KTĐT – Từ ngày 1/7/2008, TP Hà Nội đã đồng loạt ra quân thực hiện Quyết định 02 và (QĐ02) và Quyết định 20 (QĐ20) của Chủ tịch UBND TP về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường; quản lý hàng rong. Sau gần cả năm trời thực hiện, trật tự đô thị trên một số tuyến phố chính đã có chuyển biến tích cực.
Nhiều phường đã huy động cả hệ thống chính quyền, các đoàn thể cùng vào cuộc, tham gia giữ gìn trật tự đô thị, tổ chức cho 91.700 hộ dân trên các tuyến phố ký cam kết thực hiện tự quản lý vỉa hè, lòng đường nơi cư trú. Sở GTVT phối hợp với các quận sắp xếp 392 điểm trông giữ xe đạp, xe máy trên các tuyến phố, kẻ vạch sơn trên hè 645 tuyến phố để sắp xếp xe đạp, xe máy. Thành phố cũng triển khai thực hiện thí điểm mô hình “khoán quản”, giao cho các Dn kết hợp việc trông giữ xe với bảo đảm trật tự đô thị trên toàn bộ địa bàn quận Hoàn Kiếm từ ngày 2/10/2008. Các lực lượng đã xử lý gần 130.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 9 tỷ đồng. Gần một năm thực hiện QĐ02 và QĐ20, nhờ những cố gắng,nỗ lực của các ngành, các lực lượng từ TP đến cấp phường, trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên nhiều tuyến phố chính của Thủ đô đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động hàng rong, tình trạng ăn xin bám khách du lịch xung quanh nhiều tuyến phố hay quanh hồ Hoàn Kiếm đã giảm hẳn. Người đi bộ yên tâm mỗi khi qua các tuyến phố trung tâm, các phố kinh doanh sầm uất như: Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Bông, Hàng Gai, Nhà Chung. Những tuyến ở xa trung tâm, hè phố chật hẹp nhiều hộ kinh doanh vỉa hè thường gây ách tắc giao thông trước đây, sau khi triển khai sắp xếp lại đã ngăn nắp, phong quang hơn trước như: Khương Trung, Tôn Đức Thắng, Cầu Giấy… Quanh các khu di tích lịch sử – văn hoá không còn tình trạng sạp hàng bán hoa, vàng mã, hàng ăn bao vây như trước. Thực hiện mô hình “khoán quản” thí điểm ở quận Hoàn Kiếm đã góp phần làm cho bộ mặt đô thị chuyển biến đáng kể. Tình trạng xe máy, ôtô dừng, đỗ bừa bãi ở lòng đường, vỉa hè đã giảm, thu phí trông giữ xe máy đúng giá quy định đã tạo được đồng thuận trong nhân dân.
vi phạm lại tái diễn trở lại
Đó là nhận xét, đánh giá của dư luận gần đây về việc duy trì thực hiện các quyết định trên của TP. Những tháng gần đây, nhất là sau Tết Kỷ Sửu đến nay cho thấy, chỉ còn lại một nửa trong số 62 tuyến phố cấm buôn bán kinh doanh trên vỉa hè và 56 tuyến phố cấm để xe máy, xe đạp trên vỉa hè, đỗ ôtô dưới lòng đường còn duy trì được “đường thông, hè thoáng”. Các tuyến phố còn lại tình trạng các vi phạm vỉa hè, tái lấn chiếm để kinh doanh, đỗ dừng xe lộn xộn. Hai tháng gần đây, đoạn vỉa hè trước cổng trường THPT Phan Đình Phùng (phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình) bỗng biến thành điểm đỗ xe. Ôtô, xe máy được trông giữ cả ngày lẫn đêm tại khu vực này, cho dù đây là tuyến phố đã được TP quy định là một trong 56 tuyến phố bị cấm để xe máy, xe đạp, ôtô trên hè phố, lòng đường. Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, ông Bùi Văn Thanh bức xúc: “Trường có 2000 học sinh mà bãi đỗ xe trên đoạn đường này gần đây đã chiếm hết mặt tiền phố Phan Đình Phùng, ngay sát trước cổng trường, vừa gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị vưà rất khó bảo đảm trật tự an toàn khi học sinh tan trường. Ngay tuyến phố Huế (quận Hai Bà Trưng) đã từng được đánh giá là “thay da, đổi thịt” trong thời gian đầu thực hiện QĐ 02 và QĐ20 của TP thì nay đang dần tái hiện diện mạo cũ. Từ ngã tư phố Huế – Đại Cồ Việt đến hết phố Hàng Bài hàng rong lại mặc nhiên “tung hoành”tái phạm, bất chấp quy định cấm buôn bán hàng rong, bày bán kinh doanh trên hè phố. Tại các cửahàng buôn bán, tình trạng khách đến mua bán, giao dịch hàng hoá ngang nhiên để xe dưới lòng đường thoải mái. Dọc tuyến phố Hàng Đào, Lương Văn Can… người đi bộ lại bị đẩy xuống lòng đường bởi sự lấn chiếm vỉa hè của các loại hàng hoá được bày bán la liệt, công khai trên vỉa hè. Đầu phố Nguyễn Lương Bằng, đoạn trước cửa hàng xe máy Kường Ngân và các cửa hàng kinh doanh quạt máy, vỉa hè lại tái chiếm thành nơi bày hàng hoá. Trên hè phố Cát Linh (phố cấm kinh doanh trên hè phố), đoạn bên cạnh tường trường Tiểu học Cát Linh đã được tận dụng để kinh doanh VLXD bán gạch men, gạch lát sàn. Lộn xộn nhất là tuyến đường Đê La Thành (quận Đống Đa). Nguyên nhân trước hết là do sự lơi lỏng, thiếu kiên trì, liên tục thực hiện của các lực lượng chức năng, nhất là vào những ngày nghỉ và thời điểm sau giờ hành chính. Nguyên nhân nữa là nhiều tuyến phố chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiếu vỉa hè, điểm trông giữ xe, hệ thống chợ dân sinh còn ít. Nhiều cuộc giao ban kiểm điểm việc thực hiện QĐ02 và QĐ20, lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo các ngành chức năng sớm đẩy nhanh việc xây dựng các điểm giao thông tĩnh, làm nơi trông giữ xe máy, ôtô cũng như lập các phương án sắp xếp quản lý các hàng rong, các dịch vụ như bán xổ số, cắt tóc, bán báo… Nhưng đến nay những phương án trên vẫn chưa được triển khai.
Việc cấm để xe máy, xe đạp, ôtô trên 56 tuyến phố và cấm kinh doanh, buôn bán trên hè 62 tuyến phố là chủ trương đúng, nhằm nâng cao ý thức tự giác, chấp hành của nhân dân trong việc quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường đúng mục đích. Phải coi đây như cuộc vận động xây dựng nếp sống mới, loại bỏ nếp sống, thói quen cũ kém văn minh, lạc hậu nhưng phải làm lâu dài, thường xuyên và liên tục để xây dựng văn minh đô thị, tạo diện mạo khang trang cho phố phường Thủ đô. Không nên coi đó là chiến dịch ra quân rầm rộ ban đầu rồi lại “Đầu voi, đuôi chuột” như trước đây. Đi đôi với những việc trên, TP cần nhanh chóng đầu tư xây dựng các điểm trông giữ xe, quy hoạch mở thêm các chợ dân sinh, vừa bảo đảm nhu cầu mưu sinh, mua bán thiết yếu của người dân, vừa tạo việc làm cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội, đưa công tác quản lý đô thị ở Thủ đô ngày càng đi vào nề nếp./.
Đức Tâm