Quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản ở Đồng Nai còn nhiều bất cập





Tỉnh Đồng Nai hiện có 41 mỏ khoáng sản còn hạn hoạt động gồm 25 mỏ đá xây dựng, 1 mỏ đá puzơlan, 1 mỏ đá granit, 1 mỏ laterit, 5 mỏ cát xây dựng, 5 mỏ sét gạch ngói và 3 mỏ vật liệu san lấp. Trong năm 2008, sản lượng khai thác đá xây dựng lên tới hơn 14,4 triệu m3, cát xây dựng hơn 198.300 m3, vật liệu san lấp gần 600.000 m3… góp phần đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho các công trình xây dựng dân dụng và giao thông lớn của tỉnh. Thế nhưng thời gian qua, một số đơn vị được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) lại chưa chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về khoáng sản, gây khó khăn trong việc quản lý TNKS.

Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, công tác thẩm định thiết kế cơ sở dự án khai thác TNKS, hướng dẫn kỹ thuật và kiểm tra an toàn khai thác mỏ là do Sở Công thương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc thẩm định thiết kế chỉ dừng lại ở những công trình đang khai thác, mà chưa đi sâu kiểm tra hiệu quả đối với dây chuyền công nghệ chế biến; cũng như phương án kiến trúc xây dựng nhà xưởng, sân bãi phụ trợ, mạng hạ tầng kỹ thuật… đối với các đơn vị đang khai thác TNKS. Do đó đến nay, một số mỏ chưa tuân thủ thiết kế và quy phạm an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên. Bên cạnh đó, nhiều mỏ không thực hiện phương án phục hồi môi trường theo phân kỳ khai thác, dẫn đến chỗ góc dốc bờ của mỏ khai thác lớn hơn 60 độ. Bà Quách Ngọc Lan, Trưởng ban Kinh tế – ngân sách HĐND tỉnh Đồng Nai bức xúc: Quá trình khảo sát, giám sát trong thời gian gần đây tại một số địa phương có khai thác TNKS cho thấy có nhiều vấn đề còn tồn tại, trong đó hầu hết các DN đang khai thác mỏ không xây dựng đường chuyên dùng riêng để phục vụ khai thác mỏ, mà sử dụng chung với đường giao thông. Điều này làm ảnh hưởng đến môi trường và an toàn giao thông của người dân địa phương. Đáng kể là ở huyện Long Thành, một số khu vực mỏ sau khi khai thác đã có độ sâu từ 27 mét đến 32 mét, vượt mức cho phép là 20 mét. Tại huyện Định Quán, một số mỏ đã kết thúc khai thác nhưng chưa lập thủ tục đóng cửa để bàn giao cho địa phương quản lý. Cũng tại địa phương này, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn xảy ra. Hay như tại Công ty Đồng Tân, hoạt động khai thác TNKS đã gây ô nhiễm môi trường vì xe vận chuyển cát quá tải, làm rơi vãi trên đường. Hay như doanh nghiệp Vĩnh Hải, qua thời gian khai thác, một số khu vực mỏ có độ sâu vượt mức cho phép, đường vận chuyển hẹp, vành đai an toàn chưa phù hợp và các tầng khai thác quá cao, chưa đúng với thiết kế. Năm 2008, Sở Tài nguyên và môi trường xử phạt Doanh nghiệp Vĩnh Hải 10 triệu đồng do không thực hiện đúng thiết kế khai thác, nhưng đến nay nơi đây vẫn chưa khắc phục vi phạm…

Về tình hình thu ngân sách đối với hoạt động khai thác TNKS, Cục Thuế Đồng Nai cho biết, trong 3 năm trở lại đây, tình hình thu thuế TNKS có tiến bộ. Cụ thể: Năm 2006, toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp nộp thuế TNKS với tổng số tiền trên 36 tỷ đồng, gồm thuế tài nguyên là 10 tỷ đồng; thuế đất gần 1,9 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường là hơn 24 tỷ đồng. Năm 2007, cũng với 35 doanh nghiệp đã nộp trên 44 tỷ đồng thuế và đến năm 2008 số thu thuế TNKS là 52 tỷ đồng. Song theo ngành thuế, số thu nộp ngân sách sẽ còn cao hơn nếu công tác quản lý nhà nước chặt chẽ, đạt hiệu quả. Cũng theo Cục Thuế Đồng Nai, các DN đang khai thác mỏ chưa thực hiện báo cáo đầy đủ các thông tin cần thiết theo đúng nội dung và biểu mẫu như yêu cầu của ngành thuế. Mặt khác, nhiều DN chưa thực hiện hạch toán đầy đủ sản lượng khai thác, dẫn đến việc xác định giá bán các loại sản phẩm từ TNKS chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp. Bên cạnh đó, một số DN chưa thực hiện tốt việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác TNKS nên việc kê khai thuế chưa đầy đủ, không kịp thời như quy định. Nhận định về việc thu thuế khai thác TNKS thời gian qua trên địa bàn Đồng Nai, ông Huỳnh Văn Huệ, Phó giám đốc Sở Tài chính cho rằng, công tác quản lý của ngành thuế mới chỉ thông qua số liệu tự kê khai của DN, mà chưa đi sâu kiểm tra các DN hoạt động khai thác TNKS. Một nguyên nhân khác, là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách liên quan đến khai thác mỏ đến các DN chưa kịp thời… nên vẫn để xảy ra tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực TNKS. Theo bà Quách Ngọc Lan, lâu nay tình trạng quản lý khai thác TNKS còn buông lỏng. Cho nên các doanh nghiệp khai thác mỏ dù không chấp hành nghiêm túc các quy định về Luật Khoáng sản nhưng vẫn tồn tại. Các cơ quan chức năng liên quan dường như thiếu sự phối hợp kiểm tra chặt chẽ nên về mặt quản lý nhà nước chưa tốt. Để kịp thời chấn chỉnh hoạt động TNKS, các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương nơi có mỏ cần phải thường xuyên kiểm tra hoạt động của các DN khai thác mỏ nhằm sớm phát hiện, xử lý những vi phạm. Đối với một số mỏ chưa chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường, làm hư hại đường sá, gây bụi và tiếng ồn, đề nghị UBND tỉnh khi cấp phép khai thác TNKS cho các tổ chức, cá nhân nên có điều kiện ràng buộc là phải đầu tư đường chuyên dùng. Đối với đường giao thông bị xuống cấp do chuyên chở vật liệu xây dựng, yêu cầu DN hoạt động khai thác khoáng sản phải đầu tư, cải tạo lại…

UBND Tỉnh Đồng Nai cho biết: Trong quá trình hoạt động khai thác mỏ, một số đơn vị, nhất là các đơn vị khai thác đá xây dựng đã tiến hành không đúng với thiết kế cơ sở được duyệt; việc đảm bảo vệ sinh môi trường chưa được thực hiện xuyên suốt, vẫn còn một số trường hợp gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực. Công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng khai thác trái phép tại các địa phương vẫn còn xảy ra, việc xử lý vi phạm của các địa phương chưa kiên quyết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *