Vụ tranh chấp nộp tiền sử dụng đất ở Phú Mỹ Hưng, TP.HCM: Cần xem lại việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ???

Báo Xây dựng số 88 (ra ngày 3/11) đã đề cập tới việc phú Mỹ Hưng (pMH) đang đẩy nghĩa vụ đóng thuế quyền sử dụng đất phần sử dụng chung về phía khách hàng vì được UBND Tp.HCM “bật đèn xanh” bằng một công thức tính diện tích giao đất chưa từng có. Không chỉ với việc đóng thuế, mà trong quá trình từ khi pMH được cấp phép đầu tư năm 1993 cho đến khi nổ ra việc khách hàng pMH đồng loạt ký tên vào đơn khiếu tố mới thấy nhiều “lỗ hổng” trong quản lý của các cơ quan chức năng ở Tp.HCM.

Cơ quan chức năng có  “bật đèn xanh” cho pMH?

pMH được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác Đầu tư (nay là Bộ KH&ĐT) cấp phép đầu tư số 602/Gp ngày 19/5/1993 để xây dựng, kinh doanh tuyến đường ôtô dài 17,8km, rộng 60m từ phía Bắc huyện Nhà Bè đến huyện Bình Chánh (Tp.HCM) và xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các cụm phát triển dọc 2 bên đoạn đường này, với tổng diện tích khoảng 600ha đất thuê trong 50 năm. Vốn đầu tư của dự án khoảng 242 triệu USD. Vào thời điểm đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chưa được phép xây dựng nhà ở để bán gắn với quyền sử dụng đất và chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng.        


Cư dân pMH ký vào đơn khiếu tố gửi cán bộ, ngành.

Năm 1998, UBND Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận thực hiện thí điểm cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà ở, cho thuê đối với người Việt Nam hoặc người nước ngoài thuê tại KĐT An phú, Q.2. Cùng với việc thí điểm trên, UBND Tp.HCM đã “mạnh dạn” cho phép “thí điểm luôn” ở pMH. Và, pMH đã chia dự án lớn thành nhiều dự án nhỏ với mức đầu tư dưới 10 triệu USD để “tiện bề” cấp “giấy phép con” xây nhà để bán.

Cụ thể, năm 1998, UBND Tp.HCM cấp 4 giấy phép con mang số: 28, 29, 30 và 58/Gp-HCM, cho phép pMH xây dựng thí điểm khu phố đa hợp Mỹ Hưng trong khu A, vốn 7 triệu USD; sân golf, sân tập golf, sân tennis và hồ bơi, vốn 2 triệu USD; sân trượt patin, vốn 109 nghìn USD; xây dựng khu phố Mỹ Cảnh vốn 5 triệu USD. Năm 1999, pMH được cấp phép xây dựng bãi đậu xe tại khu vui chơi giải trí Sài Gòn Wonderland, vốn 41 nghìn USD theo giấy phép số 83/Gp-HCM. Năm 2000, pMH được phép xây dựng nhà ở với diện tích 8.357m2, vốn 4,5 triệu USD.

Việc UBND Tp.HCM cấp “ngầm” 3 giấy phép con đầu tiên đã bị Bộ KH&ĐT “tuýt còi” bằng Công văn số 4340 BKH/KCN ngày 25/6/1998. Thế nhưng, không hiểu sao, UBND Tp.HCM vẫn cấp tiếp 3 giấy phép con.

5 năm sau, ngày 30/6/2003, UBND Tp.HCM ban hành Quyết định số 2414/QĐ-UB chấm dứt hiệu lực pháp lý 6 giấy phép con đã cấp cho pMH. Nghĩa là, cho phép pMH rút êm 4 tháng trước khi Bộ KH&ĐT điều chỉnh giấy phép đầu tư lần thứ 7. Mà bằng giấy phép này, pMH mới được “xây dựng nhà ở để bán cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam, cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

trong văn bản báo cáo Thủ tướng số 7059/BKH-KCN&KCX ngày 18/11/2003, Bộ KH&ĐT chỉ rõ việc ban hành các “giấy phép con” của UBND Tp.HCM: “Tuy là giấy phép con, nhưng thực chất cho phép một dự án độc lập được thực hiện. Do đó, thông thường phải có báo cáo quyết toán vốn, công trình, khi chấm dứt phải có thanh lý, xem xét việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của từng dự án của “giấy phép con” này. Việc UBND Tp.HCM cấp các “giấy phép con” nêu trên đã vượt quá thẩm quyền cho phép và việc rút các giấy phép đó không gắn với việc xử lý các hệ quả của nó tạo ra khó khăn lớn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo “khoảng trống” về mặt pháp lý đối với các dự án do UBND Tp.HCM cấp giấy phép đầu tư”.

Dựa vào việc đã có “giấy phép con”, pMH làm Công văn số 09/99/pMH-VT đề nghị UBND Tp.HCM cho phép kinh doanh nhà ở và chuyển quyền sử dụng đất ở cho các đối tượng mua nhà là người trong nước và người nước ngoài được phép cư trú lâu dài ở Việt Nam. Đồng thời, ngày 28/7/1999, pMH cũng có Văn bản số 217/99/pMH-VT cam kết chấm dứt quyền lợi đối với khu đất khi được chuyển giao quyền sử dụng đất cho người mua nhà.

Nhận thấy sự việc pMH đề nghị là hợp lý, cộng thêm đề nghị của BQL khu Nam số 470/TT-BQL ngày 1/12/1999, UBND Tp.HCM đã ban hành Văn bản số 89/UB-QLĐT ngày 6/1/2000 quy định về thủ tục thuê nhà ở, bán nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất ở, nghĩa vụ tài chính của pMH. Thực chất, với văn bản này, UBND Tp.HCM đã cho phép pMH được quyền bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nhà ở trực tiếp như một DN trong nước.

Lợi dụng vào việc UBND Tp.HCM cho phép bán nhà, pMH đã bán luôn cả đất có hạ tầng.

Cần xem lại việc phân lô bán nền và chuyển nhượng QSDĐ ???

Tại Văn bản số 46/CV-BQL ngày 13/2/2004, BQL khu Nam đã báo cáo về những vi phạm của pMH như sau: Tại khu A, pMH đã vi phạm về quản lý quy hoạch xây dựng. Cụ thể, khu R có trường đua ngựa, năm 1997, chưa hoàn tất điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, thế nhưng pMH đã phân lô bán đất có hạ tầng gần 1.900 lô chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích khoảng 320 nghìn m2 và xây dựng không phép 23 công trình nhà ở để bán có quy mô sử dụng đất hơn 260 nghìn m2.

Đến ngày 21/8/2000, sau khi có ý kiến của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Tp, UBND Tp.HCM đã ra Thông báo 1251/TB-Vp chấp thuận chủ trương chuyển đổi quy hoạch trường đua ngựa trong khu A này thành khu dân cư. Và tới năm 2007, khu này mới được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Đây cũng là nơi tọa lạc của các khu chung cư như: Hưng Gia, Hưng phước, Hưng Thái, Sky Garden. Và đây cũng là khu vực tập trung phần lớn cư dân pMH khiếu nại việc nộp tiền sử dụng đất. 

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư trước khi được phê duyệt dự án tổng thể phải làm nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất mới được cấp phép xây dựng. Đối với pMH, một nhà đầu tư nước ngoài, thì phải đóng tiền thuê đất cho Nhà nước và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Thực tế, từ sau khi có các “giấy phép con” do UBND Tp.HCM cấp, pMH đã tiến hành xây dựng hàng loạt nhà ở để bán; đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phân lô bán nền mà không hề nộp tiền sử dụng đất. Việc xây dựng và chuyển nhượng QSDĐ trái phép của pMH diễn ra suốt hơn chục năm qua mà không có cơ quan chức năng nào làm sáng tỏ. Hệ quả là, đến nay, hàng nghìn cư dân khi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà mới ngã ngửa.

Thậm chí, kẽ hở này đã bị lợi dụng tới mức, khi làm hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng, pMH luôn khẳng định với khách hàng: pMH là chủ sở hữu ngôi nhà và có quyền sử dụng đất. Thậm chí còn liệt kê ra những bằng chứng hết sức thuyết phục về quyền sử dụng đất. 

Cụ thể, tại hợp đồng công chứng bản cấp cho bên mua là bà Nguyễn Hồng Hải, pMH khẳng định: pMH là chủ sở hữu ngôi nhà và có quyền sử dụng đất đối với căn hộ số 7-1, khu phố Mỹ Cảnh, giai đoạn II (Mỹ An), khu A. Thậm chí, pMH còn ghi rõ các giấy tờ pháp lý như: GCN QSDĐ số 00006/1a QSDĐ/7858/UB ngày 14/11/2001; biên bản nghiệm thu hoàn công công trình ngày 26/10/2000; quyết định cấp số nhà số 111/QĐ-QLĐT ngày 29/8/2000 của UBND Q.7…

Thế nhưng, lạ thay, pMH đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  và được cấp số nhà cụ thể như ví dụ trên, không hiểu sao, Chi cục Thuế Q.7 vẫn “túm” bà Hải để yêu cầu đóng 100% thuế quyền sử dụng đất? Điều lạ lùng này không chỉ xảy ra với bà Hải, mà với phần lớn cư dân, khiến nhiều người lâm vào tình trạng dở khóc dở cười.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *