Chưa thông giải thích của UBND TP.HCM



Dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài:


TT – UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Xây dựng giải thích những vấn đề liên quan đến khiếu kiện của một số hộ dân đối với dự án đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài đoạn đi qua quận Tân Bình.








Khu đất của đoàn tiếp viên hàng không không phải giải tỏa theo quy hoạch tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài nhưng nay bị giải tỏa một phần do quy hoạch đường được điều chỉnh đi qua khu đất này – Ảnh: THUẬN THẮNG


Tại văn bản này, UBND TP khẳng định quá trình triển khai đầu tư dự án là công khai, minh bạch, đúng trình tự thủ tục, đúng thẩm quyền và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét hỗ trợ TP trong việc giải thích cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án hiểu và ủng hộ việc thực hiện dự án.


UBND TP.HCM: làm hai nhánh là tiết kiệm nhất


UBND TP đã viện dẫn hàng loạt cơ sở pháp lý để nói rằng việc điều chỉnh tuyến đường đoạn từ nút giao thông Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn là có cơ sở. Theo đó, đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9-1997 là 60m với một tuyến.







“Tôi không liên quan đến dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài, nhưng tôi thấy vấn đề của dự án này không chỉ là tính pháp lý của việc điều chỉnh quy hoạch mà nó còn không phù hợp với xu hướng phát triển của một thành phố hiện đại. Là một người dân, tôi rất ủng hộ phương án lựa chọn đường 60m với một tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997. Cách đây 12 năm, việc lựa chọn này là có tầm nhìn về lâu về dài. Tại sao nay lại điều chỉnh thu hẹp hơn?”


Đại tá NGUYỄN VĂN KƠ – nguyên trưởng phòng đào tạo Trường cao đẳng kỹ thuật Vinhem Pich

Đến tháng 7-2005 UBND TP có quyết định phê duyệt thay đổi hướng tuyến của đường này đoạn từ nút giao Trường Sơn (quận Tân Bình) đến nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) có hai nhánh, mỗi nhánh 20m (đoạn còn lại không thay đổi). Nhánh thứ nhất đi theo đường Hồng Hà, qua phần đất công viên Gia Định với lộ giới đã được quy định 20m và nhánh thứ hai đi theo đường Bạch Đằng với lộ giới 20m.


UBND TP khẳng định lựa chọn phương án tuyến theo hai nhánh nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất công tác giải phóng mặt bằng và có hiệu quả về kinh tế kỹ thuật.


Người dân: một tuyến có nhiều ưu điểm


Trao đổi với PV Tuổi Trẻ ngày 1-10, một số người dân ở phường 2, quận Tân Bình cho rằng nhiều nội dung giải thích của UBND TP về dự án vẫn chưa thuyết phục. Một người dân trưng ra văn bản ký ngày 7-10-2002 của Sở Giao thông công chính (nay là Sở Giao thông vận tải TP) giải thích lý do chọn phương án tuyến của dự án và đi theo một tuyến. Văn bản này nêu rất rõ: phương án tuyến được UBND TP chọn và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một tuyến, hướng tuyến không đi dọc theo đường Hồng Hà, không cắt ngang khu Trung tâm Huấn luyện hàng không, không đi qua công viên Gia Định. Chính Sở Giao thông công chính TP cũng giải thích hướng tuyến và phương án này có nhiều ưu điểm, trong đó nhấn mạnh: hướng tuyến đi trùng với quy hoạch của sân bay Tân Sơn Nhất tại đoạn đầu tuyến, đồng thời tránh giải tỏa gần 200 hộ dân và các cơ quan công sở lớn như Đoàn bay 919, Đoàn tiếp viên VN Airlines, Trung tâm Huấn luyện hàng không…


Do có những giải thích như vậy và người dân đồng tình (vì quy hoạch một tuyến đường thẳng, lộ giới 60m, có nhiều ưu điểm) nên nay UBND TP giải thích việc thay bằng hai nhánh nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất công tác giải phóng mặt bằng và có hiệu quả về kinh tế kỹ thuật đã khiến một số người dân chưa thấy thuyết phục. Đó là chưa kể người dân vẫn còn thắc mắc một số vấn đề về pháp lý và cơ sở của việc thay đổi hướng tuyến từ một tuyến lộ giới 60m thành hai nhánh (mỗi nhánh 20m) ở đoạn từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn.


Một số người dân còn nói nội dung giải trình của UBND TP gửi Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng cũng na ná như nội dung nhiều lần giải thích trước đây của các sở ngành chức năng. Trong nhiều năm qua, một số hộ dân ở phường 2, quận Tân Bình khiếu kiện các ngành chức năng TP đã tự ý điều chỉnh dự án mở tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi (đoạn đầu tuyến từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn), không tuân thủ quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997; làm trái quy hoạch, làm thiệt hại đến tài sản của nhân dân; việc thay đổi hướng tuyến nhằm mục đích hợp thức hóa các nhà xây dựng, lấn chiếm đất đai trái phép và có nhiều tiêu cực… Tháng 7-2009, với lý do việc khiếu kiện của nhân dân là có cơ sở nên thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP kiểm tra, làm rõ việc thay đổi tuyến đường để lựa chọn một phương án phù hợp nhằm chấm dứt khiếu kiện. Đáng tiếc là văn bản của UBND TP chưa giải tỏa được thắc mắc, bức xúc của nhiều người dân.


GIÁNG HƯƠNG







Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, Hội Kiến trúc sư TP.HCM:


Không hiểu lý do vì sao các cơ quan chức năng lại điều chỉnh dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài (đoạn từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn) từ một tuyến đường hai chiều thành hai tuyến đường một chiều. Tôi thấy có ba vấn đề cần đặt ra:


Thứ nhất, đây là tuyến đường vành đai, cần phải có lộ giới lớn để các phương tiện lưu thông hai chiều, xuyên suốt. Việc này cũng thuận lợi hơn khi tổ chức, điều tiết giao thông. Nếu chia dự án thành hai tuyến đường, mỗi tuyến một chiều thì việc lưu thông sẽ không thuận tiện, các phương tiện phải đi vòng khi muốn qua hướng bên kia, như vậy lưu lượng giao thông sẽ tăng lên. Tại các nước thường tổ chức giao thông một chiều ở các tuyến đường cũ, không thể mở rộng thêm (TP.HCM có đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ…), không làm đường một chiều đối với dự án mới.


Thứ hai, nếu làm hai tuyến đường một chiều thì một trong hai tuyến này phải băng qua công viên Gia Định và xẻ công viên theo chiều dọc. Điều này nên cân nhắc, không thể cứ thiếu đất làm giao thông là lấy công viên ra xẻ. Hiện nay khu vực nội thành TP không còn nhiều công viên, cây xanh nên cần phải nâng niu, gìn giữ.


Thứ ba, về mặt cảnh quan kiến trúc, nếu tuyến đường rộng và lưu thông hai chiều sẽ có điều kiện bố trí dải phân cách, trồng hoa; các dãy nhà hai bên đường được xây cao, to nên kiến trúc sẽ đẹp hơn so với tuyến lộ giới nhỏ, thường chỉ cho xây dựng nhà thấp tầng.


P.P.H. ghi


* Tin bài liên quan:


>> VNA: việc thu hồi đất dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài chưa đúng trình tự
>> Người dân nói gì?
>> Điều chỉnh để giảm giải tỏa
>> những gút mắc từ tuyến đầu
>> Dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi giải tỏa quá chậm
>> Sao không đền bù theo quy định mới?
>> Ba cơ quan của hàng không chưa chịu di dời
>> Báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất
>> Dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi: Hoàn tất bàn giao mặt bằng cuối tháng 11-2009

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *