Cà Mau: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm





Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, trên địa bàn tỉnh hiện có 178.000 giếng nước ngầm, tăng gấp 3 lần so với năm 2000; nguồn nước ngầm đang được khai thác, sử dụng với áp lực rất lớn. Đáng quan tâm là có trên 4.000 giếng đã hư hỏng, không còn sử dụng được nhưng việc quản lý, xử lý trám, lấp lại giếng không được tiến hành; các hộ dân chỉ rút ống nhựa lên để lại lỗ khoan sâu làm cho nước mặn, nước bẩn ngấm xuống tầng nước ngầm gây ô nhiễm.


Qua kết quả điều tra của ngành chức năng, nguồn nước ngầm ở tỉnh Cà Mau có trữ lượng lớn với 7 tầng chứa nước dưới đất, chất lượng đảm bảo cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp; tổng trữ lượng tiềm năng khai thác khoảng 6 triệu m3/ngày. Hiện nay, việc khai thác trái phép nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh khá lớn, sản lượng chiếm khoảng 1/30 trữ lượng tiềm năng khai thác; là nguy cơ ô nhiễm, xâm nhiễm mặn các tầng nước ngầm. Tại một số giếng khoan, nước đã bị nhiễm vi sinh, các chất hữu cơ, nhiễm phèn mặn như Trạm nước đường An Dương Vương (Phường 7), Lê Hồng Phong (Phường 8), Ấp 4 (Tắc Vân), ấp Đông Hòa (Hòa Tân), khu vực Trạm Y tế xã Tân Thành (thành phố Cà Mau) và một số vùng ven biển ở các huyện. Quá trình khai thác nước ngầm không được quy hoạch hợp lý sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, phá vỡ cân bằng tự nhiên giữa các tầng nước. Ngoài ra, việc khai thác các tầng nước không phù hợp cũng làm ảnh hưởng đến nền móng các công trình xây dựng, có thể gây đổ sập hoặc sụt lún…


Tỉnh Cà Mau hiện đang có kế hoạch trám, lấp những giếng nước bị hư hỏng nhằm khắc phục ô nhiễm nguồn nước ngầm; tăng cường quản lý, khai thác nước ngầm, hạn chế khai thác giếng lẻ; quy hoạch khai thác và cung cấp nước theo hệ thống địa bàn, cụm dân cư tập trung; quản lý, kiểm soát và nghiêm cấm các hộ vùng ngọt hóa khai thác tầng nước mặn lấy nước nuôi tôm./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *