Trang chủ » Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà đất công phải được sử dụng đúng mục đích

Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà đất công phải được sử dụng đúng mục đích

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments





Đây là kết luận của ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh tại buổi giám sát chuyên đề ngày 9/7 về hiện trạng sử dụng nhà đất công của Tổng công ty lương thực miền Nam và Tổng công ty địa ốc Sài Gòn.

Để đảm bảo cung cấp lương thực cho người dân giai đoạn bao cấp, Tổng Công ty lương thực miền Nam (VinaFood2), đã được giao hàng trăm cơ sở nhà đất để mở cửa hàng lương thực thực phẩm. Thống kê sơ bộ VinaFood2, đã được giao đến 185 cơ sở nhà đất, mặt bằng, với tổng diện tích hơn 476.000m2. Vì có vị trí mặt tiền những đường lớn của thành phố, nên khối lượng nhà đất này có giá trị kinh tế vô cùng lớn.

Tuy nhiên, qua nhiều năm, việc quản lý khối lượng nhà đất công mà VinaFood2 thực hiện chủ yếu trên sổ sách. Còn trong thực tế, nhiều cơ sở nhà đất đã được chuyển đổi, sang tay cho nhiều tổ chức và cá nhân. Điều này đã được ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc VinaFood2 thừa nhận với Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM: Sau thời bao cấp, VinaFood2 vướng cảnh nợ nần hàng chục triệu USD. Lúc đó, chúng tôi lo trả nợ nên việc quản lý nhà đất được giao còn lơ là. Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương về sắp xếp nhà đất công trên địa bàn thành phố, thì VinaFood2 mới rà soát lại các hồ sơ pháp lý của toàn bộ nhà đất thuộc quyền quản lý của mình. Sau đó, mới phát hiện nhiều cơ sở nhà đất công đã bị đơn vị khác “chiếm” mất, hoặc bị các cá nhân khác xác lập quyền sở hữu dù đây là tài sản của VinaFood2 được Nhà nước giao quản lý.

Giải trình về việc 8 ngôi nhà bị tư nhân hóa, ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc VinaFood2 lại thừa nhận rằng đây là lỗi do cách quản lý nặng về sổ sách. Một số cán bộ được VinaFood2 tạm giao nhà nhưng sau đó tự ý liên hệ với cơ quan quản lý nhà để hợp thức hóa thành tài sản riêng. Việc này họ cũng không báo cho VinaFood2 biết. Cả 8 trường hợp này đều xảy ra trong giai đoạn 1998-2002, nhưng VinaFood2 cũng không nghe cơ quan nào báo cáo hoặc phải ánh gì!. Hiện nay, VinaFood2 cũng không biết sẽ giải quyết việc này ra sao vì trên sổ sách vẫn thể hiện 8 ngôi nhà này là tài sản công, nhưng trong thực tế đã chuyển quyền sở hữu.

Ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, đã lên tiếng yêu cầu VinaFood2, phải hệ thống lại toàn bộ hồ sơ pháp lý của 185 cơ sở nhà đất, mặt bằng theo quy định của Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp nhà đất công trên địa bàn thành phố. Không thể tiếp tục quản lý theo cách cũ vì nhà đất công sản là lĩnh vực nhạy cảm, dễ thất thoát. Trước mắt, VinaFood2 phải đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất dưới dạng vốn góp tại 8 công ty cổ phần. Thực tế VinaFood2 chỉ giữ cổ phần 51% tại 2 công ty, còn 6 công ty còn lại VinaFood2 chỉ là thành viên. Trong khi đó, toàn bộ phần diện tích đất mà các công ty cổ phần này sử dụng có giá trị sinh lợi rất cao.

Chiều cùng ngày, tại buổi giám sát hiện trạng quản lý nhà đất của Tổng công ty địa ốc Sài Gòn (Resco), là cơ quan chủ quản của Công ty kho bãi thành phố, đơn vị nắm giữ đến 158 địa chỉ kho bãi với tổng diện tích hơn 270.871m2. Dù vậy qua, một thời gian ngắn, thực hiện việc cho thuê tràn lan, hàng trăm kho bãi với tổng diện tích hơn 203.000m2 đã bị biến hóa dưới các dạng sở hữu khác nhau.

Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Công ty kho bãi, cho biết: Công ty đều có làm hợp đồng cho các đơn vị thuê lại kho bãi. Nhưng khi hết hợp đồng, các đơn vị này tiếp tục “ôm” kho bãi, không trả lại cho địa phương để xây dựng các công trình giáo dục. Để lấy được kho bãi về, công ty phải kiện ra tòa nhưng quá trình này đòi hỏi thời gian rất lâu. Sau nhiều năm công ty chỉ đòi lại được 3 địa chỉ kho bãi để bố trí cho quận 8 xây dựng trường học.

Nhìn nhận về hiện tượng kho bãi bị biến hóa, ông Trần Du Lịch nêu rõ: Đây là khối lượng tài sản lớn của Nhà nước. Trên địa bàn thành phố, các kho bãi này đều nằm ở những vị trí có khả năng sinh lời cao, giá thị trường cho mỗi m2 đất ở đây có giá hàng chục triệu đồng. Vì vậy, Resco phải có đánh giá đầy đủ về nguyên nhân và tác động của quá trình biến hóa hơn 207.000m2 kho bãi này. Đây là việc nên làm vì đến
1/7/2010, mô hình công ty kho bãi chỉ còn lại một cơ sở kho duy nhất tại Thủ Đức cùng 1 trụ sở làm việc tại quận 5, với diện tích không đáng kể.

Lưu ý về 34 mặt bằng, với tổng diện tích hơn 61.000m2, vốn là tài sản cố định của Nhà nước để thực hiện cổ phần hóa, các thành viên đoàn giám sát yêu cầu ông Nguyễn Tín Trung, Tổng Giám đốc Resco, phải xem xét hiện trạng của toàn bộ diện tích nhà đất này. Thực tế, chỉ với Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn 3, gần 10 mặt bằng tại quận 1, quận 3 đều được kê khai là trụ sở dù thực tế đây là đơn vị kinh doanh đơn thuần. Hầu như 34 mặt bằng hiện đang được các công ty cổ phần sử dụng đều là những “khu đất vàng” nên phải đặc biệt lưu ý đến hiệu quả sử dụng cũng như hiện trạng sở hữu nhằm không để vốn Nhà nước bị thất thoát./.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.