Nhà sinh thái












HanoinetHiện nay, tại châu Âu, xu hướng xây dựng mang tính thân thiện với môi trường ngày càng phát triển. Con người đang hướng về thiên nhiên và sống cùng thiên nhiên chứ không còn “cải tạo” thiên nhiên.

Nhiều người lấy làm ngạc nhiên, vì khi tính toán từ công đoạn thiết kế, họ có thể tiết kiệm được đáng kể các khoản chi phí năng lượng cho một tương lai lâu dài, nên chắc chắn rồi đây mô hìnhnhà sinh thái sẽ nghiễm nhiên nằm trên bản vẽ của nhiều kiến trúc sư.


 


Khi ngôi nhà thật sự là tổ ấm


 


Ngày nay, khái niệm “sinh thái” không còn nằm bên lề của đời sống hiện đại. Một căn nhà sinh thái theo tiêu chí “tự cung tự cấp” đến mức tối đa đang gây chú ý mạnh trong nhiều cộng đồng dân cư. Nguyên lý hoạt động theo kiểu “sinh – khí hậu nằm ở chỗ: tận dụng tất cả những yếu tố tự nhiên có sẵn, từ vị trí miếng đất, cây xanh, nắng, gió… để tổ chức không gian sống hài hòa với môi trường chung quanh. Ví dụ, ngôi nhà sẽ được xây âm xuống một phần để tận dụng hơi ấm tỏa ra từ lòng đất vào mùa đông; hướng Nam sẽ dành cho các phòng ở và sinh hoạt (cần ấm áp) trong khi hướng Bắc sẽ là những khu vực tiện ích như nhà xe, nhà kho hay khu giặt giũ… (không đòi hỏi cao về điều kiện khí hậu). Vấn đề tránh gió cũng được đặt ra khi một ngôi nhà sinh thái sẽ có phần mái che với độ dốc cao và chung quanh được trồng nhiều cây xanh. Nói chung, trong một diện tích khiêm tốn, chủ nhân vẫn có thể “sinh thái hóa” cơ ngơi của mình với các yếu tố chính như sau:


 


 




Ngôi nhà sinh thái không thể thiếu không gian màu lá. Hướng Nam cần có các loại cây thay lá theo mùa và những giàn dây leo trên tường để vào mùa hè, chúng tạo bóng mát, mùa đông vẫn có ánh nắng mặt trời xuyên qua sưởi ấm; hướng Bắc, hợp lý nhất là trồng những hàng cây lớn, không rụng lá vào mùa đông nhằm chắn gió lạnh.


 


Trong tương lai, bê tông và gạch khối sẽ dần nhường chỗ cho các loại gỗ, rơm, sợi cây gai và đất nện. Những ngôi nhà có vách bằng rơm và khung sườn bằng gỗ sẽ rất chắc chắn, bởi rơm sau khi được xử lý bằng kỹ thuật cao, nén thành khối, là loại vật liệu xây dựng hoàn toàn sạch, điều nhiệt tốt, chống thấm cao, không sợ lửa, lại khá rẻ tiền. Dù vậy, xây dựng bằng rơm và các vật liệu thiên nhiên khác cần nhiều thời gian và kỹ thuật cao.


 


Gỗ cách nhiệt và cách âm tốt, dễ dàng tạo ra những kiểu kiến trúc có nét thẩm mỹ cao. Gỗ đã được xử lý tính năng chịu lửa thì vấn đề hỏa hoạn không đáng lo lắm. Hiện nay, kỹ thuật xây nhà bằng gỗ đã có khá nhiều, chủ yếu là khung sườn và gạch gỗ, tức gỗ được chế tác thành những khối có hình dạng giống viên gạch truyền thống. Dù giá thành để xây một căn nhà gỗ vẫn còn khá cao, nhưng nếu tính trên lợi ích lâu dài về độ an toàn và tiết kiệm thì gỗ là một “tay đua đường trường” rất lợi hại so với bê tông.


 


Những món quà của thiên nhiên


 


Nhà Sinh thái rất cần chong chóng phát điện bằng sức gió, đặt ngoài vườn. Có những loại quạt gió dùng cho hộ gia đình có thể có công suất lên đến 20 KW, với điều kiện gió phải đạt vận tốc trên 5mét/giây. Theo khảo sát, kinh phí lắp đặt quạt gió sẽ từ khoảng 2.500 đến 5.000 euro cho 1 KW, chưa kể chi phí mua trụ đỡ và đổ móng. Nếu tính trọn gói, một hộ gia đình phải chi từ 15.000 euro trở lên cho một chong chóng phát điện gió cao 1 2 mét, công suất 2 KW, và có thể sản xuất 5.000 KWh/năm, cung cấp khoảng một nửa nhu cầu điện của một gia đình 4 người ở châu Âu.


 


 



 


Cụm từ “tắm nắng” ngày nay được sử dụng trong xây dựng để chỉ việc khai thác và sử dụng hiệu quả năng lượng mặt trời để cung cấp nước nóng và sưởi ấm. Theo tính toán, một pa-nô diện tích 5 m2 để thu năng lượng mặt trời và một bồn nước 300 lít đáp ứng được 50% nhu cầu sinh hoạt của 4 người, với chi phí lắp đặt khoảng 6.000 euro (với pa-nô rời được đặt trên mái nhà), và thêm 500 euro nữa cho những ai muốn có một pa-nô được lồng ghép trong mái nhà để trông thẩm mỹ hơn.


 



 


 


Một hộ gia đình cần 10-30 m2 pa-nô quang điện bằng chất silicium polycristallin là đủ, với giá một đơn vị sản phẩm 20 m2 là 20.000 euro, chưa tính chi phí lắp đặt. Một đơn vị sản phẩm này sẽ sản xuất 2.000 KWh/năm, đủ cho 2/3 nhu cầu điện của một hộ 4 người (không tính điện dùng để sưởi ấm, nấu nướng và nước nóng). Lượng điện mặt trời của các gia đình nếu dôi ra có thể bán cho lưới điện quốc gia.


 


Việc sử dụng nước mưa vốn đã có từ rất lâu đời, nhưng với quan điểm an toàn hiện nay, các bể chứa nước mưa phải được chôn ngầm hay đặt ở tầng hầm, vừa giữ được mỹ quan chung, vừa để bảo đảm vệ sinh tốt nhất cho nguồn nước, nhưng cũng được khuyên là chỉ dùng tắm giặt và lau rửa chứ không nên uống.


 


Thông thoáng vì sức khỏe


 


Nếu như cách đây 30 năm, gió luân chuyển trong nhà diễn ra một cách ngẫu nhiên mà không được tính trước trong thiết kế, bởi đã có máy điều hòa nhiệt độ thay thế, thì nay, thông gió đã trở thành một trong những yêu cầu hàng đầu trong xây dựng nhằm tránh ngột ngạt, tù túng và ẩm ướt không gian nội thất. Nếu như các giải pháp được gọi là “thông gió cưỡng bức cơ học và có kiểm soát” đã và đang được áp dụng rộng rãi, thì chúng cũng khiến hóa đơn tiền điện mỗi tháng của chủ nhân luôn nặng trĩu!


 


Hiện nay, tiêu chí “sinh thái” đã khuyến khích sử dụng hệ thống hỗ trợ thông gió thuận theo thiên nhiên, đó là “giếng Canada”. Hệ thống giếng ngầm này sẽ giúp sưởi ấm không khí bên trong ngôi nhà và điều hòa luồng không khí luân chuyển, thông qua một tuyến ống có độ dài vài mươi mét, được chôn sâu khoảng một mét để tận dụng khoản nhiệt lượng luôn ổn định từ lòng đất. Giá thành cho việc lắp đặt một giếng điều nhiệt trên dưới 2.000 euro. Nhưng chú ý, “giếng Canada” chỉ phát huy tác dụng đối với những ngôi nhà được thiết kế đúng chuẩn “tiết kiệm năng lượng” tức những ngôi nhà sinh thái.


 


 



 


Nói tóm lại, tại châu Âu, các văn bản luật về bảo vệ môi trường sinh thái và các quy định mới về tận dụng tối đa hiệu năng các nguồn năng lượng từ thiên nhiên đã tác động tích cực đến lĩnh vực kiến trúc, xây dựng nhà ở. Nếu như trước đây không lâu, người ta còn ham thích bê tông cốt thép, thì nay xu hướng “xanh” (không gian), “sạch” (môi trường sống) và “đồng hành cùng thiên nhiên”, đang thắng thế. Như tại Pháp, quy định đến năm 2012, tất cả các căn hộ thuộc sở hữu tư nhân được xây mới sẽ phải đạt chuẩn “tiêu thụ năng lượng ở mức thấp”, từ 30 Kwh/m2/năm như hiện nay xuống còn 50Kwh/năm. Để đến 2020, thời điểm mà các công trình nhà ở được xây mới phải đạt chuẩn “tiêu thụ năng lượng ở mức thụ động”. Và như vậy, mô hình nhà sinh thái là lý tưởng nhất.



Theo Diaoconline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *