Hấp dẫn thị trường bán lẻ Việt Nam








Việt Nam đang trở thành thị trường đầu tư BĐS bán lẻ hấp dẫn trong nhóm thị trường đang nổi và là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào Việt Nam. Hơn nữa, theo cam kết gia nhập WTO, các DN bán lẻ có 100% vốn nước ngoài được phép hoạt động tại thị trường Việt Nam. Như vậy các nhà bán lẻ nước ngoài đang được “tiếp sức” để cạnh tranh với các DN bán lẻ trong nước, thông qua việc thuê mặt bằng các trung tâm thương mại.



Theo thống kê của các nhà kinh doanh bán lẻ thì Việt Nam đứng thứ 63 trên 67 nhà kinh doanh bán lẻ trên thị trường bán lẻ. Tuy vậy, theo báo cáo của Tập đoàn A.T. Kearney, Việt Nam được coi là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trong số 30 nước thuộc nhóm thị trường đang nổi lên. Ngành bán lẻ của Việt Nam với quy mô trên 900 ngàn tỷ đồng được hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai chắc chắn vẫn sẽ là một điểm hội tụ lý tưởng cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.



Những năm gần đây, đời sống của người dân tăng lên đáng kể, do đó người dân đô thị đi mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại đã trở nên phổ biến. Tại TP.HCM, tổng diện tích sàn mặt bằng bán lẻ cho đến nay là 210.323 m2 ở 17 trung tâm thương mại, trung tâm thương mại tổng hợp đa chức năng. Nhưng trong 3 năm tới số lượng sẽ tăng lên khoảng 350.000m2 mặt bằng sàn bán lẻ. Giá cả ở mỗi một khu vực cho thuê một khác, gần các khu trung tâm tập trung đông dân số, vị trí tốt đắc địa thì giá thuê sẽ cao hơn những khu lân cận. Trong quý 1/2009, giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm trung bình ở mức 1,53 triệu đ/tháng/m2, giá cao nhất đối với những vị trí có mặt tiền đẹp của các khu trung tâm lên tới 4,5 triệu đ/tháng/m2, trong khi giá thuê ở các quận ngoài khu vực trung tâm trung bình chỉ khoảng 720 nghìn đ/tháng/m2.



Ông Richard Leech – Giám đốc điều hành Cty CBRE Việt Nam nhận xét: Thị trường bán lẻ ở Việt Nam rất có tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cần phải xem lại giá thuê cho hợp lý và cấu trúc trung tâm thương mại cho phù hợp với nhu cầu khách thuê. Chủ tòa nhà cần phải xem xét giá của thị trường hiện tại để đạt được giá thuê gần giá thị trường.



Hiện nay, các trung tâm thương mại cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu; nâng cấp hạ tầng, trang trí bên trong và bên ngoài khu mua sắm. Hơn nữa, các trung tâm thương mại không còn tập trung ở những quận trung tâm nữa mà đã giãn ra ở vùng phụ cận để có mặt bằng lớn, có chỗ đậu xe. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều mặt bằng bán lẻ như Promenada ở tỉnh Bình Dương (82.000m2), Sunrise City ở Q.7 (30.000m2), The Flemington ở Q.11 (25.458m2), Platinum Plaza tại Bình Chánh (140.000 m2), cao ốc Bitexco Q.1 (5.000 m2)… Các trung tâm thương mại này hoàn thành sẽ thu hút được các thương hiệu lớn vào kinh doanh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *