Trả lại môi trường sống cho dân










Đã nhiều năm nay hàng ngàn hộ dân xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm. Bởi đây là điểm tập kết rác thải, nước thải từ các nhà máy, bệnh viện, các khu dân cư… trên địa bàn thành phố.



Nguồn nước ở xã Hưng Hòa bị ô nhiễm nặng.  Ảnh: ĐN




Nước thải, rác thải tấn công khu dân cư



Là một xã vùng ven, khi TP Vinh mở rộng đáng lý ra người dân ở xã Hưng Hòa phải vui, thế nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi hầu hết người dân ở đây đều tỏ ra buồn và lo lắng. Bởi lẽ, TP càng lớn đồng nghĩa với việc lượng nước thải, rác thải đổ về đây. Người dân phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Ông Vương Đình Hằng, đội 3, xóm Phong Phú cho biết: “Trước đây toàn bộ khu vực này nước, không khí trong sạch, tôm cá rất nhiều; hàng ngày người dân vẫn lấy nước ở các ao trong làng để tắm giặt. Khoảng 15 năm trở lại đây nước thải chưa qua xử lý từ Nhà máy bia Nghệ An, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Ba Lan, Bệnh viện 4, Bệnh viện Nhi… đổ trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nặng”. Bên cạnh nguồn nước thải từ các bệnh viện, nhà máy thì Hưng Hòa còn là điểm đến của nước thải từ các khu dân cư trên địa bàn TP Vinh. Nước và rác thải theo dòng kênh Bắc, kênh 407… đều tập trung về khu vực này. “Mùa nắng còn đỡ mùa mưa nước thải, rác thải đều đổ về đây hết, nhiều hôm nước tràn cả vào nhà thối không tài nào chịu được” – chị Hường, một người dân tại xóm Phong Yên, xã Hưng Hòa cho biết.



Sống chung với ô nhiễm nên sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng, đã xuất hiện các bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa ở phụ nữ. Chị Phạm Thị Liên, xóm Phong Quang bức xúc: “Quanh năm bốn mùa làm việc ngoài đồng, ngày nào cũng phải tiếp xúc với nước bẩn nên hầu hết chị em trong xóm đều bị nổi ngứa, chữa mãi vẫn không khỏi, cứ đi làm lội xuống ruộng tối về lại bị ngứa. Khổ lắm nhưng cũng phải cắn răng chịu bởi đã nhiều lần phản ảnh tình hình ô nhiễm lên chính quyền nhưng chẳng thấy cải thiện gì, còn bỏ ruộng thì không biết lấy gì để ăn”. Báo động hơn là thời gian gần đây trên địa bàn xã xuất hiện nhiều người chết vì bệnh ung thư. Theo thống kê của xã Hưng Hòa thì trong mấy năm nay số người chết do ung thư ở các khu vực bị ô nhiễm nặng như: xóm Phong Phú, Phong Yên tăng nhanh, hàng năm có tới hàng chục trường hợp chết do căn bệnh quái ác này.



Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà rác và nước thải còn gây thiệt hại đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân. Hiện toàn xã có khoảng 15ha diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng và một số khu vực đất bị bỏ hoang do rác thải, lục bình từ nhiều nơi đổ về, một lần có lũ lụt xã phải huy động hàng nghìn ngày công để thu dọn rác.




Cơ quan chức năng thờ ơ



Mặc dù người dân đã có nhiều kiến nghị lên chính quyền các cấp thế nhưng tình trạng ô nhiễm tại xã Hưng Hòa vẫn kéo dài hơn 20 năm nay. Ông Nguyễn Văn Hùng, xóm Phong Phú bức xúc: “Đã có hàng trăm cuộc họp diễn ra, không biết bao nhiêu lần người dân gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng thế nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện mà ngược lại nước thải, rác thải ngày càng đổ về đây nhiều hơn”.



Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Thìn – Phó chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở xã Hưng Hòa là do xã có vị trí thấp, là rốn chứa nước của TP, bởi vậy nước thải từ các khu dân cư đều tập trung về đây hết. Ngoài ra, nước thải từ các bệnh viện, nhà máy bia Nghệ An… chưa được xử lý hàng ngày vẫn đổ ra hệ thống kênh mương của xã gây ô nhiễm nặng cho các xóm. Xã đã có nhiều văn bản kiến nghị lên TP, tỉnh nhưng không hiểu vì lý do gì mà chưa có một cơ quan chức năng nào xuống kiểm tra, xử lý. Vậy nên, tình trạng ô nhiễm ở đây ngày càng diễn biến phức tạp hơn, chúng tôi hàng ngày đành phải chấp nhận sống chung với nước thải và rác thải”.



Ô nhiễm ở xã Hưng Hòa đã kéo dài năm này qua năm khác đe dọa trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe của hàng ngàn hộ dân. Tình trạng trên các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An biết rõ. Mong rằng thời gian tới chính quyền các cấp nhanh chóng tìm ra giải pháp khắc phục trả lại môi trường sống trong lành cho người dân Hưng Hòa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *