Tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực dụng cụ điện cầm tay Bosch vừa tổ chức lễ tổng kết chương trình “Hướng dẫn An toàn lao động”, chương trình tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam do ngành hàng dụng cụ điện cầm tay Bosch và Bộ LĐTB&XH phối hợp thực hiện.
Bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 7 vừa qua, chương trình đã hoàn thành mục tiêu tư vấn tại hơn 100 công trường xây dựng trong cả nước với hơn 10.000 công nhân tham dự. Ông Andre De Jong – Giám đốc kinh doanh toàn quốc Khối dụng cụ điện cầm tay Bosch Việt Nam cho biết: “Thành công của chương trình năm nay là tiền đề để những năm tiếp theo, Bosch và các cơ quan An toàn lao động Việt Nam phối hợp mở rộng và thực hiện tốt hơn chương trình. Những kiến thức mà Thanh tra Bộ LĐTB&XH và các chuyên gia của Bosch cung cấp là nền tảng lâu dài trong việc xây dựng ý thức bảo vệ sức khỏe ATLĐ trong đông đảo giới công nhân xây dựng“.
Xuất phát từ đâu, Cty Robert Bosch Việt Nam lại quyết định thực hiện chương trình này, thưa ông? – Theo thống kê của phòng An toàn vệ sinh lao động của Bộ LĐTB&XH, đa phần các vụ TNLĐ thời gian qua, lỗi phần lớn thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động như: Công tác tự kiểm tra an toàn – vệ sinh lao động bị buông lỏng, tổ chức bộ máy bảo hộ lao động không có… trong khi đó, ý thức của người lao động còn hạn chế, công nhân còn xem nhẹ tính mạng của mình khi được trang bị phương tiện bảo hộ lao động nhưng không sử dụng. Chính vì thế chúng tôi thực hiện chương trình này nhằm cảnh báo về thực trạng ATLĐ trên các công trình xây dựng tại VN, đồng thời giúp người lao động và người sử dụng lao động hiểu được tầm quan trọng về bảo hộ lao động, ATLĐ nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Xin ông giới thiệu đôi nét về cuộc hành trình mà chuyến xe tư vấn ATLĐ đã đi qua? – Chương trình “Hướng dẫn An toàn lao động” được khởi động vào cuối tháng 4 vừa qua tại công trường xây dựng nhà máy của Bosch ở Long Thành, Đồng Nai. Ban tổ chức đã thiết kế một chiếc xe tải lớn chuyên chở những tài liệu, thiết bị máy móc và chuyên gia đi đến 100 công trình xây dựng lớn tại 7 tỉnh, Tp là Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội. trong suốt cuộc hành trình, ở mỗi công trình xây dựng, hàng trăm công nhân đã được thanh tra Bộ và các chuyên gia của Bosch tư vấn cho công nhân tận tình về việc bảo vệ mình trước những nguy cơ về ATLĐ. Công nhân còn được nhận cẩm nang Sức khỏe – ATLĐ và sử dụng thử các dụng cụ điện cầm tay hiện đại với tính năng an toàn, tiện dụng của Bosch. Ngoài 7 tỉnh thành trong kế hoạch, chương trình còn mở rộng thêm 2 tỉnh Thái Nguyên, Hải phòng.
Thông thường vào mùa mưa rất dễ xảy ra các tai nạn lao động trong xây dựng, đặc biệt về điện. Theo ông, cần có những biện pháp gì để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra? – Để phòng tránh tai nạn trong lao động mùa mưa, người lao động và sử dụng lao động cần thực hiện tốt các biện pháp ATLĐ mà chương trình đã đưa ra. Cụ thể, trong quá trình lao động công nhân cần phải có giày bảo hộ chống trơn trượt khi di chuyển, chú ý an toàn về điện, có dụng cụ cần thiết để che chắn dây điện, ổ cắm, không để điện tiếp xúc với nước. Sử dụng các dụng cụ dùng pin cũng sẽ an toàn hơn và hạn chế tai nạn về điện. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ mình của công nhân bên cạnh việc trang bị những phương tiện lao động an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe và phòng tránh tai nạn.
|
Tổng kết chương trình “Hướng dẫn An toàn lao động”: Hơn 10.000 công nhân tham dự
5