cho người dân. Tốt nhất là phải có quy hoạch đô thị, nếu không thì phải có văn bản hướng dẫn khi tuyến phố mới mở ra thì chiều cao công trình như thế nào, cốt nền ra sao, trên cơ sở đó thì UBND các quận, huyện mới có cơ sở giải quyết. Nếu chưa có văn bản chắc chắn địa phương khó quản lý. Sở Xây dựng vừa có văn bản kiến nghị UBND Tp chỉ đạo Sở QH-KT khẩn trương triển khai thiết kế đô thị trên toàn tuyến đại lộ Đông Tây; cung cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trên tuyến này để Sở Xây dựng và quận, huyện làm căn cứ cấp phép xây dựng cho các hộ dân có nhu cầu. Đặc biệt đề nghị các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý đất tại địa phương, chú ý đối với các phần đất có diện tích nhỏ xen cài được tạo ra trong quá trình đền bù giải tỏa để quản lý sử dụng có hiệu quả về mặt kinh tế và mỹ quan đô thị; không để xảy ra tình trạng xây dựng nhà có hình khối không phù hợp về tỷ lệ, kích thước và đề xuất phương án giải quyết đối với các phần đất này.

Bà Hồ Thị Kim Loan – Chánh Thanh tra xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, Sở đang tiến hành đi kiểm tra, lập danh sách những trường hợp cụ thể về tình trạng nhà siêu mỏng, không đủ chuẩn ở một số tuyến đường như trên đại lộ Đông Tây và sẽ đề xuất hướng giải quyết sau khi có kết quả kiểm tra.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.