Hà Nội, nguy cơ hết nơi chôn rác










Cty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, hiện lượng rác thải tại Thủ đô ngày càng tăng mạnh, điểm tập kết rác thiếu trầm trọng, rác thải chủ yếu vẫn chỉ xử lý theo hình thức chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Đặc biệt, theo cảnh báo mới đây của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, hiện 3/5 bãi rác của TP sắp đầy, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, Hà Nội sẽ “ngập” trong vấn nạn rác thải.


Hiện 3/5 bãi rác của Hà Nội sắp đầy, nguy cơ “ngập” trong vấn nạn rác thải đang đe dọa đời sống người dân Thủ đô.








Chôn lấp rác đến bao giờ ?



Hiện mỗi ngày Hà Nội thải ra môi trường khoảng 5.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTR), trong đó 3.500 tấn là chất thải sinh hoạt đô thị và 1.500 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn. Đó là chưa kể  còn khoảng 750 tấn/ngày chất thải rắn công nghiệp. Việc xử lý, tiêu huỷ, tái chế các CTR này chủ yếu vẫn dựa vào chôn lấp tại các bãi: Nam Sơn (Sóc Sơn) với khối lượng trung bình khoảng 3.000 tấn/ngày, Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Xuân Sơn (Sơn Tây), Núi Thoong (Chương Mỹ) và Nhà máy xử lý rác Cầu Diễn, Seraphin Sơn Tây.



Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, hiện TP có 5 khu xử lý CTR tập trung thì có tới 3/5 bãi rác sắp lấp đầy. Như bãi chôn lấp CTR tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đã lấp đầy 6,5/9 ô chôn lấp và sẽ được lấp đầy vào năm 2011. Bãi chôn lấp CTR tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn cũng đã lấp đầy 10/11 ô chôn lấp, dự kiến vào cuối năm 2009 sẽ lấp đầy bãi. Bãi rác Núi Thoong hiện do Cty Môi trường đô thị Xuân Mai quản lý cũng đã lấp đầy ô số 1. Còn ô số 2 do gặp sự cố rỉ nước rác vào tháng 7/2008 nên đã phải thi công ngay ô số 3.



Đối với CTR công nghiệp hiện cũng mới chỉ thu gom khoảng 637 – 675 tấn/ngày và xử lý khoảng 60% lượng thu gom được. Như vậy, mỗi năm Hà Nội sẽ có khoảng 12.000 tấn CTR công nghiệp không được xử lý. Ngoài ra, một lượng lớn CTR sinh hoạt hàng ngày vẫn đang bị đổ trộm bừa bãi ứ đọng ngay tại các khu dân cư, các bãi rác lộ thiên tự phát vẫn tồn tại. Tình trạng thiếu bãi chôn lấp đang trở thành một khó khăn rất lớn đối với Hà Nội.






Phải xử lý rác bằng phương pháp lò đốt hiện đại



Hiện nay, phương pháp xử lý CTR trên địa bàn Hà Nội và cả nước nói chung chủ yếu vẫn là chôn lấp. Công nghệ này tuy giá thành rẻ nhưng tốn diện tích đất, không tạo khả năng thu hồi, tái chế, sử dụng lại nguồn tài nguyên rác, thậm chí còn kéo theo vấn đề xử lý nước rỉ rác gây ô nhiễm nguồn nước. Như trường hợp rò rỉ tại bãi chôn lấp số 2 tại Núi Thoong gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân. 



Theo ông Nguyễn Văn Khôi – Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, TP đang rất cần một cơ sở xử lý rác công nghiệp đúng tiêu chuẩn, xử lý được đa dạng CTR công nghiệp nguy hại. Để thực hiện được điều này, Hà Nội cần đầu tư nhà máy xử lý đốt rác 2.000 tấn vì nếu chôn lấp rác mãi thì không đủ đất và gây ô nhiễm môi trường.



Tuy nhiên, việc xử lý rác theo phương pháp đốt hiện đại vẫn đang tiếp tục phải… chờ. Nếu thuận lợi, thì phải đến 2010 Hà Nội mới có thể hoàn thành Dự án xây dựng lò đốt chất thải công nghiệp tại Nam Sơn công suất 50 tấn/ngđ. Còn việc xử lý CTR sinh hoạt, Hà Nội đã tiến hành đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Thanh Trì, công suất thiết kế xử lý khoảng 300 tấn rác thải sinh hoạt/ngày nhưng lại gặp khá nhiều trục trặc và chưa biết đến bao giờ mới khởi động được.



Để giải quyết vấn đề CTR, Hà Nội đang nhanh chóng hoàn thành quy hoạch về quản lý CTR; triển khai thêm một số mô hình thu gom, vận chuyển theo phương thức xã hội hoá phù hợp với đặc thù của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nông thôn. TP cũng đã giao cho các sở và các huyện khẩn trương trình địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải và công nghệ xử lý tại các huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên…; thí điểm chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo phương thức xã hội hoá. Mặt khác, TP đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư mở rộng khu xử lý CTR Nam Sơn, khu xử lý Xuân Sơn…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *