Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang “khát” lao động

Như thường lệ, sau Tết Nguyên đán, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam lại “khát” lao động một cách trầm trọng. Theo dự báo của các cơ quan chức năng, khu vực này đang cần khoảng 150.000 lao động cho các KCN, KCX nhưng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vùng Tàu, Bình phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, dân số khoảng 14,7 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 22 triệu đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 74% cả nước… Khu vực này được đánh giá là đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhưng bài toán về lao động lâu nay rất nan giải, nhất là những dịp sau Tết Nguyên đán hàng năm. Theo dự báo của ngành LĐ-TB&XH, các KCN, KCX đang cần khoảng 150.000 lao động từ phổ thông đến tay nghề cao, trong đó, Tp.HCM khoảng 50.000 lao động, Đồng Nai 20.000 lao động, Bình Dương 30.000 lao động, Bà Rịa- Vũng Tàu 15.000 lao động…

Theo ông trần Anh Tuấn- phó giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM, trong quý 1/2010, Tp.HCM cần khoảng 50.000 lao động từ phổ thông đến tay nghề cao. Khác với mọi năm, đã gần hết quý 1/2010 mà số người ở các tỉnh, thành phố về thành phố làm việc vẫn thưa thớt. Nguyên nhân do các địa phương đã hình thành được các KCN, cụm công nghiệp lên một số người về quê ăn Tết đã ở lại làm việc ở quê nhà. Hơn nữa, mức lương ở thành phố so với các tỉnh thành không cao hơn là mấy, trong khi các chi phí sinh hoạt lại rất cao nên người lao động không muốn vào thành phố làm việc nữa.

Ông Nguyễn Thanh Tùng- Giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm, Ban quản lý KCX, KCN Tp.HCM (HEpZA) cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 10.000 lao động phổ thông cho các ngành may mặc, giày da, cơ khí… với mức lương 1,2- 2 triệu đồng/người /tháng; khoảng 5.000 lao động có tay nghề cao với mức lượng 2,5- 5 triệu đồng/người/tháng, nhưng cung vẫn không đáp ứng đủ cầu. Chúng tôi đã phải tổ chức nhiều biện pháp để thu hút lao động vào thành phố làm việc như tổ chức hội chợ việc làm; giao lưu với các KCN, cụm công nghiệp, đoàn thành niên, hội phụ nữ ở các địa phương để họ giới thiệu lao động; mặt khác, vận động các doanh nghiệp tuyển dụng đội ngũ làm bán thời gian để thu hút học sinh, sinh viên vào làm việc, vừa khắc phục tình trạng thiếu lao động vừa tạo thu nhập, kinh nghiệm cho học sinh, sinh viên…

Tại hầu hết các ngã tư lớn ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, rất dễ thấy những băng rôn tuyển dụng lao động của các công ty. Có nhiều công ty cần tuyển đến hàng nghìn lao động với rất nhiều điều kiện ưu đãi như: hỗ trợ nhà trọ miễn phí, có xe đưa rước, phụ cấp tiền nuôi con, phụ cấp tiền nhà trọ, hỗ trợ gạo hàng tháng, hỗ trợ tiền xăng, mua bảo hiểm tai nạn 24/24, thậm chí có nhiều công ty còn đưa ra mức thưởng 500.000 đồng tháng… nếu công nhân cam kết một năm không chuyển việc làm, thế nhưng số người đến xin việc vẫn như “lá mùa thu”.

Giám đốc ở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương phan Thành Sơn cho biết, số lượng lao động sau Tết Nguyên đán biến động khoảng 10%. Toàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 30.000 lao động. Tỉnh Đồng Nai cũng biến động khoảng 0,8% và đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20.000 lao động… tập trung chủ yếu vào các ngành giày da, dệt may, chế biến gỗ, nông- thủy sản…

Ông phan Kế Lợi- Giám đốc phụ trách nguồn nhân lực Công ty giày Thái Bình cho biết: Chúng tôi xây dựng sẵn chung cư cho công nhân ở, mức lương ổn định 2 triệu đồng/người/tháng và các chính sách ưu đãi khác, nhưng vẫn không thu hút được lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *