Cần xác định đúng đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội


KTĐT – Việc xác định đúng đối tượng để nhà ở xã hội thực sự phát huy vai trò an sinh xã hội là điều TP Hà Nội cần tính toán kỹ lưỡng.

Hà Nội đang khởi động nhiều dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết  số 18/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại đô thị.


Bài toán về phân phối nhà ở xã hội đúng đối tượng… là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội thảo Nhà ở cho sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp do Hội Xây dựng TP Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị và Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội tổ chức tại Làng Sinh viên Hacinco trong ngày 28/8.


Nhà ở xã hội: thiếu và chưa đồng bộ


Theo kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2010, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 8.865 m2 nhà ở theo dự án, trong đó 1 triệu m2 là cải tạo chung cư cũ và 7.865m2 xây mới. Như vậy, dự kiến quỹ nhà cho người thu nhập thấp là 1,786 triệu m2, tương đương 35 ngàn căn hộ đạt chuẩn.


TS Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội đã chỉ rõ: cung về nhà ở trên địa bàn còn quá hạn hẹp cả về số lượng lẫn chất lượng, bình quân diện tích ở m2/đầu người còn quá thấp. Đặc biệt chất lượng nhà ở chưa đồng đều, kiểu dáng kiến trúc xây dựng nghèo nàn đơn điệu…


Trong khi đó, tốc độ tăng dân số cơ học ở Hà Nội đã vượt xa dự báo của các cơ quan chuyên môn. Nếu chiếu theo thu nhập bình quân đầu người ở Hà Nội hiện khoảng 10-15 triệu đồng/năm, khi giá nhà thấp nhất hiện cũng khoảng 300-400 triệu đồng/căn diện tích khoảng 50m2 thì với giá đất như hiện nay (gấp khoảng 25-30 lần thu nhập bình quân theo đầu người từng năm) thì một người làm việc ở Hà Nội phải mất 25-30 năm không tiêu dùng mới đủ tiền mua một căn nhà để ở.


Cần tính đến tiện ích của người sử dụng và qui hoạch đô thị 


Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: nhu cầu về nhà ở cho sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội từ nay đến năm 2015 là rất lớn. Dự báo đến năm 2015, tổng số sinh viên có khoảng 1 triệu người, đảm bảo chỗ ở cho 60% sinh viên của các trường, Hà Nội cần có tương đương 75.000 căn hộ, với khoảng 4.500.000 m2 sàn xây dựng, kinh phí là 26.100 tỷ đồng. Nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, để đáp ứng 50% nhu cầu của 230.000 công nhân, cần tương đương 28.700 căn hộ với 1.610.000m2 sàn, tổng mức đầu tư là 8.370 tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố, có khoảng 5% dân có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Hà Nội cần khoảng 15.500 căn hộ bình quân 70m2/căn hộ, tương ứng với 1,1 – 1,5 triệu m2 và tổng mức đầu tư khoảng 7.000 đến 9.000 tỷ đồng.


TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn nhấn mạnh, phải tránh sự khác biệt về không gian và điều kiện sống giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. TS Thuận cho rằng, quỹ đất ở các đô thị đang hạn hẹp, nếu xây 5, 6 tầng (theo quy định nhà ở xã hội không quá 6 tầng) chúng ta lại tạo ra một loạt khu chung cư cũ…


Nhiều đại diện các bộ, ban, ngành và chúng tôi rất đồng tình với đề xuất của TS Thuận là nhà ở xã hội nên là nhà ở chung cư theo kiểu nhiều tầng và cao tầng. Với các chung cư cao tầng xây dựng cho đối tượng thu nhập thấp có thể lồng ghép với các dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên cũng không vì nhà thu nhập thấp mà không lắp đặt thang máy vì theo tính toán thì chi phí thang máy không làm đội giá thành lên quá chênh lệch. Việc xác định đúng đối tượng để nhà ở xã hội thực sự phát huy vai trò an sinh xã hội là điều thành phố cần tính toán kỹ lưỡng.



Theo CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *