Không quản mà cũng chẳng trị





Vừa rồi, báo chí đưa tin ông Chủ tịch HĐQT Cty CP Xây dựng đường bộ số 1 Hà Tĩnh đã có đơn tố cáo Giám đốc và kế toán Cty có nhiều sai phạm trong việc quản lý chứng từ, tài chính… nhằm biển thủ tiền của Cty. Theo tố cáo của ông, hàng chục tỷ đồng đã bị chi sai nguyên tắc và không có chứng từ hợp pháp, nhiều khoản chi khống hoặc bị nâng giá để biến lãi thành lỗ… Trước đơn thư của ông, Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc.


Câu chuyện trên mới nghe dường như chẳng có gì phải bàn nhưng thực ra lại là một chuyện rất đáng bàn, vì đây là đơn thư tố cáo của một vị Chủ tịch HĐQT, tức là ông đã hoàn toàn bất lực, hoặc nói chính xác là toàn bộ HĐQT đã bất lực, không quản mà cũng chẳng trị được những người nằm trong thẩm quyền của mình. Đúng ra theo luật định, với quyền lực của mình và đa số các thành viên của HĐQT, “vị” giám đốc kia phải đứng sang một bên ngay tức khắc nếu sự việc đúng như ông đã nêu. Nhưng trong trường hợp này, ông đã phải đi “cầu viện” từ bên ngoài.


Thực ra, căn bệnh “trên bảo dưới không nghe” đang trở nên phổ biến ở nhiều Cty CP mà vốn Nhà nước đang nắm lượng lớn cổ phần. HĐQT được đặt ra như những người theo dõi, tập hợp thông tin và… bất lực trước mọi hoạt động của giám đốc. Xin nêu thí dụ khá điển hình mới đây ở Cty CP Seaprodex Hà Nội. Một HĐQT rất oách gồm 5 người, có cả một Ban kiểm soát đầy năng lực, phát hiện ra Tổng giám đốc làm ăn có nhiều khuất tất, làm thiệt hại cho Cty hàng chục tỷ đồng, liền biểu quyết với đa số phiếu bãi chức Tổng giám đốc. Thế nhưng cái biểu quyết hoàn toàn có hiệu lực theo luật định ấy lại không có hiệu lực tại Cty chỉ vì “Cty mẹ” là TCty Thuỷ sản… không đồng ý. Và thế là vị Tổng giám đốc cứ ngồi điều hành và cơ quan công an phải vào cuộc.


Trong kinh doanh, ai cũng biết rằng mọi hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định quản trị doanh nghiệp và việc lựa chọn chính xác Giám đốc điều hành (CEO) có tính chất sống còn. Nhưng trong những Cty “nửa nạc nửa mỡ” như nêu trên khiến cho mọi nguyên tắc quản trị Cty đã bị đổ vỡ mặc dù Luật Doanh nghiệp đã quy định rất rõ ràng.


Có ý kiến cho rằng hiện nay, quyền lực quản trị các Cty CP có vốn Nhà nước chiếm phần lớn vẫn bị chia năm sẻ bảy bởi nhiều cơ quan quản lý Nhà nước. Việc này khiến cho sự năng động cần thiết của một đơn vị kinh doanh đã bị tước đoạt không giấy tờ, không văn bản mà sự bất lực của HĐQT  Cty CP Xây dựng đường bộ số 1 Hà Tĩnh và Cty CP Seaprodex Hà Nội chỉ là những ví dụ cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *