Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Bộ TTTT trả lời chất vấn ĐBQH

Ngày 18/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn phú trọng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ trần Văn Tuấn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các vấn đề cử tri cả nước quan tâm.


Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Lê Doãn Hợp trả lời chất các ĐB QH

trước đó, trong ngày 17-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Lê Doãn Hợp đã  đăng đàn trước Quốc hội.

Là người đầu tiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ĐB Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) chất vấn, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ở đâu khi để xảy ra tình trạng đồng tiền mất giá như thời gian qua trong khi chức năng của Ngân hàng Nhà nước là nhằm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam? Thời gian tới, cùng với thực hiện chủ trương điều hành tỷ giá linh hoạt, áp dụng tăng lương, bỏ trần lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước có biện pháp gì để kiểm soát đồng Việt Nam cũng như ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam?

trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, mục tiêu ổn định chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước luôn kiên trì theo đuổi là nhằm mục đích ổn định giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng đồng tiền Việt Nam mỗi năm một mất giá. Để ổn định giá trị đồng tiền, theo ông Giàu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố hiệu quả của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế. “Thời gian tới, khi thị trường hóa các loại giá sẽ tác động đến điều hành chính sách tỷ giá. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành để điều hành tốt nhất”.

Một vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Giàu sáng nay là tình hình giá vàng biến động ở mức giá cao thời gian gần đây. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) chất vấn: “phản ứng nhập khẩu vàng của ngân hàng khi giá lên đến đỉnh đã gọi là linh hoạt, kịp thời chưa? trách nhiệm của Thống đốc đến đâu? Biện pháp tiếp theo để không tái diễn tình trạng này như thế nào? Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, từ năm 1999, theo Nghị định Chính phủ, Ngân hàng có chức năng quản lý vàng trong xuất khẩu, chế biến vàng miếng. Còn vàng hàng hóa mua bán trên thị trường đã được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp. Khi giá vàng thế giới biến động rất nhanh, Ngân hàng đã liên tục theo sát diễn biến. Đặc biệt, trong các ngày 9, 10/11, Ngân hàng đã họp với giám đốc 5 ngân hàng thương mại và Hiệp hội vàng bạc để xem dân có rút tiền gửi, mua vàng không.

Vì thực tế, số vàng xuất ra thấp. Từ 2005 đến 2008, nhập vàng 279 tấn. Chúng ta mới xuất vàng từ cuối năm 2008 đến nay, quota xuất 37 tấn. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khoảng 57 tấn hàng hóa. Như vậy là lượng vàng trong dân còn lớn.

Theo ông Giàu, đây là lần đầu tiên vàng mất giá không xuất phát từ mất cân đối cung – cầu. “Các công ty vàng nhập khẩu liên tục, chở máy bay ra Hà Nội mỗi ngày vài chuyến, như vậy là không thể có chuyện thiếu được”.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu

Ông Giàu khẳng định, đã nghe ý kiến nhiều nhà khoa học, nhiều tiến sĩ khoa học trả lời trên báo chí, đồng thời cũng như đánh giá của cựu Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm hiện cũng là đại biểu Quốc hội… Ngân hàng Nhà nước đã chọn giải pháp trấn an tâm lý người dân bằng cách công bố sẽ nhập vàng, nhờ đó giá trên thị trường đã dịu xuống. Ông Giàu khẳng định, quyết định này là kịp thời, có thể coi là một kinh nghiệm trong quản lý thị trường. Thống đốc cũng cho hay, đây là giải pháp trấn an, số nhập về không đáng kể nên sẽ không tiếp tục gây căng thẳng lên thị trường ngoại tệ cũng như nhập siêu.

Tiếp đó, buổi chiều 17-11, các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp tập trung vào các nhóm vấn đề: công tác quản lý thông tin – báo chí – xuất bản; kiểm soát ngăn chặn tác hại của website có nội dung xấu; việc đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng viễn thông và xây dựng công trình viễn thông trong khu dân cư.

Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Nguyễn Đức Hiền quan tâm đến việc xây dựng các trạm thu phát sóng điện thoại di động (BTS) gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và bức xúc trong dư luận xã hội, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng đã phối hợp với Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế để xem xét thấu đáo vấn đề này hay chưa? Nếu đã xem xét, Bộ trưởng trả lời cho Quốc hội rõ trạm thu phát sóng có gây ảnh hưởng đến sức khoẻ hay không để người dân yên tâm và bản thân doanh nghiệp viễn thông cũng an tâm sản xuất kinh doanh.

trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, hiện cả nước có 42.000 trạm BTS, trong đó Viettel chiếm số lượng nhiều nhất với 16.000 trạm. So với các nước trên thế giới, con số này chưa phải là nhiều, một công ty viễn thông của Nhật Bản có tới 40.000 trạm. trong thời gian tới, số lượng trạm BTS sẽ tiếp tục tăng lên do chúng ta đang triển khai dịch vụ 3G và sắp tới sẽ triển khai 4G. Thời gian qua đã kiểm tra được 25.000 trạm BTS, chỉ có 117 trạm không đạt tiêu chuẩn, những trạm đã kiểm tra là đảm bảo chất lượng. Năm 2010 sẽ đẩy nhanh tiến độ kiểm tra toàn bộ số trạm. Căn cứ vào công bố của thế giới, liên quan đến sản xuất, lắp đặt thiết bị, tiêu chuẩn về chất lượng của Bộ Khoa học – Công nghệ – Môi trường, năm 2006 tổ chức quốc tế công bố qua xem xét độ phơi nhiễm và các kết quả thu được, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy tín hiệu của các trạm thu phát tần số viễn thông ảnh hưởng có hại đến sức khoẻ con người. Nếu đảm bảo lắp đặt đúng quy định, những trạm Bộ đã kiểm tra, thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khoẻ.

trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đức Hiền về việc ngầm hoá dây cáp cho Hà Nội để phục vụ đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và giải pháp góp phần cùng Hà Nội và ngành điện xử lý có hiệu quả vấn đề này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, Bộ đã xác định rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề này, nên trong quá trình xây dựng Luật Đô thị, thay mặt Bộ, Bộ trưởng đã đề nghị phải có một điều khoản quy định ngầm hoá các công trình kỹ thuật. 2 năm qua, lãnh đạo Bộ đã làm việc với các tỉnh về ngầm hoá, các đô thị, thành phố lớn là đô thị, thành phố không dây, thực tế nhiều tỉnh thành phố đã vào cuộc và làm rất tốt vấn đề này.

Hiện nay Bộ Thông tin- truyền thông cũng đang tích cực triển khai kế hoạch ngầm hoá mạng lưới viễn thông; trước hết là ở các đô thị. Năm nay, Bộ đã triển khai ở thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Tp HCM, số tiền dùng cho hoạt động này đã lên đến hơn 1.000 tỷ. Năm 2010, Bộ tiếp tục huy động tất cả các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này vào cuộc để ngầm hoá mạng lưới viễn thông ở nhiều tỉnh, thành khác. Riêng thành phố Hà Nội, hiện đã ngầm hoá xong mạng lưới viễn thông ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phấn đấu đến tháng 9/2010 sẽ ngầm hoá được mạng lưới viễn thông 25 tuyến phố nội thành, kịp phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đại biểu trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng xoay quanh vấn đề quản lý báo chí, xuất bản. Theo đại biểu, còn có trường hợp báo chí thông tin sai sự thật, không chính xác, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân, gây thiệt hại cho doanh nghiệp…

Vấn đề này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, năm 2008, Bộ đã xử lý 65 trường hợp, trong đó có 34 trường hợp là đưa tin sai sự thật. Những phóng viên và người quản lý đưa tin sai đều bị xử lý nghiêm túc, Bộ đã rút thẻ 15 cán bộ, phóng viên. Từ việc làm quyết liệt như vậy, năm 2009 lĩnh vực này đã có chuyển biến tốt hơn. Tính đến tháng 10, Bộ đã xử lý 31 trường hợp, trong đó chỉ có 6 trường hợp đưa tin sai sự thật, rút thẻ 4 trường hợp.

Về trách nhiệm của Bộ, ông Lê Doãn Hợp cho rằng, về nguyên tắc, Bộ chỉ xử lý những việc kiểm tra đơn giản mà bộ máy của Bộ có thể làm được như các thông tin sai chỉ cần xác nhận của địa phương. Còn những vấn đề làm sai có liên quan đến các cơ quan tư pháp, Bộ cung cấp hồ sơ và các cơ quan này vào cuộc thì mới làm được. Hiện bộ máy của Bộ chỉ có 35 người để quản lý hoạt động của 709 cơ quan báo chí. “Nếu mỗi ngày một tờ báo đưa một tin sai thì bộ máy này chạy suốt ngày cũng không xong”, ông Lê Doãn Hợp chia sẻ. Theo Bộ trưởng, các Tổng biên tập cần được bổ nhiệm chính xác hơn, thể hiện trách nhiệm tốt hơn.

Về phương hướng quản lý báo trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết Bộ sẽ tiếp tục rà soát và chuẩn bị xây dựng Luật Báo chí cũng như các văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, đồng thời tạo hành lang pháp lý để quản lý tốt báo chí trong tình hình mới. Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí in. Để tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quan báo chí, sẽ sắp xếp, quy hoạch hợp lý hệ thống báo chí; rà soát, chấn chỉnh tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh, người đứng đầu cơ quan chủ quản lý báo chí chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc../

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *