Kể từ ngày 26/9, khi Thông tư 161/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thì mọi hoạt động trên thị trường BĐS dường như đứng im. Các cơ quan thuế thì lúng túng giữa thu 2% trên tổng giá trị hợp đồng hay 25% trên chênh lệch giữa giá mua và giá bán, còn người đóng thuế thì đang chờ đợi một chính sách thuế đồng thuận hợp lòng dân. Loay hoay 2 hay 25% Theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính bao gồm Thông tư 84/2008, Thông tư 62/2009, Thông tư 161/2009/TT-BTC đều không quy định quyền được chọn thuế suất mà phải theo nguyên tắc. Nếu đủ điều kiện hóa đơn chứng từ thì áp dụng mức thuế suất 25% trên thu nhập chịu thuế, còn nếu không xác định được giá vốn thì áp dụng mức thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng. Tuy nhiên, mỗi nơi lại áp dụng một kiểu thu khác nhau (có nơi thì tính 25% trên giá chênh lệch mua và bán, có nơi tính 2% trên giá trị chuyển nhượng mà không hề cho người nộp thuế được lựa chọn cách tính) đang làm cho các nhà đầu tư hoang mang, không mạnh dạn đầu tư khiến cho dòng vốn vào BĐS chững lại, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu như ở Hà Nội, người nộp thuế được lựa chọn thì ở Tp.HCM lại phụ thuộc vào cơ quan thuế. Thậm chí mỗi cơ quan lại áp đặt sẵn một mức thuế thu, điều đó tạo ra sự không công bằng cho người nộp thuế. Tại hội thảo “BĐS & Thuế – Điểm nóng của thị trường” diễn ra tuần qua tại Tp.HCM, ông trần Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Cty Vinaland cho rằng: “Cơ quan thuế quá chú trọng tới việc tận thu mà không mấy chú trọng tới việc tuyên truyền, giải thích và khuyến khích thị trường BĐS phát triển. Người nộp thuế vì thế cảm thấy bức xúc và tìm cách lách, né thuế, thậm chí chốn thuế, hoặc làm cách nào đó để phải đóng mức thuế thấp nhất. Chưa có sự thống nhất về cách thu thuế thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường BĐS, bên cạnh đó chính sách thuế cần phân biệt được các hoạt động kinh doanh và hoạt động tiêu dùng BĐS. Những sản phẩm hiện hữu và sản phẩm sẽ hình thành trong tương lai.” Ý kiến các chuyên gia cho rằng, hợp đồng góp vốn là những sản phẩm sẽ hình thành trong tương lai, chưa có thực nhưng thu thuế lại được áp dụng một mức cụ thể là một điều hết sức vô lý. Nên trao quyền lựa chọn mức thuế cho người nộp Hiện nay, rất khó để yêu cầu người bán có đủ hóa đơn chứng từ khi chuyển nhượng hợp đồng. trên thị trường khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư hủy hợp đồng cũ và làm lại hợp đồng mới cho bên nhận chuyển nhượng, giá ghi trong hợp đồng vẫn là giá gốc. phía chủ đầu tư chỉ xác nhận giữa người mua – người bán bằng phụ lục hợp đồng mà không ghi giá chuyển nhượng giữa hai bên. Vì vậy, theo ông phùng Văn Năng – Tổng giám đốc Cty Cp BĐS Nam Việt thì, nếu để người nộp thuế chọn mức 2 hay 25% thì sẽ dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn, tránh được phiền hà cho người nộp thuế. Đồng quan điểm này, ông Đặng Hoàng Vũ – Chủ tịch HĐQT Cty TNHH thương mại địa ốc Thanh Bình cho rằng: Do không rõ ràng minh bạch về sử dụng nguồn thuế thu được từ các cá nhân doanh nghiệp nên luôn có cuộc rượt đuổi giữa người nộp thuế và cơ quan thu thuế, gây thiếu lòng tin của người dân từ chính sách thuế. Việc thu thuế còn tùy vào tâm người thu thuế thu mức nào có lợi cho Nhà nước vì vậy mới có tình trạng ở Hà Nội thì đóng 2% còn Tp.HCM thì hầu như là 25%. Từ đó không khuyến khích được người dân tham gia đóng thuế gây thất thu cho Nhà nước. Người mua thì đòi khai đúng giá bán, còn người bán thì lại muốn khai thấp hơn nên có sự giằng co qua lại. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, thị trường đang rơi vào tình trạng người bán tính toán số tiền thuế phải nộp cao quá nên đã quyết định không bán nữa mà chờ khi nào có chính sách rõ ràng. Còn người mua thì thấy thuế đóng cao, mất thời gian làm thủ tục nộp thuế thu nhập cá nhân nên cũng lưỡng lự. Bên cạnh những điểm hướng dẫn chưa rõ ràng từ Chi cục Thuế phải chờ ý kiến của Cục Thuế Tp rồi Cục Thuế Tp thì lại chưa có hướng dẫn cụ thể từ Tổng cục Thuế… |