Phát triển theo mô hình nào?





Các nhà khoa học nước nhà đang có những cuộc thảo luận lớn về mô hình phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Bởi sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là đã phát triển đến ngưỡng của nó. Giờ đây, nếu không tạo ra một bước đột phá mới, kinh tế nước nhà sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu sắp tới, thời kỳ mà sau khủng hoảng, các quốc gia đều có những động thái cấu trúc lại nền kinh tế để hoàn thiện hơn, sức cạnh tranh cao hơn. Muốn vậy, trước hết phải định hình rõ mô hình phát triển kinh tế.


Có lẽ giờ đây, không còn ai có đủ can đảm để ngoái lại cơ chế tập trung quan liêu bao cấp xưa kia mà hầu như đều thống nhất với nhau rằng, cơ chế vận hành thích hợp nhất của nền kinh tế nước nhà trong giai đoạn sắp tới vẫn là kinh tế thị trường. Nhưng kinh tế thị trường theo mô hình nào?


Nhiều học giả đã nêu ra những mô hình “mẫu”: Kinh tế thị trường tự do Mỹ là nơi khởi nguồn của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Kinh tế thị trường có điều khiển Nhật Bản thì nhiều năm nay vẫn rơi vào vòng xoáy suy thoái, chưa thoát ra được. Kinh tế thị trường Trung Quốc tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng ẩn chứa nhiều khuyết tật. Mô hình kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi Thụy Điển, kinh tế thị trường xã hội CHLB Đức… tỏ ra thành công nhất, ổn định nhất nhưng họ đang ở tầm cao quá, Việt Nam có muốn với cũng không tới được. Như vậy, cần thiết phải đi tìm một mô hình phát triển phù hợp cho Việt Nam và lấy mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” làm định hướng phát triển.


Quả thật, chỉ vỏn vẹn có 13 từ trong mục tiêu đó thôi, nói từ tốn thì không quá 10 giây, còn nói nhanh thì không quá 5 giây nhưng đấy là ước mơ cả triệu triệu con người. Dân giàu thì nước mạnh, nhưng làm thế nào để dân có thể giàu trong khi năng suất lao động đang rất thấp so với nhiều nước lân cận. Sản phẩm nông nghiệp thì nhiều lĩnh vực còn thua xa Thái Lan. Sản phẩm công nghiệp thì còn nhọc lòng mới cạnh tranh được với Trung Quốc. Dịch vụ du lịch, văn minh đô thị thì còn nhiều chục năm nữa mới dám mơ ước bằng Singapore bây giờ…


Chính vì vậy, mô hình kinh tế trong tương lai chắc chắn phải là một mô hình có thể giải phóng các nguồn lực phát triển. Những mảnh ruộng nhỏ lẻ của “khoán 10” chắc chắn sẽ phải hợp sức nhau lại để có thể áp dụng công nghệ cao nhằm đạt năng suất cao hơn. Những nguồn vốn đầu tư phải được điều tiết vào những vùng có hiệu quả hơn. Bộ máy quản lý công phải ngày càng nỗ lực hơn trong việc hỗ trợ phát triển chung của cả nước…


Nói thì nhoáng một cái là xong, nhưng làm xưa nay vẫn khó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *