Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến ngư dân đã đánh bắt được tôm, cua, cá đã trên dòng sông Thị Vải trong chuyến làm việc với Công ty Vedan và trực tiếp thị sát hôm 10/5. Sự hồi sinh nhanh chóng dòng sông “chết” Thị Vải báo hiệu những chuyển biến nhận thức của các công ty, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường. Khi Vedan phục thiện Báo cáo với đoàn công tác của Bộ TNMT, Công ty Vedan cho biết, hiện hệ thống đường ống ngầm, máy bơm và các thiết bị liên quan dùng để xả nước thải trước đây đã được tháo dỡ toàn bộ. Một hệ thống xử lý nước thải bùn hoạt tính cao cấp để xử lý độ màu đã được Vedan đưa vào vận hành hoạt động.
Công ty Vedan cũng đã xây dựng thêm một số bể chứa xử lý UASB kết hợp với SBR; đã hoàn thành việc lắp đặt đồng hồ riêng biệt cho hệ thống UASB, hai hệ thống hiếm khí bùn hoạt tính và 20 hồ yếm khí. Các đồng hồ trên đều đã được cơ quan chức năng xác nhận và niêm chì, cho phép hoạt động. Hệ thống quan trắc tự động cũng đã được phía Vedan lắp đặt đồng bộ. Tổng Giám đốc Cty Vedan, ông Yang Kun Hsiang, cho biết để thực hiện việc cải thiện công tác bảo vệ môi trường, Công ty đã tăng thêm các công trình xử lý nước thải và dung dịch sau lên men với tổng trị giá 31 triệu USD. Ông Yang cũng cho biết, Công ty sẽ căn cứ vào tiến độ hoàn thành của các công trình thiết bị khắc phục môi trường tăng mới, qua đó từng bước khắc phục lại quá trình sản xuất của Công ty. Trước đó, sau khi bị phát hiện xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, Vedan đã phải giảm 40 – 50 % công suất, đồng thời cho ngưng hoạt động một số nhà máy để đảm bảo nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn sau khi xả thải ra sông Thị Vải.
Báo cáo với Bộ TN&MT, Vedan cũng cho biết, hiện Công ty đã nộp đầy đủ khoản tiền phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường trên 267 triệu đồng, đồng thời đã nộp phí truy thu bảo vệ môi trường trốn nộp là trên 79,5 tỷ đồng. Số còn lại trên 47,7 tỷ đồng sẽ được nộp vào quý 3 và 4 năm 2009 như đã cam kết trước đó với Bộ TN&MT. Việc Công ty Vedan cắt giảm tối đa sản xuất và đóng cửa một số nhà máy, tuy nhiên vẫn giữ nguyên số lao động 2.500 người, và đặc biệt vẫn cam kết thu mua hết nguyên liệu sắn cho bà con nông dân cho thấy thiện chí và tinh thần trách nhiệm của Công ty Vedan. Đánh giá sau cuộc làm việc với Công ty Vedan, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho rằng, sau khi có các quyết định xử phạt của Bộ TN&MT và tỉnh Đồng Nai, Vedan đã nghiêm túc trong việc khắc phục bảo vệ môi trường. Vedan và các doanh nghiệp khác đã “thức tỉnh” trong việc thực hiện luật bảo vệ môi trường, và sự hồi sinh của sông Thị Vải đang chuyển biến rất tốt. Tuy nhiên các cơ quan chức năng phải liên tục giám sát chặt chẽ, không thể tái diễn vi phạm”. Nụ cười ngư dân sông Thị Vải Khác với cách đây gần một năm, nay cảnh đánh bắt trên sông Thị Vải đã tấp nập, bà con ngư dân đã lại sống được với nghề này. Trả lời những thắc mắc của lãnh đạo Bộ TN&MT, anh Phạm Minh Tùng, một ngư dân đang đánh bắt trên đoạn sông gần cảng Vedan cho biết: “Khoảng 5, 6 tháng trở lại đây, con cua, con cá đã xuất hiện trên đoạn sông này và nhiều người dân đã tiếp tục trở lại với nghề đánh bắt”. Anh Tùng cũng cho biết, hiện mỗi ngày vợ chồng anh thu được khoảng 400 – 500 ngàn đồng từ tiền bán cá, cua đánh bắt được. Khoe rổ cua vừa bắt được, anh Tùng nói: “nhờ Vedan ngưng xả nước thải mà ngư dân mới đánh bắt được như thế này”. Chị Phạm Thị Ánh Nguyệt, một ngư dân đánh bắt trên đoạn sông Thị Vải qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết hiện mỗi ngày 3 thành viên trong gia đình chị đánh bắt được khoảng 600 ngàn đồng. Chị nói, hiện đoạn sông này cua, cá, tôm đã xuất hiện khoảng 7, 8 tháng nay dân chài lưới lại có thể xuống sông kiếm sống được rồi.
Theo đánh giá, sở dĩ sông Thị Vải có thể hồi sinh nhanh như thế là do các yếu tố như: Vedan đã ngưng việc xả trực tiếp chất thải chưa qua xử lý ra sông. Mặt khác, với một vài đợt lũ cuối năm 2008, lượng chất thải lơ lửng tồn đọng nhiều năm nay trên đoạn sông Thị Vải đã được đẩy ra biển. Sau đó là nhờ chế độ bán nhật triều của dòng sông này mà lượng nước bẩn lơ lửng đã được pha loãng. Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại cho nông dân do ảnh hưởng ô nhiễm do Vedan gây ra, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết: “Việc bồi thường cho người nông dân bị thiệt hại là tất yếu, doanh nghiệp nào gây ra thì phải bồi thường, tuy nhiên việc xác định đó cũng phải dựa trên cơ sở đánh giá cụ thể. |