Hơn 33 năm công tác ngành Lắp máy, trong ký ức của mình mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm về nghề, anh Lê Văn phượng còn nhớ như in một ngày cuối tháng 12/1974, khi anh được tuyển vào học tại trường Công nhân kỹ thuật lắp máy Ninh Bình. Hai năm sau tốt nghiệp ra trường anh được điều về công tác tại công trường Lắp máy Uông Bí – Quảng Ninh. Sức trẻ và lòng nhiệt huyết, công nhân Lê Văn phượng đã lao vào công việc với tinh thần hăng say không mệt mỏi. Lúc đó trên công trình có sự giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên gia Liên Xô, anh phượng cho rằng đây là cơ hội tốt để mình học tập từ bạn. Nhưng cái khó khăn lớn nhất đối với anh là ngoại ngữ, để giao tiếp được thì không còn con đường nào khác là phải học tiếng Nga. Chăm chỉ tự học, từng từ, cùng với hàng ngày giao tiếp với các chuyên gia nên chỉ một thời gian ngắn anh đã có một vốn từ kha khá có thể nói chuyện với những câu đơn giản. Ý chí phấn đấu, không ngừng vươn lên để khẳng định mình trong công việc, sau ba năm anh đã được nâng bậc lương 4/7, rồi sau đó được Xí nghiệp liên hợp Lắp máy 69 giao nhiệm vụ tổ trưởng sản xuất. trong quá trình công tác, người thợ lắp máy này đã có mặt ở nhiều công trình công nghiệp và dân dụng của đất nước, từ Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đến công trình A318 xăng dầu quốc phòng, Nhà máy xi măng Hoàng Thạch 1 và 2, Nhà máy Nhiệt điện phả Lại 1 và 2, rồi lại đến nhiệt điện Uông Bí mở rộng và nhiều công trình xây dựng khác. Anh tâm sự: “Nghề xây dựng mình vất vả quá, khi tập kết đến công trường còn xanh cỏ, khi công trình hoàn thành thì lại ba lô lên đường đến công trình khác, luôn phải xa nhà. Những cặp vợ chồng lắp máy theo công trường còn vất vả hơn – đó là cuộc sống luôn tạm bợ ở lán trại, luôn phải di chuyển, rồi chuyện học hành của các cháu nữa… Nhưng đã xác định rõ tư tưởng rồi nên chúng tôi phải khắc phục khó khăn thôi”. Năm 2005, anh phượng được điều về làm tổ trưởng tại xưởng I, Nhà máy chế tạo thiết bị và kết cấu thép Bắc Ninh với nhiệm vụ chế tạo bộ sấy không khí xuất khẩu cho Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản và cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong nước, đây là loại thiết bị trước đây phải nhập từ nước ngoài nay thợ lắp máy Việt Nam đảm nhận chế tạo. Nhà máy của anh còn được giao nhiệm vụ chế tạo dầm chính cho trung tâm Hội nghị Quốc gia, chế tạo kết cấu lò hơi nhà máy nhiệt điện xuất khẩu sang Ấn Độ. Có thể nói rằng trong những năm gần đây trước sự đổi mới của đất nước, để hoà nhập với tình hình kinh tế thế giới, thợ lắp máy nói riêng và người thợ ngành Xây dựng nói chung đã có nhiều tiến bộ không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Với sự kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng, đặc biệt khi chế tạo thiết bị bộ sấy không khí xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ cần sai sót một li là không đạt yêu cầu. Nhưng với những công nhân lành nghề cùng với sự chỉ đạo của tổ trưởng Lê Văn phượng, tổ sản xuất do anh phụ trách luôn hoàn thành tiến độ và bảo đảm chất lượng sản phẩm. trò chuyện với tôi, anh tâm sự: “Mình có được tay nghề vững vàng như ngày hôm nay là kết quả của sự tự học hỏi không ngưng nghỉ. Học qua các tài liệu, qua các đồng nghiệp, qua các chuyên gia… để nâng cao trình độ tay nghề, nhờ đó mình luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Với kinh nghiệm của bản thân, anh luôn nhiệt tình truyền nghề cho lớp trẻ và tạo cho họ ý thức tự học hỏi. Noi gương anh, các công nhân trong tổ đều ý thức việc rèn luyện để nâng cao tay nghề, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công việc. Nhờ đó, những công trình do tổ anh thi công đều bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, tiến độ và đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Gắn bó hết lòng với nghề, công nhân lắp máy Lê Văn phượng nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng, Bằng khen của Bộ Xây dựng và Công đoàn Xây dựng Việt Nam. |
Trưởng thành nhờ tự học hỏi
0