Hình thành tập đoàn kinh tế theo mô hình Cty mẹ – Cty con: Những vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi (bài 3)







Bài 3: Phân loại các tập đoàn kinh tế





Có nhiều cách để phân loại tập đoàn kinh tế (TĐKT), tuy nhiên tiêu chí quan trọng nhất là các dạng liên kết trong TĐKT. Đa số các nhà nghiên cứu đều thống nhất phân loại theo những tiêu chí sau đây:




1 – Theo trình độ liên kết:




Theo trình độ liên kết là tiêu chí phân loại các TĐKT dựa trên mức độ chặt chẽ của sự liên kết. Ở mỗi trình độ liên kết, tập đoàn được gọi bằng những tên khác nhau. Từ thấp đến cao, từ lỏng lẻo đến chặt chẽ có các hình thức biểu hiện và được gọi bằng những tên khác nhau. Những tên gọi thường gặp như: Cartel; Syndicate; Trust; Consortium; Concern; Conglomerate…




2 – Theo tính chất ngành nghề của sự liên kết




a) TĐKT liên kết theo chiều ngang:



Là TĐKT liên kết những DN cùng một ngành, ví dụ: các DN trong ngành giấy, ngành xây dựng, chế tạo ôtô, điện tử, sản xuất thức ăn chăn nuôi, nước giải khát… thỏa thuận với nhau về thị trường, giá bán, các hình thức khuyến mãi… Hình thức này chủ yếu là những Cartel, Syndicate, Trust, Keiretsu… xuất hiện vào thế kỷ thứ XXI. Đến nay, hình thức này còn tồn tại rất ít do Luật Cạnh tranh và Luật Chống độc quyền không cho phép hình thành.



b) TĐKT liên kết theo chiều dọc:



Là TĐKT hình thành do sự liên kết của các DN trong cùng một dây chuyền công nghệ hoặc quy trình sản xuất. Sự liên kết theo chiều dọc tức là các liên kết gắn liền với quy trình sản xuất, quy trình công nghệ. Sự hình thành và phát triển của Tập đoàn Mitsubishi là ví dụ chứng minh sinh động nhất cho dạng liên kết này. Ban đầu, Mitsubishi chỉ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Song, để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, Mitsubishi đầu tư hình thành Cty con trong lĩnh vực luyện kim. Đến lượt nó, để chủ động nguồn quặng cho luyện kim, Mitsubishi lại tiếp tục đầu tư hình thành Cty con trong lĩnh vực khai khoáng. Quặng và kim loại là những sản phẩm có trọng lượng lớn, việc vận chuyển và chi phí vận chuyển trở thành quan trọng, do đó Mitsubishi tiếp tục đầu tư thành lập Cty con trong lĩnh vực vận tải… Kết quả là, Tập đoàn Mitsubishi hình thành, là tập đoàn kinh doanh đa ngành nhưng tất cả vẫn tập trung phục vụ cho ngành kinh doanh mũi nhọn, truyền thống của Mitsubishi.



Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại khá nhiều tập đoàn dạng này như các Concern, Conglomerate, Chaebol…. Đây là hình thức tập đoàn cho hiệu quả cao, có khả năng bành trướng hoạt động trong một phạm vi rộng và trở thành tập đoàn đa quốc gia nhưng không bị ảnh hưởng của Luật cạnh tranh và Luật chống độc quyền.



Trong khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay, đã xuất hiện những dấu hiệu cơ bản, ban đầu về một số tập đoàn được hình thành qua liên kết theo chiều dọc như Việt Á, Hòa Phát, Vạn Lợi.v.v. Trong đó biểu hiện rõ hơn cả là tập đoàn thép Vạn Lợi. Từ hoạt động kinh doanh đơn thuần ban đầu là kinh doanh thương mại trong lĩnh vực phế liệu và sắt, thép xây dựng, Vạn Lợi đã hình thành các Cty con để cán thép. Sau một thời gian hoạt động, Vạn Lợi tiếp tục hình thành các Cty con trong sản xuất phôi thép. Đến nay, Vạn Lợi đã vươn tới lĩnh vực khai thác quặng để phục vụ việc sản xuất phôi đồng thời hình thành các Liên hợp gang thép trong tập đoàn, sản xuất cả những sản phẩm phụ trợ quan trọng cho quá trình luyện kim, luyện phôi và cán thép như khí oxy, mangan…



c) TĐKT liên kết hỗn hợp:



Đây là một hình thức liên kết đa ngành hình thành một TĐKT mạnh, với quy mô lớn. Trong các tập đoàn liên kết hỗn hợp có cả hai loại liên kết theo chiều ngang và liên kết theo chiều dọc.



Trong tập đoàn có các Cty quan hệ với nhau về sản phẩm hay dịch vụ bổ trợ cho nhau hoặc các sản phẩm cho cùng một nhóm khách hàng hoặc cùng nhóm mục tiêu sử dụng. Trong TĐKT loại này, ngoài các DN sản xuất, thường có một ngân hàng (hoặc Cty tài chính) và một Cty thương mại chung cho cả tập đoàn. Hiện nay đây là mô hình chủ yếu của các tập đoàn lớn trên thế giới. Ví dụ: Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) vừa có các Cty liên kết theo chiều dọc như các Cty khai khoáng – Cty luyện kim – Cty chế tạo, vừa có các Cty liên kết theo chiều ngang như các Cty luyện kim, sản xuất ô tô, đóng tàu tại các quốc gia khác nhau…



3 – Theo phương thức hình thành



a) TĐKT hình thành thông qua các hợp đồng/hiệp ước hay còn gọi là “liên kết mềm”.



TĐKT loại này có những đặc trưng sau:



– Mối liên kết giữa các Cty trong tập đoàn không chặt chẽ;



– Các hiệp ước hoặc hợp đồng thoả thuận về những nguyên tắc chung trong SXKD giữa các Cty thành viên như: xác định quy mô sản xuất; hợp tác nghiên cứu và trao đổi bằng phát minh sáng chế kỹ thuật, quy định giá cả và thị trường tiêu thụ…;



– Thường có một Ban quản trị điều hành các hoạt động của tập đoàn theo một đường lối chung, thống nhất;



– Các Cty thành viên vẫn giữ nguyên tính độc lập về tổ chức và thương mại.



b) TĐKT hình thành thông qua đầu tư vốn, sáp nhập hay còn gọi là “liên kết cứng”.



TĐKT loại này có những đặc trưng sau:



– Được hình thành dưới dạng đa sở hữu, thông thường là có một Cty đầu tư vốn vào các Cty khác ở mức độ chi phối và trở thành Cty mẹ.



– Các Cty thành viên kết hợp trong một tổ chức thống nhất và bị Cty mẹ kiểm soát về tài chính và thương mại;



– Các Cty thành viên thường hoạt động trong cùng ngành sản xuất hoặc có liên quan với nhau về công nghệ sản xuất, bổ sung cho nhau trong một quá trình gia công, chế biến liên tục, thống nhất trong tập đoàn.



Trong thực tế hiện nay, hình thức “liên kết cứng” và “liên kết mềm” thường đan xen lẫn nhau trong một tập đoàn. Một bộ phận Cty thành viên chấp nhận bị kiểm soát/chi phối ở mức độ cao, tức là chấp nhận “liên kết cứng” và trở thành Cty con trong tập đoàn, một bộ phận khác thực hiện “liên kết mềm” và trở thành Cty liên kết.



c, TĐKT hình thành trên cơ sở thống nhất và kiểm soát về tài chính hay còn gọi là “liên kết tài chính”.



TĐKT loại này có những đặc trưng sau:



– Các Cty thành viên ký kết các hiệp định về tài chính hình thành một Cty tài chính chung;



– Cty tài chính trở thành Cty mẹ trong tập đoàn;



– Các Cty thành viên vẫn độc lập và hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như sản xuất, thương mại và dịch vụ;



– Cty mẹ kiểm soát các Cty thành viên qua việc kiểm soát tài chính và các hoạt động tín dụng.




Kỳ sau: Những đặc trưng cơ bản của TĐKT




 


Luật gia Vũ Xuân Tiền
Tổng giám đốc Cty CP Tư  vấn Quản lý và Đào tạo VFAM Việt Nam



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *