Hiện nay, ngoài dịp lễ, Tết thì các xe khách mới có khách đi xe, còn lại vào những ngày thường thì xe nhiều, khách ít nên mới xuất hiện tình trạng xe khách chạy vòng vo đón khách trên đường. Một giám đốc bến xe cho biết, mỗi xe khi xuất bến có hệ số sử dụng ghế khoảng 70% là hòa vốn, nếu vượt ngưỡng trên thì chủ xe mới có lãi. Tuy nhiên, quan sát tại các bến xe của Hà Nội hiện nay, các xe xuất bến chỉ đạt khoảng 30% hệ số sử dụng ghế và hệ quả là các xe thi nhau “vợt khách” ngay trong bến, trên đường, bất chấp tai nạn và ùn tắc giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Lộn xộn cổng các bến xe
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, sau Tết tình hình trật tự giao thông, đô thị trên địa bàn thành phố có những diễn biến phức tạp. Cụ thể là tình trạng xe khách chạy vòng vo, dừng đón trả khách không đúng nơi quy định gây ùn tắc, mất an toàn giao thông lại tiếp tục tái diễn. Nhiều nhất là tại các tuyến đường xung quanh các bến xe chính của thành phố như: Tuyến đường Giải Phóng, Cầu Tiên, Pháp Vân nơi gần các bến xe Giáp Bát, Nước ngầm; tuyến Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng gần bến xe Mỹ Đình. Như đã nói ở trên, hiện lượng xe khách về Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại đang cung vượt quá cầu nhưng không hiểu sao hiện vẫn có rất nhiều doanh nghiệp vận tải, cá nhân đầu tư mua xe để tham gia vận tải khách.
Thực tế, vài năm trở lại đây, các bến xe khách luôn rơi vào tình trạng quá tải, nhưng quá tải ở đây là quá tải về số lượng xe về bến đón, trả khách chứ không phải là quá tải lượng khách đến bến để đi xe. Để giảm tải cho các bến xe, Sở GTVT đã có nhiều biện pháp điều chỉnh luồng, tuyến cộng với việc đồng ý mở thêm các bến xe mới. Đồng thời các ngành của thành phố đã có nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc, lộn xộn tại khu vực xung quanh các bến xe, đánh mạnh vào xe “dù”, bến “cóc”. Tuy nhiên, kể từ khi Quyết định 16/2007/QĐ-BGTVT, có hiệu lực đã không đề cập đến yếu tố đặc thù cho Hà Nội và TP HCM. Theo quyết định này, các phương tiện của doanh nghiệp vận tải vào bến đón trả khách tại thủ đô Hà Nội không nhất thiết phải có ý kiến của Sở GTVT Hà Nội. Quyết định này vừa có cái lợi, vừa có cái hại là tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp vận tải, nhưng đẩy Hà Nội vào thế khó khi có quá nhiều xe khách đổ về Hà Nội, trong khi hạ tầng giao thông vừa yếu, lại vừa thiếu, dẫn đến ùn tắc giao thông.
Doanh nghiệp vận tải láchluật, cơ quanquản lý bất lực
Hiện nay tại rất nhiều huyện của các tỉnh phía Bắc có tuyến xe chạy về Hà Nội. Theo quy định, các huyện phải có bến xe. Tuy nhiên, không phải huyện nào cũng đã có bến xe. Và để lách luật, các chủ xe đã nghĩ ra cách để đối phó, đó là làm công văn xin xác nhận của phòng kinh tế huyện (dấu đỏ hẳn hoi) rằng do huyện đang xây dựng bến, nên trong thời gian bến chưa xây xong thì cho phép xe biển kiểm soát A, B… được chở khách về Hà Nội. Bên cạnh đó, với quy định, xe khách chỉ cần xin phép một đầu, có nghĩa là chủ xe chỉ cần xin phép với Sở GTVT địa phương là có thể cho xe về Hà Nội đón, trả khách mà không cần biết là Hà Nội đang phải gồng mình giải bài toán ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, Hà Nội là đô thị đặc biệt, có những đặc thù về tổ chức giao thông. Trước khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 16 về vận tải khách bằng ôtô tuyến cố định, hợp đồng, Sở đã kiến nghị yêu cầu các bến xe trên địa bàn khi ký hợp đồng cho các phương tiện của doanh nghiệp vận tải vào bến đón trả khách phải có ý kiến của Sở GTVT. Tuy nhiên, kiến nghị của Sở không nhận được phản hồi nên để tránh tái diễn tình trạng quá tải tại các bến xe, Sở GTVT đã ban hành văn bản 89/GTVT-QLVT với nội dung như kiến nghị trên. Nhưng văn bản này đã bị các doanh nghiệp vận tải phản ứng và Cục Đường bộ đề nghị thu hồi.
Có thể nói, với việc xe khách phát triển ồ ạt như hiện nay, cộng với việc các cơ quan quản lý nhà nước không có tiếng nói chung để quản lý loại hình này khiến cho giao thông Hà Nội đã rối lại càng thêm rối. Và cuối cùng, người dân thủ đô là người chịu thiệt thòi nhất khi hàng ngày, hàng giờ phải sống chung và đối mặt với nạn ùn tắc giao thông chưa biết bao giờ mới chấm dứt…
Trần Quý