Luật Thanh tra ra đời năm 2004 đi vào cuộc sống đã tạo nên bước ngoặt lớn cho hoạt động thanh
tra trong bộ máy hành chính của nước ta trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Riêng trong lĩnh vực xây dựng, trong năm 2009 Thanh tra Xây dựng đã triển khai 2.026 đoàn thanh tra, kiểm tra; thu hồi hơn 19 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 10 nghìn vụ với số tiền phạt hơn 1,8 tỷ đồng. Riêng Thanh tra Bộ đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 1,7 tỷ đồng; giảm trừ, quyết toán hơn 19 tỷ đồng. Mặc dù đạt được nhiều kết quả song nhìn chung hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước: công tác thanh tra còn thiếu tính chủ động; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra chưa nghiêm, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản vi phạm được phát hiện qua thanh tra còn thấp; vấn đề xử lý cán bộ vi phạm còn chưa kịp thời, chưa nghiêm; tổ chức của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực còn thiếu tính thống nhất, hoạt động nhiều khi còn trùng lặp, chồng chéo; công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính còn nhiều bất cập giữa thẩm quyền, chức năng và tổ chức bộ máy. Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là nhiều quy định của Luật Thanh tra năm 2004 sau 5 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Theo quy định hiện hành của Luật Thanh tra thì thanh tra chuyên ngành được thành lập ở hai cấp là cấp Bộ và cấp Sở. trong thực tiễn, để thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, do đặc thù của ngành Xây dựng, các vi phạm trật tự xây dựng diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên mọi địa bàn xã, phường; quận, huyện trở thành vấn đề gây bức xúc trong xã hội. trong thời gian qua, hoạt động thí điểm của thanh tra chuyên ngành cấp huyện rất có hiệu quả đã được Bộ Xây dựng tổng kết (tại Văn bản số 72/BC-BXD ngày 2/10/2009) và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo (tại Văn bản số 8282/VpCp-TCCV ngày 23/11/2009). Tuy nhiên, trong dự thảo trình Quốc hội ngày 2/4/2010, Ban soạn thảo lại không đưa vào dự thảo như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cho rằng, dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi nên quy định: “Căn cứ vào tính chất, đặc điểm, yêu cầu quản lý của một số ngành, lĩnh vực, cơ quan thanh tra được thành lập ở Tổng cục, Cục thuộc Bộ và UBND cấp huyện. Các cơ quan thanh tra này chỉ thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành” và “Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của thanh tra Bộ, thanh tra Sở và thanh tra thuộc UBND cấp huyện do Bộ trưởng thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”. Theo quy định hiện hành thì chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra. trong thực tế, nếu thực hiện đúng theo quy định thì rất khó và thường thì văn bản kết luận thanh tra ra rất chậm vì người ra văn bản kết luận thanh tra phải có thời gian nghiên cứu, xem xét, nhiều khi phải lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, và có thể còn yêu cầu Đoàn Thanh tra làm rõ, xác minh thêm một số nội dung. Vì vậy, trong Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi nên quy định thanh tra chịu trách nhiệm từ khi thành lập đến khi kết thúc cuộc thanh tra. trưởng đoàn thanh tra được kết luận, kiến nghị, quyết định về những nội dung đã thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các kết luận, kiến nghị, quyết định của mình (sau khi đã xin ý kiến của người ra quyết định thanh tra và thủ trưởng cơ quan thanh tra). Người ra quyết định thanh tra ký quyết định xử lý sau thanh tra là phù hợp và đảm bảo thời gian. Tại điều 42 của Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi đã có một số quy định về xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhưng còn quy định chung chung: “tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”. Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi cần quy định rõ chế tài xử lý thật cụ thể khi các đối tượng thanh tra chậm hoặc không thi hành kết luận, kiến nghị của thanh tra. Cụ thể: “Cơ quan thanh tra có quyền yêu cầu ngân hàng (nơi đối tượng thanh tra mở tài khoản) phong tỏa tài khoản của đối tượng bị thanh tra cho đến khi đối tượng thanh tra thực hiện xong nghĩa vụ theo Kết luận thanh tra”.Về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Thanh tra được quy định rất nhiều tại điều 46, điều 47, điều 53, điều 54 của Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi nhưng thực tế những quyền hạn, nhiệm vụ này rất ít sử dụng; ngược lại có những quyền hạn rất cần trong thực tế như việc kiểm tra thực tế tại công trình xây dựng lại không được quy định. Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi cần quy định thêm Đoàn thanh tra có quyền được mở cửa kiểm tra các hạng mục công trình, các công trình liên quan để phục vụ cho công tác thanh tra mà không cần sự cho phép của đối tượng thanh tra. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra cũng như các quy định khác của Luật Thanh tra sẽ góp phần tăng thêm lòng tin của người dân vào các cơ quan nhà nước cũng như thiết lập môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế góp phần vào công cuộc CNH, HĐH đất nước. |
Sửa đổi Luật Thanh tra:Những vấn đề đặt ra từ thanh tra chuyên ngành Xây dựng
1
Bài trước