Hạ tầng giao thông đô thị: Không nên phân khúc quản lý riêng

Mới đây, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số nội dung về công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Theo đó, xem xét, quyết định chuyển nhiệm vụ quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trong đó bổ sung phần “chiếu sáng đường đô thị, thoát nước mặt đường đô thị, cây xanh đô thị” từ Sở Xây dựng sang Sở GTVT tại các địa phương.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia xây dựng luật thì đề xuất này của Bộ GTVT không phù hợp bởi các lý do cụ thể sau: Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như quy định tại Khoản 5, Khoản 6, Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 thì công trình chiếu sáng đô thị, thoát nước đô thị và cây xanh đô thị là một bộ phận của hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị.

Quy định tại Khoản 4, Khoản 13, Khoản 14, Điều 3 của Luật Quy hoạch đô thị thì các công trình hạ tầng kỹ thuật là một bộ phận quan trọng của đô thị cần được quy hoạch đồng bộ cùng với tổ chức không gian của đô thị nhằm tạo lập môi trường sống cho người dân sống và góp phần phát triển bền vững.

Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008, các lĩnh vực chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; cấp nước; thoát nước; chiếu sáng đô thị; công viên cây xanh; nghĩa trang; chất thải rắn thông thường; hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung) mà ngành Xây dựng được giao quản lý tại địa phương đang được quản lý thống nhất khá tốt và ổn định theo đúng quy định tại các luật, nghị định chuyên ngành và cũng không chỉ giới hạn trong khu vực đô thị mà còn bao gồm cả KCN, KKT, khu công nghệ cao và thậm chí là cả các điểm dân cư nông thôn (lĩnh vực quản lý chất thải rắn).

Trong các lĩnh vực chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nêu trên, chỉ có lĩnh vực kết cấu giao thông đô thị là đang có sự giao thoa, chồng lấn giữa ngành Xây dựng với ngành GTVT.

Căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, từ thực tiễn quản lý cũng như qua nghiên cứu, trao đổi giữa Bộ Xây dựng và Bộ GTVT cho thấy, nếu chỉ giao cho một ngành (Xây dựng hoặc GTVT) quản lý thống nhất và thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về kết cấu giao thông đô thị đều không phù hợp mà cần phân giao theo từng nhóm nhiệm vụ quản lý Nhà nước.

Vì vậy, trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, Chính phủ đã phân công lại nhiệm vụ giữa 2 Bộ (theo quy định tại Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT và Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng).

Cụ thể: Bộ Xây dựng chủ trì quản lý về quy hoạch và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật (Bộ GTVT phối hợp); Bộ GTVT chủ trì việc quản lý sử dụng, khai thác, bảo trì (Bộ Xây dựng phối hợp). Việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đô thị do các chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng hiện hành.

Đường đô thị với vai trò là bộ khung chính không chỉ giữ chức năng phục vụ giao thông (như đối với đường ngoài đô thị) mà còn được quy hoạch là nơi bố trí hầu hết các công trình hạ tầng kỹ thuật như cấp nước, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, điện lực, thông tin liên lạc, cấp năng lượng …

Các hạng mục chiếu sáng đường đô thị, thoát nước mặt đường đô thị, cây xanh đô thị chỉ là một bộ phận trong hệ thống có cùng chức năng như: Chiếu sáng đường đô thị là bộ phận của chiếu sáng đô thị; cây xanh đường đô thị là bộ phận của cây xanh, công viên đô thị; thoát nước mặt đường đô thị là một bộ phận của hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Các hạng mục này là bộ phận trong hệ thống có tính mạng lưới, kết nối và đồng bộ, vì vậy không thể chia cắt hay phân khúc để quản lý riêng.

Việc quản lý các hạng mục này đòi hỏi phải thống nhất, gắn liền với quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, có quy hoạch chi tiết trong quy hoạch đô thị tổng thể nhằm đảm bảo tổ chức không gian đô thị phát triển bền vững.

Trong khi ở Trung ương, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng và phát triển đô thị trong đó bao gồm cả việc quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị từ các Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994, Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003, Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 và đến nay là Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013, nếu ở một số địa phương giao cho Sở GTVT quản lý sẽ dẫn đến tình trạng không thống nhất, gây khó khăn cho cả ngành Xây dựng và ngành GTVT, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Quy định như vậy là trái với các luật, nghị định chuyên ngành, trong đó đã quy định chức năng quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị là của ngành Xây dựng.

Thực tế công tác quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các địa phương, trên cơ sở Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn do Bộ Xây dựng ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, hầu hết tại các UBND cấp tỉnh đều đã triển khai thực hiện đúng việc phân giao chức năng, nhiệm vụ quản lý về hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định tại Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, chỉ còn một số ít vướng mắc tại một số TP trực thuộc Trung ương. Như vậy, quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị về cơ bản là thống nhất.

Để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, đảm bảo thống nhất quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, một số chuyên gia cho rằng: Nên giữ nguyên việc quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, nghĩa trang, chất thải rắn thông thường) là chức năng của ngành Xây dựng, ở Trung ương là Bộ Xây dựng, ở địa phương là Sở Xây dựng, kể cả tại các TP trực thuộc Trung ương.

(Theo Báo Xây dựng)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *