Phát triển ổn định để thấy mình thực sự làm chủ

Từ một cán bộ lãnh đạo rất có kinh nghiệm “chinh chiến” trong lĩnh vực thi công xây lắp, khi ông Bùi

Ông Bùi Doãn Tạo

Doãn Tạo “rẽ ngang” sang làm Tổng giám đốc TCty Cơ khí xây dựng COMA – DN chế tạo và lắp đặt cơ khí xây dựng từng khiến không ít người hoài nghi và lo ngại. Sau 4 năm âm thầm với quyết tâm và những đam mê, ông đã góp vai trò quan trọng, đưa COMA lên một tầm cao mới. Tổng giám đốc COMA Bùi Doãn Tạo đã có cuộc trò chuyện cởi mở đầu xuân với Báo Xây dựng tại công trường thủy điện Bản Vẽ trong giờ phút mang ý nghĩa lịch sử khi COMA lần đầu tiên lắp đặt thành công rôto 2 tổ máy của thủy điện Bản Vẽ.

“Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…”

* Từ thành công của COMA tại công trình Bản Vẽ hôm nay, trên cương vị Tổng giám đốc, ông kỳ vọng những gì về tiềm năng và cơ hội của COMA trong năm mới?

– Dự án Nhà máy thủy điện Bản Vẽ là một công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với người COMA chúng tôi. Với Nhà máy, ngày đáng nhớ nhất phải là ngày chính thức phát điện thương mại, nhưng với COMA, thời khắc lắp đặt thành công rôto cho 2 tổ máy cũng là sự kiện trọng đại, bởi nếu như trước đây COMA mới chỉ dừng lại ở việc chế tạo thiết bị thủy công  hoặc chế tạo từng phần thì đến Bản Vẽ, chúng tôi đã bước lên nấc thang mới lắp đặt tổ máy và hệ thống điện tự động hóa. Hơn thế, khi đã thành công với nhà máy thủy điện công suất trên 300MW thì chúng tôi có thể tự tin đảm nhận các nhà máy công nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác: luyện kim, hóa chất…

Cụ thể, đến thời điểm này chúng tôi đã có không ít những hợp đồng “gối đầu” trong các năm tiếp theo. Sau thủy điện Bản Vẽ, COMA sẽ tiếp tục lắp máy thủy điện Sông tranh. Ngoài ra, chúng tôi đang chế tạo thiết bị thủy công cho 7 nhà máy thủy điện khác.

Với các lĩnh vực khác, chúng tôi đang cùng tổ hợp 5 đối tác kỳ vọng sẽ tham gia  thầu của dự án hóa dầu Nghi Sơn. Hy vọng, cuối quý II, đầu quý III năm nay tổ hợp chúng tôi sẽ trở thành nhà thầu của dự án này với xác suất thành công khá cao.

* trong sự tăng trưởng và phát triển, mục tiêu cụ thể của COMA đặt ra  như thế nào, thưa ông?

– Đối với kế hoạch 2010 mà chúng tôi đã đăng ký với Bộ Xây dựng, với mức đăng ký tăng trưởng 25% so với năm 2009 là mức tăng trưởng không phải tồi trong điều kiện năm 2010 vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khả năng thực hiện của chúng tôi sẽ đạt ở mức tăng trưởng 35 – 40% so với năm 2009. Vì vậy công ăn việc làm và tăng trưởng trong năm 2010 không phải là mục tiêu tập trung cao độ của chúng tôi.


Giàn không gian do COMA chế tạo, lắp dựng.

Khát vọng “làm chủ”  những sản phẩm cơ khí thương hiệu COMA

* trong các báo cáo của ngành và các DN hay dùng cụm từ “chuyển từ làm thuê sang làm chủ”. Theo ông, làm chủ có nghĩa là đầu tư cả nhà máy hay như ông vừa nói, làm chủ bằng sự tăng trưởng, bằng sự khẳng định thương hiệu của mình chính là một cách?

– Thực ra người ta không phải là không có cơ sở khi khẳng định mốc “từ làm thuê sang làm chủ” bởi vì người làm thuê có nghĩa là tài sản ấy thuộc về người khác. Anh có co kéo mấy thì một vài phần trăm của lợi nhuận từ làm thuê cũng không lớn. Và để đánh giá một doanh nghiệp cũng như tính ổn định của nó không thể để mãi tình trạng giống như chúng ta trồng trọt mà bị phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Khi anh làm chủ thì trước hết tổng tài sản của doanh nghiệp phải lớn và thứ hai là tính chất công việc, đảm bảo công việc ổn định. Chúng tôi không muốn nói rằng cái nào quan trọng hơn nhưng cách tốt nhất về lâu dài thì COMA sẽ phải  làm chủ đầu tư một số dự án thì sẽ góp phần cho đơn vị sản xuất ổn định hơn.

* Nếu để làm chủ, COMA sẽ hướng đến những dự án như thế nào?

– Thực ra, để làm chủ thì cho đến nay COMA cũng đã có những bước tiến dài. Chúng tôi cũng đã làm chủ một số nhà máy thủy điện, nhà máy xi măng. Hiện nay COMA cũng bắt đầu được chia sẻ thị phần trong lĩnh vực BĐS và đô thị. Thế nhưng chúng tôi cho rằng tất cả các lĩnh vực đó chỉ làm cái nền vững chắc để chúng tôi thực hiện 2 mục tiêu: Thứ nhất trở thành nhà thầu EpC các dự án công nghiệp; Thứ hai đối với doanh nghiệp, chúng tôi có kế hoạch trong 1 – 2 năm tới đầu tư nhà máy lớn để làm sao có những sản phẩm cơ khí mang thương hiệu COMA.

* trong khoảng 10 năm trở lại đây, vấn đề ưu đãi  phát triển cơ khí theo chương trình Chính phủ trong đó cơ khí xây dựng là một nhóm quan trọng được bàn đến  khá nhiều, vậy COMA đã nắm cơ hội  ấy như thế nào?

– trong chương trình cơ khí trọng điểm COMA cũng có một dự án nhà máy thiết bị nâng cao và  đây là dự án thứ 2 được triển khai trong toàn quốc. COMA đã cố gắng lắm nhưng việc sử dụng được ưu đãi hay không trước hết phải là sự vào cuộc đồng lòng một cách nhất quán đó là: Thứ nhất tạo điều kiện thuận lợi để được vay vốn ưu đãi với các ân hạn và thời hạn trả nợ phù hợp; Thứ hai có những cơ chế, những tạo điều kiện cho đầu ra của sản phẩm… thì sẽ tạo ra cơ hội phát triển.


COMA sẽ mở rộng lĩnh vực đầu tư BĐS.

“Buôn tài không bằng dài vốn”

* trong nhiều năm đầu tư và đổi mới COMA có không ít dự án để đưa ra thị trường nhằm nâng cao thương hiệu của mình nhưng dường như cứ chạm tay vào thành công thì lại bị rời ra. Ngoài nguyên nhân khách quan, liệu có gì đó mà COMA phải khắc phục và hoàn thiện mình hơn nữa?

– Tôi cho rằng không nên đổi cho khách quan mà tất cả đấy là do lỗi nội tại của mình. Đương nhiên khách quan chỉ là tác động gián tiếp. Với cơ khí thì như các bạn đã biết: đầu tư thì lớn, thu hồi vốn thì lâu và từ xưa thì chỉ làm thuê và nó phụ thuộc vào rất nhiều chế độ chính sách, đơn giá, thị trường… trong khi giá đầu ra thì như thế cho nên họ không có tích lũy.

Giống như một con người khi mà ăn chưa đủ, người ta chỉ chăm chăm nghĩ đến phấn đấu làm sao để ăn không đói. Thành ra khi người ta không có đủ kiên trì, không đủ vốn để có chế độ marketing, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm mới, không có chiến lược phát triển thương hiệu… Vì vậy 3 năm vừa qua, COMA nhận ra việc “buôn tài không bằng dài vốn”. Với những ngành nghề khác mà COMA đột phá nó tạo lợi nhuận, tạo tích lũy  bằng nhiều chục năm trước chính vì vậy chúng tôi mới kiên định rằng 2010 và 2011 chúng tôi lo đủ vốn “lận lưng” để đào tạo, phát triển đội ngũ tư vấn thiết kế và phát triển sản phẩm mới trong giai đoạn đầu.

* Năng lực chế tạo và lắp đặt của mình những năm qua tiến bộ rất nhiều nhưng mà cái “phần ngon nhất” trong miếng bánh – khâu tư vấn thiết kế – thì lại thuộc về nước ngoài mất rồi, đó có phải là “nỗi đau” của cơ khí Việt Nam, thưa ông?  

– Đúng ra thì cái nghề tư vấn là nghề mài tư duy tích lũy của mình thành ra sản phẩm, ra sản lượng. Nếu có một trí tuệ, có một chất xám cao  thì đương nhiên có hiệu quả. Nhưng chúng tôi không cho rằng nghề tư vấn là nghề hái ra tiền một cách trực tiếp. Tỉ trọng của phí tư vấn trong một công trình không lớn nhưng dường như ai nắm được tư vấn, trong tổ hợp mà có tư vấn dường như họ đã giành được lợi thế trong cuộc thầu. Vì tư vấn có thể đưa ra điều kiện, đưa ra những quy định, đưa ra những cách… mà người ta biết chỉ có tổ hợp của người ta, chỉ có những người bạn của người ta mới có thể dự thi được. Ngoài ra, nếu nắm được tư vấn, trong quá trình ấy sử dụng quyền tác giả thì hoàn toàn dễ dàng có thể điều chỉnh thiết kế biện pháp thi công trong thực tế thi công sao cho phù hợp với thị trường và có lợi nhất  cho nhà thầu.

Niềm vui được là chính mình và “mình vì mọi người”

* Sáng tạo của COMA ở suốt các công trình trong 2 hay 3 năm qua đôi khi là ở các quyết định đi trước thiết kế có phải không ông?

– Ở đây anh phải nhìn thấy trước quy luật, nhìn thấy trước mọi việc diễn ra. Đã là công trình sáng tạo thì anh phải xác định được mục tiêu, cũng như ít nhiều tính được hiệu quả công trình. Ví dụ công trình buộc phải xong trước một thời điểm nhất định mà cứ chờ đủ thủ tục ra rồi mới thi công và không dám chịu trách nhiệm thì gánh nặng tiến độ lại đè nặng lên vai nhà thầu. Vậy có những lúc cần phải có cái đầu nhạy bén, quyết đoán táo bạo và nhất là trái tim quả cảm, dám chịu trách nhiệm.

* Nhưng đôi khi, sự sáng tạo đồng nghĩa với có thể ảnh hưởng đến “cái ghế” của người lãnh đạo. trong hoàn cảnh ấy, ông thường cân nhắc như thế nào?

– Đương nhiên, nếu anh chỉ nghĩ vì bản thân anh nhất là trong bối cảnh trong khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ sẽ rất khó làm. Ngược lại nếu anh nghĩ rộng ra, nghĩ đến hàng ngàn, hàng vạn con người đang kỳ vọng vào mình cộng thêm những kiến thức, lòng tin cơ bản thì anh dám làm. Tôi cho rằng đối với người cán bộ, khi người ta dám làm tất cả  trước hết phải tự tin điều đó là đúng, thứ hai tự lương tâm của họ thanh thản. Khi ta đã sống đúng với lương tâm và trách nhiệm thì trong mọi hoàn cảnh, gia đình, bạn bè, những người đồng chí, đồng nghiệp sẽ hiểu, đồng cảm và chia sẻ, chung sức cùng ta thôi.

trân trọng cảm ơn ông ! 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *