Thành phố Hồ Chí Minh: Nhận diện những địa chỉ đen về lãng phí đất công





Ban chỉ đạo 09 Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị thu hồi hơn 261.000m2 đất công đang bị 9 đơn vị và doanh nghiệp Trung ương sử dụng lãng phí. Để hiểu rõ hơn về hiện trạng đất công bị cho thuê với giá rẻ mạt, hoặc bỏ trống, chiều 5/2, phóng viên đã trực tiếp xuống một số cơ sở nhà đất của Công ty lương thực thành phố, đơn vị có đến 28 địa chỉ, với gần 26.000m2 bị Ban chỉ đạo 09 đề nghị thu hồi.

Bắt đầu từ số 66-68 đường Nguyễn Trãi, quận 1, nơi Công ty lương thực Thành phố Hồ Chí Minh, được giao 63m2 đất thuộc quyền sở hữu Nhà nước từ tháng 3/2002. Tuy là một vị trí đắc địa, thuộc đoạn đường buôn bán sầm uất nhưng Công ty lương thực đã cho một doanh nghiệp kinh doanh quà tặng thuê lại với giá rẻ đến bất ngờ là 7 triệu đồng/tháng. Đây là điều không thể chấp nhận được vì theo giá thị trường được giới kinh doanh nhà đất thành phố cung cấp: mỗi m2 đất mặt tiền khu vực này có giá từ 5-7 cây vàng; còn giá thuê thực tế với diện tích 63m2 phải xấp xỉ 2.000USD/tháng.

Cơ sở nhà đất thứ 2 được UBND Thành phố Hồ Chí Minh xác lập quyền sở hữu Nhà nước và giao cho Công ty lương thực từ tháng 11/2001, là một ngôi nhà dạng biệt thự liên kế, số 24 đường Nguyễn Thái Học, nằm gần cầu ông Lãnh, cũng thuộc địa bàn quận 1. Không phục vụ cho việc kinh doanh lương thực, ngôi nhà này cũng đã được Công ty lương thực cho thuê lại làm của hàng bán tạp hóa. Khi chúng tôi đến, chủ cửa hàng tạo hóa Lan Hà vẫn đang chuyển hàng từ xe tải vào nhà. Theo hợp đồng thì giá thuê toàn bộ ngôi nhà có khuôn viên 71m2, diện tích xây dựng 143m2, là 4 triệu đồng/tháng. Đây có lẽ là mức thuê nhà thấp nhất thành phố trong thời điểm hiện tại vì thực tế giá thuê toàn bộ diện tích tương tự phải gấp đôi nhưng cũng khó tìm được địa điểm lý tưởng.

Địa điểm thứ 3 là nhà kho rộng 651m2 nằm tại số 9B đường Tôn Đản, phường 13, quận 4. Xác minh của chúng tôi cho biết, từ tháng 7/2001, UBND quận 4 và đơn vị được giao sở hữu nhà kho này đã thống nhất sẽ dùng diện tích đất này để xây dựng Trường tiểu học Xóm Chiếu. Thế nhưng sau gần 8 năm, nhà kho vẫn còn đó, và một phần đã được cho thuê lại để bán tạp hóa.

Theo quy định quản lý tài sản công, các đơn vị được giao đất không được tự ý cho thuê mướn. Thế nhưng tại cơ sở nhà đất số 330 đường An Dương Vương, quận 5, có tổng diện tích hơn 300m2, việc một cơ sở kinh doanh phụ tùng xe ô tô từ tháng 1/1999 đã được Công ty lương thực thành phố cho thuê lại. Điều trớ trêu là việc cho thuê này đã được thực hiện trong nhiều năm và chỉ đến khi Ban chỉ đạo 09 của Thành phố Hồ Chí Minh rà soát mới phát hiện ra, nhưng mặt bằng này vẫn được tiếp tục cho thuê.

Ngoài việc những cơ sở nhà đất có vị trí mặt tiền các quận trung tâm được cho thuê lại, thì hầu hết những diện tích đất công được UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao lại cho Công ty lương thực lại bị bỏ trống, kèm theo đó là nhiều ngôi nhà bị xuống cấp do không được sửa chữa. Thống kê ban đầu của Ban chỉ đạo 09, cho thấy cơ sở nhà đất số 822 đường Hậu Giang, quận 6 có diện tích 180m2; số 351 đường Hùng Vương, quận 6, có diện tích 179m2, số 32 đường Lê Lai, quận Gò Vấp, có diện tích 1.600m2 đều xuống cấp và hư hỏng.

Nhận định về hướng thu hồi theo quy định, nhiều cán bộ Ban Chỉ đạo 09 đều than khó vì sự chây ì, né tránh của đơn vị chủ quản. Tuy để đất trống, nhà cửa xuống cấp, hoặc cho thuê trái phép nhưng khi bị phát hiện và đề nghị thu hồi, Công ty lương thực đều nại lý do là khó khăn về diện tích để xin được giữ lại những cơ sở nhà đất này. Đây là điều không thể chấp nhận được vì nhiều chương trình văn hóa xã hội của thành phố đang cần đất lại phải đi giải tỏa đền bù trong khi đất công có sẵn nhưng đang bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, trái quy hoạch./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *