Bất động sản tan băng hay bị “thổi” giá?





Sau một thời gian dài trong tình trạng “ngủ đông”, gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội có dấu hiệu nóng trở lại tại một số khu vực. Tại một số nơi, giá BĐS đã tăng 20-30% chỉ trong một, hai tháng. Điều này khiến nhiều người lạc quan nghĩ đến sự ấm nóng trở lại của thị trường này.



Thế nhưng, dạo qua những khu vực giá BĐS sốt nhất thời gian này, chúng tôi lại thấy một tình trạng trái ngược: Giá BĐS bị đội lên một cách vô lý. Người có nhu cầu mua nhà nhiều, nhưng sân chơi dường như vẫn chỉ dành cho những nhà đầu cơ thi thố, tìm cách nâng giá để bán kiếm lời.



Tưởng rẻ hóa ra lại quá đắt



Trong vai một người đang có nhu cầu mua nhà để ở, tôi đã đến tham khảo giá tại những khu vực BĐS đang có dấu hiệu nóng và tốc độ tăng giá thuộc loại nhanh nhất nước thời gian qua.













Trung tâm môi giới nhà đất mọc lên như nấm ở khu đô thị mới Văn Khê, Hà Đông.


Tại khu đô thị mới Văn Khê, khu vực đang được nhiều nhà đầu tư và cả người mua nhà để ở quan tâm tìm đến, những văn phòng nhà đất và trung tâm giao dịch BĐS mọc lên như nấm, nằm san sát. Hiếm có khu đô thị nào lại có nhiều văn phòng nhà đất và mật độ đông đúc như ở nơi này. Tuy nhiên, khi tôi đặt vấn đề muốn mua căn hộ giá rẻ để ở thì chỉ nhận được những câu trả lời đầy vẻ thông cảm.



Anh Nguyễn Trung Dũng, Văn phòng nhà đất Trung Dũng, Văn Khê (Hà Đông) khẳng định, hiện khu đô thị Văn Khê không còn căn hộ nào với mức giá 600 – 700, thậm chí là 800 triệu.



Bởi, nếu cộng với mức giá chênh lệch hiện tại từ 240 – 250 triệu thì căn hộ rẻ nhất tại đây cũng đã trên dưới 1 tỷ đồng rồi. Anh khuyên, với mức tiền này, tôi nên chuyển sang mua căn hộ bên khu đô thị Xa La, cách bệnh viện 103 (Hà Đông) không xa.



Tuy nhiên, để mua được nhà, tôi vẫn phải gom thêm tiền vì giá nhà bên khu Xa La giờ cũng vào khoảng 11 – 11,5 triệu đồng/m2. Ngoài ra, người mua còn phải chịu thêm mức chênh lệch 70 – 80 triệu đồng mỗi căn cho chủ đầu tư trước.



Tại sàn giao dịch BĐS trực tuyến, Trung tâm BĐS Mỹ Đình II, tại Văn Khê (Hà Đông), tôi được một nhân viên ở đây cho biết, cách đây ít hôm, những căn hộ giá 700 – 800 triệu vẫn có, nhưng muốn mua thì phải chờ xem có nhà đầu tư nào bán ra không. Anh đề nghị tôi không nên tìm mua những căn hộ “giá rẻ” kiểu ấy, vì chúng thường nằm ở toà nhà chủ đầu tư chỉ làm hợp đồng góp vốn và họ có thể điều chỉnh mức giá bất kỳ lúc nào.



Đã có nhiều người tưởng mua được nhà giá rẻ, nhưng hoá ra là quá đắt, bởi sau đó, chủ đầu tư lại điều chỉnh giá. Rồi anh kết luận, tôi nên mua căn hộ ở những toà nhà chủ đầu tư đã làm hợp đồng kinh tế rõ ràng, họ ít có khả năng điều chỉnh giá. Loại này hiện có rất nhiều.



Tuy vậy, giá của mỗi căn hộ như thế khá cao. Bởi ngoài giá gốc là 12,5 triệu đồng/m2, người mua phải chịu mức chênh lệch khoảng 250 triệu cho mỗi căn hộ. Nghĩa là với căn hộ có diện tích nhỏ nhất thì giá cũng đã lên tới tiền tỷ.



Anh nhân viên này còn cho hay, BĐS giờ đang sốt trở lại, có tiền nên mua ngay kẻo khi đoạn đường nối với đường Lê Văn Lương (cũ) được thông, giá khu vực đó sẽ tăng lên không kém giá khu… Trung Hoà – Nhân Chính hiện tại.



Mua nhà để ở, tốt nhất hãy chờ



Theo một “cò” BĐS (đề nghị được giấu tên) ở khu đô thị mới Văn Khê (Hà Đông) thì từ Tết nguyên đán, nhất là khi đoạn đường Lê Văn Lương mới được thông, giá đất biệt thự và đất liền kề tại khu đô thị này tăng từ 3-4 triệu đồng/m2, còn giá của căn hộ tăng từ 1,5-2 triệu đồng/m2.













Toà nhà này phải sang năm mới hoàn thành, nhưng để mua được căn hộ tại đây, người mua phải mất thêm ít nhất khoảng 250 triệu đồng chênh lệch cho mỗi căn hộ.


Giá tăng, lượng người đến tìm hiểu khá đông, nhưng có rất ít giao dịch thành công, bởi giá nhà đất bị thổi lên cao quá sự mong đợi của người mua. Cũng theo nhận định của “cò” này thì, sau một thời gian BĐS “đóng băng”, nhiều người nghĩ rằng đây là thời điểm tốt để mua nhà, nhất là nhà tại những khu đô thị mới, hơi xa trung tâm và giá còn thấp.



Nắm bắt được tâm lý này, nhiều nhà đầu cơ đang tìm cách đẩy giá lên cao bán kiếm lời. “Cò” này cũng khẳng định, người mua nhà hiện nay đa số đều có nhu cầu mua để ở thật sự. Thu nhập của họ không cao nên họ thường tìm mua những căn hộ có giá từ 600 – 800 triệu.



Tuy nhiên, họ cũng đừng nghĩ sẽ mua được nhà với giá gốc, kể cả với những dự án nhận được sự trợ giúp từ gói kích cầu của Nhà nước. Thậm chí, ngay cả khi người mua tìm gặp được Ban quản lý thì cũng không thể mua được với giá gốc, vì bằng cách này cách khác, những căn hộ đều đã bị những nhà đầu cơ mua hết từ trước đó.



Cũng nóng không kém khu đô thị mới Văn Khê, khu đô thị mới Dịch Vọng, nhất là tại đoạn đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, giá BĐS đã tăng đến chóng mặt trong khoảng hai tháng trở lại đây.



Anh Nguyễn Thế Ngọc, Công ty Đầu tư tài chính Anh Đức có trụ sở trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài cho biết, giữa năm 2008, thị trường BĐS khu vực này gần như đóng băng, nhưng khoảng hai tháng trở lại đây, BĐS đã nóng trở lại. Cụ thể, giá đất ở đây có khu vực đã tăng thêm 5 triệu đồng/m2. Giá căn hộ cũng tăng lên rất nhiều.



Sự nóng trở lại của BĐS đã khiến càng nhiều người quan tâm đến đây tìm hiểu. Theo anh Ngọc thì trước Tết, trung tâm hầu như không có khách hỏi thăm, nhưng hai tháng trở lại đây, mỗi ngày trung tâm vẫn đón nhận khoảng 20 người đến thăm dò. Tuy vậy, giao dịch thành công thì rất ít.



Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa, Công ty Đầu tư tài chính Thăng Long, có địa chỉ cũng tại đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài cũng cho biết, khu vực Cầu Giấy, mà cụ thể là khu Dịch Vọng, giá BĐS từ tết đền giờ tăng đến chóng mặt.



Năm ngoái, công ty của chị mua được 3 suất trong một dự án nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài với giá 15 triệu đồng/m2. Trước tết, cái giá đó được cho là đắt, bán chẳng ai mua, thì một tháng trở lại đây, nó đã tăng lên 18 triệu đồng, dù chủ đầu tư mới đang tiến hành đóng cọc nhồi.



Cũng theo chị Hoa, thì đó chưa phải là mức tăng giá kỷ lục, bởi cách đó không xa, khu chung cư giãn dân Dịch Vọng, với giá khởi điểm chỉ từ 6-7 triệu, nhưng khi hoàn thiện, nó đã tăng lên 18-19 triệu đồng/m2.



Giải thích sự nóng lên của thị trường BĐS trong khu vực, chị Hoa cho rằng, sở dĩ giá nhà đất thời gian này đang nóng vì nó xuất hiện một vài dự án nhận được sự trợ giúp từ gói kích cầu của Chính phủ.



Trong khi nhu cầu mua nhà để ở trong dân rất cao mà những dự án nhà ở có sự trợ giá của Chính phủ còn rất ít nên nó bị đẩy giá là lẽ tất nhiên. Theo chị Hoa, nếu có nhu cầu mua nhà để ở thật sự, nên chờ đợi thêm một thời gian nữa, khi những dự án nhận được sự trợ giúp của gói kích cầu đồng loạt xuất hiện, giá nhà đất và căn hộ chắc chắn sẽ giảm chứ không sốt như bây giờ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *