Nhà vệ sinh tại nhiều trường học Hà Nội: Thiếu và nhếch nhác





Có một điều tưởng như nghịch lý nhưng đã diễn ra trong nhiều năm dài, đó là tình trạng quá tải và xuống cấp của hệ thống nhà vệ sinh (NVS) tại các trường học ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là nơi có mật độ học sinh cao song diện tích trường học lại thấp như TP HCM và Hà Nội. Theo cách tính của Sở GD&ĐT Hà Nội, cứ 100 học sinh (HS) có 1 nhà tiêu, 50 HS có 1 nhà tiểu và 60 HS có một vòi nước, thì hiện nay toàn thành phố có gần 1.000 trường thiếu các công trình này.



Khu nhà vệ sinh của Đại học Y Hà Nội nhếch nhác, bẩn thỉu và xuống cấp.


Nơi thì “trắng”, nơi thì quá tải


Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát, điều tra ở nhiều trường phổ thông tại các huyện và quận của Hà Nội. Tình trạng NVS nhếch nhác và mất vệ sinh là cảnh phổ biến tại một số trường THPT, thậm chí cả đại học có tuổi đời khá cao. Một số cơ sở giáo dục trong nội thành do thiếu phòng học đã tận dụng cả nơi được thiết kế cho NVS để chuyển đổi làm phòng học, phòng chức năng.


Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) khi thiết kế có ba phòng vệ sinh cho ba tầng nhà. Nhưng ba phòng vệ sinh hiện đã biến thành phòng y tế, thư viện, công đoàn. Nhà vệ sinh được cải tạo lại ở tầng 1 cho HS nữ, còn HS nam thì tận dụng khu hành lang sát tường rào làm NVS.


Tương tự, Trường THCS Tứ Liên (Tây Hồ) cũng do thiếu phòng trầm trọng, bao nhiêu năm sân trường vẫn phải chung với sân đình, bất đắc dĩ, lãnh đạo nhà trường đã phải bớt một phòng vệ sinh, cải tạo lại để làm phòng Tin học.


Tại khu vực Hà Nội mở rộng, qua khảo sát, có khoảng 2-3% số trường trên địa bàn NVS thiếu cả hố tiêu, hố tiểu. Các trường thiếu NVS đến mức báo động chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Đan Phượng. Và điều đáng nói là tại các địa phương này, có một số trường học “trắng” NVS trong nhiều năm nay. Lý do là khái niệm NVS đã không được đề cập đến ngay từ khi xây dựng trường bởi một quan niệm tương đối phổ biến đang tồn tại là “cái cấp bách hơn là phòng học thì phải lo xây phòng học đã”.


Trường THPT Hai Bà Trưng (Thạch Thất) hiện có hai khu nhà, khu nhà cũ được xây dựng từ năm 2001 không hề có NVS. Khu nhà mới được xây dựng vào năm 2007 tưởng sẽ được cải thiện, thế nhưng cũng chỉ toàn là phòng học, NVS một lần nữa không hề được có tên trong danh sách. Lãnh đạo nhà trường thắc mắc lên cấp trên thì chỉ nhận được câu trả lời: NVS không có trong thiết kế, nghĩa là không có kinh phí cho hạng mục này.


Tương tự, Trường THCS Đồng Quang, Ba Vì nhiều năm nay cả thầy và trò đều phải sống trong cảnh “không có NVS”. Một trong những lý do được đưa ra là Đồng Quang là xã nghèo, phải lo cho HS có đủ phòng để học trước nên NVS thì đành phải đợi. Không có NVS nên nhiều năm qua, các nhu cầu vệ sinh cá nhân của hàng nghìn giáo viên, học sinh ở đây đều phải âm thầm giải quyết tại nhà trước khi đến lớp hoặc nín nhịn suốt cả buổi học để đợi về nhà.


Đừng coi nhà vệ sinh ở trường học là chuyện nhỏ


Ông Trần Duy Tạo – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em – Bộ GD&ĐT cho rằng: Tại các thành phố lớn như Hà Nội, quan niệm về NVS đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn cũng là vấn đề được lưu tâm nhưng lại vấp phải một thực tế là lượng học sinh đông, phân bố không đều giữa các trường, trong khi diện tích trường học không thể mở rộng. Còn một số lý do chủ quan khác là bản thân lãnh đạo một số trường vẫn giữ lối tư duy: xem NVS chỉ là chuyện phụ nên chưa thực sự quan tâm đến NVS cho học sinh.


Thực tế cho thấy, cửa NVS hỏng không được sửa chữa kịp thời, ánh sáng lờ mờ, tình trạng mất nước diễn ra liên miên. Thậm chí, một số trường không có NVS hoặc sử dụng NVS vào một số mục đích khác. Những nhu cầu vệ sinh cá nhân của hàng ngàn giáo viên, học sinh vốn rất tự nhiên và chính đáng bỗng bị gạt ra khỏi hoạt động của nhà trường. Nhu cầu vệ sinh của học sinh, giáo viên là nhu cầu tự nhiên. Thiếu hoặc không có NVS ở một môi trường giáo dục đông người, cần sự chuẩn mực là không thể chấp nhận.


Đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT sớm quy hoạch, bổ sung kinh phí cho các cơ sở đào tạo để có đủ NVS phục vụ học sinh. Nếu thiếu kinh phí, cần có giải pháp xã hội hóa. Thiết nghĩ, vì cuộc sống bình thường của con em, các phụ huynh sẽ sẵn sàng đóng góp để học sinh được học tập và sinh hoạt ở nhà trường đúng chuẩn mực.







Trường Tiểu học Nam Thành Công có khoảng 2.900 học sinh nhưng chỉ có 2 khu vệ sinh, mỗi khu có diện tích khoảng 20m2. Tương tự, Trường Tiểu học Kim Liên với trên 3.000 HS cũng chỉ có ba NVS, Trường Tiểu học Minh Khai với hơn 2.000 HS cũng chỉ có một dãy nhà vệ sinh nhưng đã xuống cấp theo thời gian. Như vậy, tại các trường này, trung bình khoảng 500 HS mới có 1 NVS, quá tải gấp nhiều lần so với quy định mà Sở GD&ĐT đưa ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *