Lò vòng kiểu “dã chiến”: Bước thụt lùi trong sản xuất gạch nung





Đầu năm 2008, ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bình Thuận, Tây Ninh và một số địa phương khác sản xuất gạch xây theo kiểu “lò vòng” không nóc nhưng các ông chủ sản xuất gạch kiểu này đặt cho nó cái tên “lò tuynen công nghệ Hoffmann”. Họ quảng cáo rằng loại lò này tiết kiệm năng lượng, đầu tư rẻ, giá thành sản xuất hạ, xứng đáng là “mô hình kết hợp từ hai loại lò tuynen và lò vòng Hoffmann với ưu điểm nổi bật là thân thiện môi trường”. Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam nhận thấy cần phải nêu rõ để dư luận được minh bạch về công nghệ cũng như các tác hại khác của mô hình này để các địa phương cũng như chủ đầu tư có sự lựa chọn phương án đầu tư phù hợp với tiến bộ kỹ thuật và hiệu quả nhiều mặt. Sự thật là thế nào?



Thụt lùi so với cả… lò vòng Hoffmann đích thực


Cái tên “Lò vòng dã chiến” là do chúng tôi tạm đặt để bạn đọc dễ phân biệt giữa các loại lò Hoffmann trá hình với lò tuynen hiện đại. Gọi là “dã chiến” vì lò vòng kiểu loại này không có nắp, tạm bợ như công nghệ sản xuất thời chiến.



“Lò vòng dã chiến“ – công nghệ quá cũ kỹ, lạc hậu,
tạo ra sản phẩm chất lượng xấu, gây nên lãng phí xã hội.


Lò vòng (đích thực) còn được gọi là lò Hoffmann do ông Friedrich Hoffmann người Đức chế tạo được cấp bằng sáng chế năm 1858, hoạt động theo nguyên tắc: Ngọn lửa di chuyển theo vòng lò nhờ các kênh hút chìm dưới nền lò và nổi trên mặt nền lò nối vào hệ thống các van thông với kênh khí ở giữa lò để đưa khói thải ra ống khói. Nhưng ngay cả sản xuất với công nghệ lạc hậu như vậy thì loại lò vòng từ giữa thế kỷ XIX này còn có nóc để hạn chế mất nhiệt và ô nhiễm, còn “lò vòng dã chiến” hiện nay chỉ có nóc tạm bợ, gọi là nóc nhưng thực ra là lớp tro xỉ lấp lên khi gạch mộc mới xếp vào lò và cào dọn ra khi gạch đã chín. Điều này cho thấy luận điệu “Đây là mô hình kết hợp từ hai loại lò tuynen và lò vòng Hoffmann” là thiếu căn cứ. Càng vô lối hơn khi cố gán ghép lò dã chiến với lò tuynen, bởi không hề có dính dáng về công nghệ, bởi tuynen là một kênh hầm sản xuất thông suốt có nóc kín với cơ chế vận hành khác xa lò vòng.



Đã khai tử lò vòng từ năm 1990 trở về trước


Cách đây khoảng 20 năm, tất cả các lò vòng ở Việt Nam đều bị đập bỏ bởi những nhược điểm khó khắc phục của nó. Những lò vòng có nóc xây dựng quy mô bởi Bộ Xây dựng, hoặc các Ty, Sở Xây dựng địa phương chỉ còn là chuyện của quá khứ. Người ta dỡ bỏ vì lò vòng mặc dù có nóc nhưng hiệu quả không cao, hao tốn nhiệt và lao động cực nhọc vì phải đẩy xe gạch vào xếp lò, rồi dỡ gạch ra trong điều kiện nóng và bụi.


Sở dĩ công nghệ lò vòng buộc phải nhường chỗ cho công nghệ nung tuynen vì yếu điểm tiêu hao nhiệt lớn. Ngọn lửa chạy quanh vòng lò, ngoài “nhiệm vụ” đốt nóng nung chín gạch còn phải đốt nóng tường lò (dày từ 1,3 – 1,5m). Vỏ lò nóng lên rồi lại nguội đi nhiều lần liên tục sau khi ngọn lửa nung gạch chạy qua. Trong khi đó ở lò tuynen hoặc lò đứng liên tục chỉ tích luỹ nhiệt ở tường lò có một lần. Hơn nữa, lò vòng “dã chiến” có nóc tạo bằng tro xỉ không thể phủ dày như vòm lò cố định, do đó hao phí nhiệt qua nóc cũng rất lớn. Chưa kể, một lượng tro xỉ lớn dùng để lấp lên và cào xuống liên tục thì làm sao không bụi và độc hại, ô nhiễm môi trường làm việc?


Việc đẩy được khói thoát lên cao của lò vòng cũng phải chấp nhận việc hao tốn nhiệt lớn hơn nhiều so với lò tuynen. Thông thường để ống khói cao khoảng 50m hút được tốt thì nhiệt độ ở đáy ống khói phải khoảng 1500C vì cứ lên cao 1m nhiệt độ khói lại giảm đi từ 1,5 – 20C. Như vậy nhiệt độ khói thoát ra khỏi vùng gạch đang nung đốt phải khoảng 2000C (trái ngược hẳn với lò tuynen, khói thải ra chỉ khoảng 300C vì hầu hết được quạt đẩy đưa sang lò sấy để tận dụng nhiệt phục vụ việc sấy gạch mộc).


Với nóc lò phủ bằng tro xỉ, tường lò tạm bợ, với việc trộn than vào đất là cách duy nhất, không có sự điều chỉnh thêm nhiên liệu để đảm bảo nhiệt độ nung ổn định…  rõ ràng không thể có chất lượng tốt từ gạch nung ở lò vòng “dã chiến”. Vì vậy, gọi lò kiểu này với cái tên là “Lò tuynen công nghệ Hoffmann” là người ta muốn “quàng” thêm cái tên tuynen vào để dễ lẫn lộn với sản phẩm gạch nung từ lò tuynen – một loại lò thông dụng tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Chưa hết, các ông chủ còn ghi trên viên gạch của mình mác “VIGLACERA” để người tiêu dùng dễ lẫn với một sản phẩm gạch tuynen mang thương hiệu tốt.



Phép đối chứng và kiến nghị 


Hiện, các chỉ tiêu mà các chủ sản xuất tự công bố hoặc tư vấn đưa ra đều rất hấp dẫn để cổ vũ cho lò Hoffmann “dã chiến”. Thực chất lại không phải như vậy vì kích thước sản phẩm khá nhỏ, chỉ bằng khoảng 70% so với gạch tiêu chuẩn, do đó để đạt được 1m3 xây, số gạch phải dùng tăng lên tới 25 – 30%. Như vậy, dùng gạch này không những chất lượng đã kém mà chi phí công trình khác cũng tăng lên (cát, xi măng, vôi vữa…). Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam cho hay, lò vòng “dã chiến” được dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam từ đầu năm 2008. Mô hình này đã “trình diễn” một công nghệ quá cũ kỹ, lạc hậu, tạo ra sản phẩm chất lượng xấu, gây nên lãng phí xã hội. Vì vậy đề nghị các địa phương, trong kế hoạch phát triển công nghiệp – thủ công nghiệp, đặc biệt với chương trình khuyến công từ các sở ban ngành ở địa phương không nên khuyến khích việc đầu tư mô hình lò loại này mà nên đầu tư các mô hình lò gạch liên tục kiểu khác, ví dụ như lò tuynen (hoặc cũng có thể là lò đứng liên tục VSBK – còn gọi là lò Bách Khoa) với công suất phù hợp với khả năng vốn và mức độ tiêu thụ của thị trường. Đó chính là sự chấp hành thiết thực, có hiệu quả Quyết định số 115/2001 QĐ-TTg ngày 1/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc xoá bỏ sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trước 2010.


KS Đinh Quang Huy
Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *