Bảo trì chốn ở



 







 


(TNTS) Sau khi kết thúc quá trình xây dựng để chuyển sang giai đoạn trực tiếp sử dụng công trình, vai trò của gia chủ trở nên quan trọng. Phong thủy của ngôi nhà có đạt hiệu quả như ý không chính là do gia chủ quyết định, nhà chuyên môn chỉ hỗ trợ khi cần thiết bảo trì.




Bao nhiêu là đủ?


Ngôi nhà hiện đại hay bị biến đổi nhanh, một phần là do sự biến đổi của môi trường chung quanh (ngoại cảnh) như cư dân chung quanh, xây chen kín mít, đường sá ồn ào, hạ tầng kém… một phần là do chính bản thân gia chủ còn dễ dãi, tùy tiện trong quá trình sử dụng và bảo trì. Vì thế, quá trình gia chủ sử dụng ngôi nhà – xét về Phong thủy – chính là một quá trình tự thích ứng với môi trường sống và tự điều chỉnh trong mua sắm vật dụng. Bao nhiêu là đủ? Tinh thần Kiệm trong kiến trúc truyền thống Việt Nam hay tinh thần Thiền trong kiến trúc Nhật Bản cho ta câu trả lời: những không gian thuần khiết, thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên, tiết chế về màu sắc và vật liệu, giảm thiểu vật dụng, ít ngăn chia và chi tiết… luôn đem lại một môi trường sống hài hòa, cũng là các điều kiện Phong thủy lý tưởng (hình 1). Cần để ý những không gian, vật dụng nào thiết yếu với đời sống vật chất và tinh thần hằng ngày, tự thân nó sẽ tồn tại lâu dài mà không cần cố ý sắp đặt.



Không nên để đến khi nhà ngấm dột hay rêu phong cũ kỹ mới lo bảo trì tu tạo, mà cần phải làm mang tính định kỳ và thường xuyên. Điều này liên quan đến các chu kỳ sinh học và vấn đề thời gian của không gian. Quá trình sử dụng sẽ cho biết nhược điểm của ngôi nhà ở đâu, vào thời điểm nào cần khắc phục. Ví dụ, nhà chống thấm kỹ lưỡng, nhưng ở vị trí gặp hướng nắng gắt, mưa nhiều, sau một thời gian vẫn bị ngấm dột. Lúc này, điều kiện và cảnh quan thực tế sẽ giúp gia chủ xem xét cần phải làm thêm mảng tường hay lợp mái che chắn, chống thấm lại sao cho không ảnh hưởng đến cấu trúc nhà (hình 2) mà có thể thêm chức năng sử dụng.



Một vài nguyên tắc


– Tránh không ảnh hưởng đến hệ kết cấu của ngôi nhà. Có thể sơn phết, thay đổi bề mặt trang trí, gia cố hoặc thay mới các chi tiết bị cũ hay bị hư hỏng. Nếu có nhu cầu lên tầng hay mở rộng thì cần phải nghiên cứu kỹ hệ kết cấu hiện có.


– Khi nhà có khuôn viên, cần hoạch định đất dự trữ sau này (ở, kinh doanh, con cái ra riêng…) để tránh tình trạng “đất rộng mà nhà chật” do phải cơi nới. Vì thế việc đánh giá đúng nhân khẩu và điều chỉnh số lượng người cư ngụ rất quan trọng, tránh phạm Ngũ Hư do làm nhà quá rộng hoặc quá hẹp.


– Khi sửa chữa bảo trì, cần lưu ý những phần trên cao và đằng sau (Tu Sơn) làm trước để bình ổn chỗ dựa. Căn cứ theo Trung Cung để biết các khu vực trước sau, từ đó đề ra giải pháp phù hợp. Những hướng thường xuyên chịu tác động xấu của thời tiết (nắng gắt, mưa, ẩm) nên chú ý bảo trì nhiều hơn (hình 3 – làm thêm lam che nắng cho mặt hướng tây).



Khi gắn thêm thiết bị (máy lạnh, quạt hút, bơm nước…) cần xem xét sự ảnh hưởng của chi tiết đến toàn thể. Tốt nhất là các chi tiết được dự trù từ đầu (đường dây, giá đỡ ) để khi bảo trì sẽ thuận lợi và giảm bớt tác động vào ngôi nhà (như đục tường, nối đường ống – hình 4).



Bài: KTS Hà Anh Tuấn.
Ảnh: Nguyễn Hưng









Chia sẻ với bạn bè qua:





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *