Cơ khí đang… “thiếu lửa”

Thiếu lực lượng nhân công lành nghề, khâu tư vấn thiết kế vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt, thiếu hẳn các chuyên gia đầu ngành cho lĩnh vực cơ khí chế tạo dạng công trình sư, tổng công trình sư… đang là những khó khăn nội tại của ngành cơ khí.

Ngoài ra, cơ chế phát triển ngành này cũng đang bị “bó” khiến các sản phẩm cơ khí của VN hiện vẫn chỉ dừng lại ở trình độ gia công, lắp ráp hoặc chế tạo các thiết bị, máy móc cỡ nhỏ, giá trị gia tăng thấp.

Thiếu và yếu

Có lẽ đây là hai từ được các chuyên gia trong ngành cơ khí nói nhiều nhất khi đề câp thực trạng của ngành cơ khí hiện nay. Thực tế thì đa số các sản phẩm cơ khí của các DN trong nước hiện vẫn chủ yếu là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp, chưa hình thành được ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí. Chưa có được những nhà máy được trang bị đồng bộ dây chuyền tiên tiến… mà nguyên nhân của nó chính là việc thiếu vốn đầu tư.

Đa số các công trình lớn, máy móc đều phụ thuộc vào việc nhập khẩu, trong khi đó ngành công nghiệp phụ trợ lại yếu kém nên đa số các công trình đều phụ thuộc vào nhập khẩu cơ khí. Nêu ví dụ về vấn đề NĐH ngành cơ khí chế tạo, một chuyên gia cơ khí cho biết: trong số 21 nhà máy xi măng, chỉ có xi măng Sông Thao do LILAMA làm tổng thầu EpC là có tỷ lệ NĐH 40%, các dự án còn lại do trung Quốc làm tổng thầu thì tỷ lệ NĐH là… 0%. Nói về sự ì ạch của ngành cơ khí trong 10 năm qua, một chuyên gia của Hiệp hội Cơ khí cho biết: Mục tiêu mà chiến lược phát triển cơ khí đặt ra đến năm 2010 đáp ứng từ 45-50% giá trị thiết bị sản xuất trong nước đã không đạt được, mà nguyên nhân chính là thiếu một chính sách và chủ trương nhất quán trong việc xây dựng nền công nghiệp cơ khí; các bộ, ngành quản lý còn thiếu tập trung sâu sát, nên sau 10 năm, thực trạng cơ khí vẫn phân tán, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, khép kín…

Cần chính sách phát triển hợp lý

trước những khó khăn của ngành cơ khí hiện nay, ông Hoàng Chí Cường – Tổng Giám đốc TCty xây dựng công nghiệp VN kiến nghị: Nhà nước cần bảo lãnh tín dụng cho DN vay vốn, hoặc vay vốn lưu động cho chế tạo thiết bị cần vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài. Bên cạnh đó, để có thể phát triển ngành cơ khí, từ nay tới năm 2020, cần đầu tư và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực luyện kim, chế tạo phôi với công nghệ tiên tiến của thế giới để khắc phục tình trạng nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của ngành cơ khí. Đầu tư và kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo máy thay vì hiện nay các dự án chủ yếu liên doanh lắp ráp ôtô, xe máy.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Bắc Quân – phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (pV Shipyard), cho rằng, cần giao cho các DN trong nước đảm nhiệm các công việc mà có thể tự làm được, pV Shipyard kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ và giao cho pV Shipyard thực hiện các dự án chế tạo giàn khoan trong nước, kể cả các sản phẩm chuyên ngành liên quan khác như: giàn khai thác, giàn công nghệ trung tâm, tàu FSO, tàu chở dầu… tạo điều kiện để DN tích luỹ kinh nghiệm. “Đây cũng là tiền đề cho pV Shiyard chứng minh năng lực để có thể sẵn sàng tham gia cạnh tranh bình đẳng với các Cty/nhà thầu trong khu vực và trên thế giới” – ông Quân nói.

Để có thể phát triển và quản lý hiệu quả ngành cơ khí, Hiệp hội Cơ khí cho rằng, Bộ Công Thương cần thành lập Tổng cục Cơ khí để nâng cao năng lực thực hiện những quyết sách lớn đối với cơ khí nước nhà. Bên cạnh đó, bộ này cần làm đầu mối tổ chức xét duyệt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi khởi công các công trình và theo dõi chặt chẽ quá trình thi công, xây lắp các công trình. Đặc biệt phải đàm phán để sử dụng sản phẩm có khả năng thiết kế chế tạo trong nước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *